Trẻ dùng điện thoại sớm: Ranh giới giữa lợi ích và tác hại

Việc cho trẻ sử dụng điện thoại từ sớm đang trở thành đề tài gây tranh cãi trong nhiều gia đình hiện nay. Vậy đâu là độ tuổi phù hợp, lợi ích và nguy cơ tiềm ẩn ra sao? Bài viết dưới đây sẽ giúp phụ huynh có góc nhìn toàn diện để đưa ra quyết định đúng đắn.
23/07/2025 13:56

 Lợi ích cho trẻ xem điện thoại

Nếu được giám sát và sử dụng đúng cách, việc cho trẻ tiếp xúc với điện thoại sớm có thể mang lại một số lợi ích. 

Trẻ có thể học được chữ cái, số đếm, màu sắc, ngôn ngữ qua các ứng dụng giáo dục và video học tập phù hợp, từ đó phát triển tư duy và khả năng quan sát. 

Ngoài ra, việc làm quen sớm với công nghệ giúp trẻ không bị tụt hậu trong thời đại số, đồng thời điện thoại cũng hỗ trợ phụ huynh dễ dàng liên lạc và định vị trẻ khi cần thiết.

Tác hại khi cho trẻ sử dụng điện thoại sớm

Tăng nguy cơ mắc bệnh não

Sóng điện thoại có thể làm xáo trộn hoạt động não, tăng nguy cơ tổn thương não do trẻ có hộp sọ mỏng và hấp thụ bức xạ cao hơn người lớn.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã từng cảnh báo rằng bức xạ phát ra từ điện thoại di động có thể là tác nhân gây ung thư ở trẻ nhỏ. Theo các nghiên cứu, trẻ em có khả năng hấp thụ đến 60% lượng bức xạ từ thiết bị di động, cao gấp đôi so với người trưởng thành. Điều này khiến trẻ dễ bị tổn thương hơn, đặc biệt là não bộ và các mô đang trong quá trình phát triển.

Empty

Sóng điện thoại ảnh hưởng đến trí não (Ảnh minh họa)

Suy giảm thị lực

Tại thời điểm từ 1-10 tuổi, mắt của trẻ nhỏ chưa hoàn thiện về cấu trúc và khả năng điều tiết, dễ bị tổn thương hơn so với người lớn. Khi trẻ phải nhìn gần quá lâu (như khi dán mắt vào màn hình điện thoại), mắt sẽ liên tục phải điều tiết, dễ dẫn đến căng cơ mắt, nhức mỏi, và về lâu dài có thể gây cận thị sớm.

Empty

Sử dụng điện thoại sớm tăng nguy cơ cận thị (Ảnh minh họa)

Chậm phát triển trí tuệ và hạn chế giao tiếp

Bộ não của một đứa trẻ phát triển nhanh nhất trong ba năm đầu đời và trẻ học tốt nhất khi sử dụng đầy đủ cả năm giác quan để tiếp nhận thông tin. Sử dụng điện thoại quá nhiều làm trẻ giảm tương tác thực tế, cha mẹ cũng giảm tương tác với con hơn, trẻ ít nói chuyện, thiếu kỹ năng xã hội, kém sáng tạo và khó phát triển toàn diện. 

Giảm khả năng vận động và mắc các bệnh

Nhiều trẻ dùng điện thoại chủ yếu để giải trí, chơi game, khiến sao nhãng việc học, giảm trí nhớ, khó tập trung. Thói quen ngồi lâu cũng khiến trẻ ít vận động, và có chế độ ăn kém lành mạnh hơn từ đó tăng nguy cơ béo phì, mệt mỏi và mất ngủ do ánh sáng xanh từ màn hình.

Độ tuổi thích hợp cho trẻ sử dụng điện thoại

Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), việc tiếp xúc với màn hình điện tử cần được kiểm soát chặt chẽ theo từng độ tuổi để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của trẻ. 

Đối với trẻ dưới 18 tháng, AAP khuyến cáo không sử dụng thiết bị điện tử ngoại trừ trường hợp gọi video có sự giám sát. Trẻ từ 18-24 tháng chỉ nên tiếp cận nội dung chất lượng cao dưới 1 giờ/ngày kèm hướng dẫn của phụ huynh. 

Đặc biệt, với trẻ 2 - 5 tuổi, thời gian sử dụng nên giới hạn trong 1 giờ/ngày và ưu tiên chương trình giáo dục có chọn lọc. 

Thảo Nguyên (Tổng hợp)

comment Bình luận