Trao giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2024

Sáng ngày 16/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2024.
17/11/2024 08:34

Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" là sự kiện được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh các tác giả có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc về sự nghiệp Giáo dục, về các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Giáo dục. Qua đó, tuyên truyền, tôn vinh đóng góp của ngành Giáo dục cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và xã hội đối với sự nghiệp Giáo dục Việt Nam.

Báo cáo tổng kết Giải tại buổi lễ, Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại cho biết, năm 2024 - năm thứ 7 tổ chức, Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" nhận được hơn 800 tác phẩm dự thi ở 4 loại hình: báo giấy, báo điện tử, phát thanh và truyền hình.

Sau thời gian làm việc nghiêm túc, công tâm, Ban Giám khảo đã lựa chọn từ hơn 800 tác phẩm dự thi 81 tác phẩm vào chung khảo. Từ đó tiếp tục lựa chọn ra 59 tác phẩm xuất sắc nhất của 4 loại hình để trao giải; bao gồm 1 giải Đặc biệt, 4 giải Nhất, 8 giải Nhì, 12 giải Ba, 32 giải Khuyến khích và 2 nhân vật tiêu biểu.

giaibaochi

Quang cảnh lễ trao giải. (Ảnh: Bộ GDĐT)

Chất lượng các tác phẩm dự thi năm nay được nhận định khá tốt, phản ánh đậm nét về đời sống giáo viên và bám sát vấn đề thời sự của ngành Giáo dục. Nhiều tác phẩm đi sâu phân tích những vấn đề “nóng” của ngành; ghi nhận thực tế triển khai hoặc phản biện xã hội về những chủ trương, quyết sách của ngành Giáo dục; ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh, người học. Nhiều tác phẩm lan tỏa câu chuyện đẹp của ngành Giáo dục; trong đó có các thầy, cô giáo cắm bản, bám trường, bám lớp, tình nguyện “gieo chữ” ở những nơi xa xôi của Tổ quốc.

“Những năm tiếp theo, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các nhà báo, phóng viên, cộng tác viên đến từ các cơ quan báo chí trung ương, địa phương trên cả nước. Về phía Ban tổ chức sẽ tiếp tục tìm tòi, đổi mới để Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” ngày càng có uy tín, chuyên nghiệp và có sức sống lâu dài”, nhà báo Triệu Ngọc Lâm bày tỏ.

Chia sẻ tại buổi lễ, nhà báo Phan Thị Lệ Hằng, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tâm sự: Nhìn lại hành trình, tôi biết mình không thể đi xa đến vậy nếu không có sự hợp tác tuyệt vời của các thầy cô giáo - những “nhân vật chính” trong mọi câu chuyện mà tôi kể. Giải thưởng này là niềm vui lớn, nhưng cũng là động lực để tôi tiếp tục gắn bó, tiếp tục kể những câu chuyện đầy cảm hứng về giáo dục Việt Nam. Vì trong nghề này, mỗi chuyến đi, mỗi bài báo đều là một lần học thêm điều mới mẻ.

Nhà báo Lê Thị Thu, đại diện nhóm tác giả của tác phẩm đạt giải đặc biệt "Nghị định 116 về đặt hàng đào tạo giáo viên "Cung" hào hứng - "Cầu" thờ ơ" cho biết: Chúng tôi thực hiện loạt bài này với mong muốn lý giải phần nào vì sao một chính sách nhân văn, nhằm thu hút sinh viên giỏi vào học ngành sư phạm thông qua cơ chế đặt hàng đào tạo lại “tắc” khi triển khai? Tại sao các địa phương thiếu giáo viên nhưng vẫn chưa “mặn mà” đặt hàng đào tạo? Thực tế này đặt ra yêu cầu cần sớm có giải pháp “khơi thông” Nghị định 116 cho nhiệm vụ đặt hàng đào giáo viên.

“Tôi nghĩ cuộc thi "Vì sự nghiệp Giáo dục toàn quốc" rất có ý nghĩa và thiết thực đối với không chỉ các phóng viên theo mảng giáo dục mà còn nhận được nhiều sự quan tâm của những người yêu mến giáo dục. Mỗi năm chúng tôi cố gắng tìm tòi những đề tài mới, những nhân vật hay để có thể làm nên những tác phẩm xuất sắc, có tác động xã hội”, nhà báo Lê Thị Thu chia sẻ.

Phát biểu tại lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" là dịp ghi nhận những đóng góp to lớn của báo chí trong việc lan tỏa giá trị tốt đẹp của giáo dục, phản ánh chân thực những thách thức và thành tựu của ngành; đồng thời cũng là lời tri ân sâu sắc gửi tới các nhà báo, phóng viên - những người đã luôn đồng hành, chia sẻ và góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục nước nhà phát triển.

Thứ trưởng đánh giá các tác phẩm dự thi năm nay đã phản ánh sống động bức tranh toàn cảnh của ngành Giáo dục, từ những thách thức trong đổi mới chương trình, sách giáo khoa; từ những hình ảnh các em học sinh, sinh viên hiếu học, vượt khó đến từ những vùng quê khác nhau, cho đến những tấm gương nhà giáo tận tâm cống hiến và các câu chuyện truyền cảm hứng về sự sáng tạo, đổi mới trong dạy và học. Những bài viết không chỉ làm sáng tỏ những vấn đề tồn tại mà còn đưa ra các giải pháp, góp phần tạo nên diễn đàn trao đổi ý nghĩa giữa ngành Giáo dục và xã hội.

Thứ trưởng nhận định: Giải báo chí năm nay ghi nhận nhiều dấu ấn mới. Số lượng và chất lượng các tác phẩm thuộc mọi loại hình báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình đều tăng. Đặc biệt, sự xuất hiện của các hình thức như Mega Story, Emagazine, Podcast mang đến sự mới mẻ và hiện đại trong cách truyền tải nội dung. Những vấn đề thời sự như chính sách nhà giáo, chuyển đổi số trong giáo dục, văn hóa học đường, hay an toàn trường học… đã được các tác giả phản ánh một cách toàn diện và sâu sắc. Điều này cho thấy báo chí không chỉ đóng vai trò là người đồng hành, mà còn là cầu nối quan trọng giúp ngành Giáo dục nhận được sự đồng cảm, chia sẻ từ xã hội; đồng thời là kênh phản biện quan trọng để xây dựng chính sách phù hợp hơn với thực tiễn.

“Thay mặt lãnh đạo Bộ GDĐT, tôi xin trân trọng cảm ơn các cơ quan báo chí, các nhà báo, phóng viên đã dành tâm huyết, trách nhiệm, thể hiện qua những tác phẩm báo chí giá trị. Sự đồng hành và cống hiến của quý vị và các bạn là nguồn động lực lớn lao giúp ngành giáo dục không ngừng tiến bước. Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" không chỉ là dịp vinh danh mà còn là lời kêu gọi tiếp tục chung tay xây dựng một nền giáo dục đổi mới và phát triển”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn bày tỏ.

Nhân dịp này, Thứ trưởng chính thức phát động Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" năm 2025, và mong rằng Giải sẽ tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự tham gia của các cơ quan thông tấn báo chí, các phóng viên, nhà báo; từ đó có thêm nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc về giáo dục. Thứ trưởng đồng thời đề nghị Ban Tổ chức giải tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu, đổi mới để việc tổ chức giải thưởng ngày càng chuyên nghiệp, chất lượng, uy tín.

Trung tâm Truyền thông và Sự kiện

comment Bình luận

largeer