TP.HCM: Lên phương án tính giá rác theo khối lượng

Hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn TP.HCM vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể từ TP để làm đơn giáthu gom rác.
26/02/2022 08:37

Đầu năm 2022, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020 chính thức có hiệu lực. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 79 Luật BVMT 2020: Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.

Tuy nhiên, đa số địa phương vẫn chưa áp dụng việc tính giá dịch vụ thu gom, xử lý rác thải theo quy định mới.

17

Nhiều địa phương trên địa bàn TP.HCM đang gặp lúng túng trong việc thu tiền rác theo ký

Địa phương chờ hướng dẫn cách tính mới

Hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn TP.HCM vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể từ TP để làm đơn giá thu gom rác.

Theo ông Vũ Chí Kiên, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, hiện nay quận đang triển khai giá dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH theo Quyết định 20/2021 của UBND TP.

“Nhằm phù hợp với Luật BVMT 2020 quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích, hiện quận đang chờ hướng dẫn cụ thể của TP để thực hiện theo” - ông Kiên cho hay.

Ông Đỗ Anh Khang, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cũng nhận định: Thu phí rác thải dựa trên khối lượng, thể tích là hoàn toàn hợp lý. Hiện nay, quận vẫn đang triển khai giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH theo các quyết định 38/2018 và 20/2021 của UBND TP. Theo đó, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH được quy định trên đơn vị tính là đồng/kg.

“Quận Gò Vấp đã ban hành đơn giá rác. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa tổ chức triển khai do vẫn chờ hướng dẫn của TP để thực hiện sao cho đúng quy định của luật” - ông Khang thông tin.

Từ những ý kiến nêu trên, Sở Tư pháp TP cũng đã có văn bản gửi Sở TN&MT TP. Cụ thể, Sở Tư pháp cho rằng hiện nay, khoản 6 Điều 79 Luật BVMT 2020 quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích.

Như vậy, đến thời điểm Luật BVMT 2020 có hiệu lực thì UBND TP phải ban hành quy định giá cụ thể về dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH. Vì vậy, việc quy định đơn giá tối đa theo Quyết định 38/2018 và Quyết định 20/2021 của UBND TP không còn phù hợp với khoản 6 Điều 79 Luật BVMT 2020.

Chính vì vậy, Sở Tư pháp đề nghị Sở TN&MT nghiên cứu, tham mưu cho UBND TP quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH theo đúng Luật BVMT 2020 cho phù hợp.

Dự kiến nhiều phương pháp thu giá rác

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết: Việc thực hiện thu tiền rác theo khối lượng phát sinh đã được nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, Thái Lan… thực hiện. Tương tự, TP.HCM đã triển khai việc thực hiện thu tiền rác theo khối lượng phát sinh từ năm 2008.

Hiện nay, các quận, huyện đang triển khai giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH theo Quyết định 38/2018 và Quyết định 20/2021 của UBND TP.

Theo đó, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH được quy định trên đơn vị tính là đồng/kg. Hộ gia đình và chủ nguồn thải chi trả giá dịch vụ theo khối lượng phát sinh theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền (chi trả cho công tác thu gom tại nguồn, vận chuyển và xử lý với lộ trình tăng giá dần dần). Việc chi trả tiền rác của hộ gia đình và chủ nguồn thải thực hiện hằng tháng theo hợp đồng ký kết với đơn vị thu gom rác.

Qua nghiên cứu, tham khảo các phương pháp xác định khối lượng rác phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải đã được áp dụng hiệu quả từ các quốc gia phát triển trên thế giới và trên cơ sở điều kiện thực tiễn của TP.HCM, ngành môi trường dự kiến thực hiện tính tiền rác theo bốn cách sau:

Thứ nhất, cho hộ gia đình, chủ nguồn thải kê khai ban đầu khối lượng phát sinh. Trong quá trình lực lượng chức năng thực hiện hậu kiểm sẽ điều chỉnh phù hợp.

Thứ hai, xác định theo hệ số phát thải bình quân đầu người, từ 0,8 đến 1,3 kg/người/ngày nhân với số lượng nhân khẩu.

Thứ ba, xác định theo dung tích thùng chứa/túi chứa hoặc thống kê khối lượng cân trong tuần, trong tháng và tổng hợp bình quân.

Thứ tư, kết hợp cả ba phương pháp trên.

“Giai đoạn đầu đòi hỏi chính quyền địa phương phải bố trí nhân sự thực hiện việc xác định và thống kê khối lượng phát sinh của các hộ gia đình, chủ nguồn thải. Trên cơ sở đó sẽ triển khai và quản lý công tác thu chi giá dịch vụ theo quy định của UBND TP.HCM”- bà Mỹ nói.

Theo Pháp Luật TPHCM

comment Bình luận

largeer