Trẻ bị sốt có uống vitamin A ở xã phường được không?

Sau khi nắm bắt được thông tin về thời gian uống vitamin A tại trạm y tế, xã phường thì nhiều phụ huynh thắc mắc khi trẻ bị sốt cho uống vitamin A được không?
01/12/2020 07:28

Theo thông tin bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM trả lời trên trang Hỏi bác sĩ Nhi đồng, đối với những trẻ đang bệnh, đang tiêm ngừa hoặc chuẩn bị tiêm ngừa đều có thể uống được vitamin A bình thường, không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Với một số trường hợp trẻ sốt nhẹ, trẻ bị ho, sổ mũi, trẻ mới tiêm phòng, trẻ viêm tai giữa hoặc bị dị ứng với đạm sữa bò... vẫn có thể uống vitamin A theo lịch bình thường.

Chỉ những trẻ có cơ địa quá nhạy cảm - sau khi uống vitamin A về bị nôn nhiều, tiêu chảy, thóp phồng thì được khuyến cáo không nên uống vitamin A theo lịch uống vitamin A tại xã phường.

Nhiều mẹ rất lo lắng vì không cho trẻ uống Vitamin A đúng lịch bởi lí do riêng hoặc vì bé đang bị ốm. Tuy nhiên, các mẹ không nên quá lo lắng. Cha mẹ có thể tới các trung tâm y tế ở xã, phường sau khi con hết ốm để cho trẻ uống Vitamin A bổ sung càng sớm, càng tốt.

Trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi cần được uống vitamin A liều cao. Chính vì thế, mỗi năm nhà nước đều tổ chức hai đợt cho trẻ uống vitamin A vào đầu các tháng 6 và tháng 12. Cha mẹ nên theo dõi lịch uống vitamin A năm 2019 để bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ.

vitamin_a_piwt

Thông thường, trẻ từ 6 tháng đến 3-5 tuổi sẽ được uống vitamin A liều cao miễn phí.

Trong đó, trẻ từ 6 – 11 tháng tuổi bổ sung liều vitamin A 100.000 đơn vị quốc tế (IU).

Trẻ sau 12 tháng tuổi uống liều 200.000 đơn vị quốc tế (IU).

Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, cha mẹ đợi năm tiếp theo để bổ sung đủ liều cho trẻ.

Trẻ uống vitamin A có bị sốt không?

Bác sĩ Đặng Thị Kim Huyên – Trưởng khoa Khám Bệnh – Bệnh Viện Nhi đồng 2 – TP.HCM, chia sẻ với báo chí: “Về bản chất, việc trẻ uống vitamin A cũng như uống các loại thuốc thông thường khác, khi cơ thể trẻ không thích ứng được với các chất lạ đưa vào cơ thể thì sẽ sản sinh ra những phản ứng để chống lại, hoặc bản chất các loại thuốc luôn có tác dụng không mong muốn – trên mỗi trẻ là khác nhau.”

vichatdinhduong-1495454637136

Một số tác dụng không mong muốn có thể xảy ra sau khi trẻ được cho uống vitamin A là:

Tác dụng thường gặp:

  • Nôn ói, tiêu chảy, đầy bụng, thóp hơi phồng.
  • Khó thở cục bộ, đau đầu, mệt mỏi, ngứa, sưng mặt hoặc môi, dị ứng.

Thông thường, các triệu chứng này chỉ kéo dài trong khoảng 1 – 2 ngày là tự hết, không nguy hiểm tới sức khỏe của trẻ.

Tác dụng hiếm gặp:

  • Tăng nguy cơ bệnh tim mạch.
  • Chảy máu ở phổi, nhìn mờ, đau nhức xương.
  • Thay đổi trong chức năng miễn dịch.
  • Viêm gan mạn tính, sẹo gan.
  • Suy giảm chức năng tuyến giáp.
  • Rụng tóc, loãng xương, rối loạn sắc tố da.
  • Vàng da.

Bác sĩ Kim Huyên cũng cho biết, vitamin A là một vi chất rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ nhỏ, vì vậy cha mẹ không nên quá hoang mang, lo lắng trước số ít trẻ gặp tác dụng phụ mà không cho trẻ đi uống vitamin A.

Nhiều mẹ thấy con có biểu hiện khác thường lại lo lắng con uống quá liều vitamin A, tuy nhiên GS. TS. Lê Danh Tuyên – Viện trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc gia cho biết: "Với liều lượng Vitamin A được uống trong Ngày Vi chất dinh dưỡng thì không thể quá liều cho trẻ. Nếu trẻ có dấu hiệu khác thường như sốt... thì có thể do nguyên nhân khác (thời tiết)... Vì vậy cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện để thăm khám khi có bất cứ dấu hiệu bất thường nào khiến phụ huynh lo lắng". 

Khánh Hà (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer