TP. Hồ Chí Minh: Thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn bán tràn lan

Sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng trong việc nhận diện sản phẩm an toàn, cùng với thói quen thờ ơ trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm, cộng hưởng với những khoảng trống trong hệ thống pháp luật đã vô tình tạo mảnh đất màu mỡ cho hàng giả, hàng nhái phát triển.
23/05/2025 17:44

Thông tin trên được bà Nguyễn Thị Lam Phương, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và thông tin truyền thông, Sở An toàn thực phẩm TP. HCM cho biết tại "'Họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội" diễn ra vào chiều 22/5.

Cụ thể, Sở An toàn thực phẩm nhận định việc người tiêu dùng thiếu kỹ năng nhận biết sản phẩm an toàn và chưa quen với việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm - yếu tố quan trọng giúp phân biệt hàng thật, hàng giả.

Trong thực tế, không ít người chưa biết cách kiểm tra tem chống giả, mã vạch hay quét QR code để xác minh xuất xứ, hoặc không quen sử dụng các ứng dụng hỗ trợ truy xuất nguồn gốc. Thói quen tin tưởng vào bao bì bắt mắt, nhãn mác quảng cáo mà bỏ qua việc kiểm tra kỹ các thông tin cần thiết như hạn sử dụng, nhà sản xuất, thành phần, hay các dấu hiệu nhận biết sản phẩm bất thường cũng khiến nhiều người dễ bị đánh lừa. Việc thiếu kỹ năng này không chỉ làm tăng nguy cơ mua phải thực phẩm giả, kém chất lượng mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở vì lợi ích kinh tế đã cố tình vi phạm quy định an toàn thực phẩm. Các đơn vị này thường hoạt động bí mật, khó phát hiện. Thông tin từ cơ quan công an trong các vụ án mới được công bố cho thấy, các đường dây làm giả thuốc, thực phẩm chức năng thu lời bất chính lên tới hàng trăm tỷ chỉ trong vài năm. Đây là khoản lợi nhuận khổng lồ khiến nhiều cá nhân, đơn vị bất chấp đạo đức và pháp luật để làm giàu, các chuyên gia nhận định.

Vấn đề không chỉ dừng lại ở sản phẩm giả trong nước mà còn mở rộng sang hàng xách tay không rõ nguồn gốc được rao bán tràn lan trên mạng xã hội. Nhiều trường hợp quảng cáo sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng dưới danh nghĩa "thực phẩm chức năng, sữa ngoại nhập hay sản phẩm chính hãng".

sua dep

Sữa Bold Milk cơ xương khớp Colostrum nằm trong danh sách sữa giả đang được điều tra (Ảnh chụp màn hình)

Theo đại diện Sở An toàn thực phẩm, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã liên tục phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến thuốc giả, sữa giả, thực phẩm chức năng giả.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, Sở An toàn thực phẩm đã triển khai kế hoạch về kiểm tra chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Tập trung vào các sản phẩm như sữa chế biến, sữa dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.

Thời gian tới, Sở sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như tăng cường truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng; hướng dẫn truy xuất nguồn gốc, giới thiệu sản phẩm chất lượng, kết nối sản xuất và tiêu dùng; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và lấy mẫu kiểm nghiệm định kỳ.

Cũng tại họp báo, bà Phương cho biết, Sở đã ký kết kế hoạch phối hợp với 15 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, triển khai chương trình kết nối nông sản - thực phẩm an toàn giai đoạn 2021-2025.

Tính đến tháng 5/2025, TP .HCM đã cấp nhiều giấy chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn. Trong đó có 6 giấy mới cấp, bao gồm 2 cơ sở chăn nuôi, 1 cơ sở sản xuất rau củ quả với sản lượng khoảng 450 tấn/năm; 7 cơ sở kinh doanh rau củ quả, trứng gà, thịt heo, thịt bò, thịt gà và thủy sản.

Tới đây, Sở sẽ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở kinh doanh trong việc ghi chép và duy trì hồ sơ nguồn gốc; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá và kết nối sản phẩm; triển khai áp dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc và xây dựng hệ thống dữ liệu thống nhất.

Sở cũng sẽ tham mưu cho UBND TP liên quan đến các chính sách pháp lý hỗ trợ các cơ sở tham gia chuỗi liên kết nông sản - thực phẩm an toàn.

Theo Vnexpress

comment Bình luận