Trẻ dễ rối loạn tâm lý khi nghỉ học ngừa COVID-19

Trẻ nghỉ học ở nhà để ngừa COVID-19, nếu cha mẹ không trò chuyện, để trẻ bơ vơ sẽ dễ dẫn đến rối loạn tâm lý.
28/05/2021 11:38

 Chuyên viên tâm lý Nguyễn Hải Uyên, Khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết thời gian qua, nhiều trẻ được bố mẹ đưa đến khám vì rối loạn tâm lý, rối loạn ngôn ngữ hoặc mất ngôn ngữ, tương tác kém... Đa số trẻ ở độ tuổi từ 18 tháng đến dưới 5 tuổi.

Bà Hải Uyên cho biết trong 10 trẻ khám tại bệnh viện thì khoảng 8 trẻ bị rối loạn tâm lý do ít tiếp xúc người khác và bạn bè, biểu hiện qua việc trẻ ít nói, né tránh ánh mắt khi giao tiếp, sợ người lạ...

"Khi trẻ không có dịp tiếp xúc với bạn bè, trường lớp, cô giáo thì cha mẹ nên là người duy trì tương tác với con, thay vì để con làm bạn với thiết bị điện tử", chuyên gia tâm lý khuyến cáo.

Theo sự phát triển lứa tuổi, từ khi lên hai, bé đã phân biệt được quen, lạ và bắt đầu khám phá thế giới xung quanh, nhận biết đồ vật qua trò chơi, quan sát. Đặc biệt, khi ba tuổi, trẻ sẽ bước vào "giai đoạn xã hội hóa", bước khỏi gia đình để tiếp xúc những trẻ khác, kết nối thầy cô, người xung quanh.

Việc hạn chế tương tác và để trẻ chơi một mình, chỉ chơi với đồ vật là sự thiếu hụt rất lớn trong quá trình phát triển của trẻ về mặt ngôn ngữ, nhận thức và xã hội hóa. Đây cũng là giai đoạn phát triển vận động nên nếu trẻ bị hạn chế trong phậm vi hẹp, ít chạy nhảy, năng lượng không được giải phóng sẽ tạo thành những bức bối, khó chịu, căng thẳng.

Những điều này dễ dẫn đến trẻ giảm khả năng tự phục vụ, thích ứng, nhận thức cũng như vốn ngôn ngữ. Nhiều cha mẹ quá bận rộn, đi làm về thấy con đã được người giúp việc, ông bà cho ăn, vệ sinh cá nhân xong thì yên tâm nghỉ ngơi, ít chơi đùa, trò chuyện, ẵm bồng... khiến trẻ cảm thấy khoảng cách xa dần.

Có phụ huynh cho trẻ xem điện thoại, máy tính bảng khá nhiều, nên trẻ rơi vào thế giới riêng. Một số trẻ từng nói được từ đơn, từ đôi, câu ngắn, sau một thời gian chỉ nghe hiểu, biết xác định con vật, đồ vật theo yêu cầu và nói từng từ vô nghĩa, hoặc không nói mà chỉ cầm tay người đối diện chỉ vào đồ vật.

Nặng hơn, trẻ bị rối loạn lo âu, chỉ cần không có người ngồi sát bên cạnh thì co người sợ hãi, khóc thét đòi. Có trẻ chán ăn, rối loạn giấc ngủ, thờ ơ với mọi thứ. Cha mẹ cần nói chuyện, chuẩn bị tâm lý cho trẻ không bị rơi vào lo âu chia ly, tránh làm trẻ có cảm giác bị bỏ rơi, không an toàn.

Trẻ có khá nhiều năng lượng. Khi được "tháo cũi" sau thời gian "nhốt" trong nhà, trẻ có thể phấn khích, chạy nhảy nhiều, đùa giỡn quá khích. Điều này làm phụ huynh nhầm tưởng trẻ bị tăng động hay mắc bệnh gì đó và tiếp tục "nhốt". Lúc này, trẻ sẽ la hét, quấy khóc, ăn vạ thậm chí phát sinh hành động tiêu cực như chửi, đánh lại người lớn.

Chuyên gia khuyến cáo cha mẹ cần quan tâm đến cảm xúc của con nhiều hơn. Mỗi ngày, nên dành thời gian ít nhất một giờ để chơi đùa, tương tác với trẻ qua các trò chơi hai chiều như chơi sắm vai, cùng tô màu, hát cho trẻ múa...

roi-loan-tam-ly-2524-1622115170

Chuyên viên tâm lý đang tư vấn cho phụ huynh tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh do bệnh viện cung cấp.

comment Bình luận

largeer