Trẻ mắc bệnh thận mạn tính nhập viện nguy kịch do cha mẹ tự ý bỏ điều trị

Bệnh thận mạn tính là bệnh lý suốt đời, trẻ cần được đi khám định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh và ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng. Tuy nhiên, vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương liên tục tiếp nhận một số trường hợp trẻ mắc bệnh thận mạn tính nhập viện nguy kịch do cha mẹ tự ý bỏ điều trị, hoặc sử dụng thuốc nam theo lời mách từ những người xung quanh.
30/05/2023 10:07

Gần đây nhất là một bệnh nhi 5 tuổi quê ở Bắc Giang nhập viện vào khoa Điều trị tích cực nôi khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng nguy kịch, mặc dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng trẻ không qua khỏi. Theo các bác sĩ, cách đây hơn 1 năm, trẻ được chẩn đoán mắc bệnh thận mạn tính, đã được điều trị sức khỏe ổn định ra viện và tiếp tục theo dõi ngoại trú tại phòng khám chuyên khoa Thận, Bệnh viện Nhi Trung ương. Tuy nhiên, hơn 3 tháng nay, người nhà bệnh nhi tự ý bỏ theo dõi, điều trị và cho trẻ dùng thuốc nam. Gần đây, khi tình trạng sức khoẻ chuyển biến xấu, trẻ mới được người nhà đưa quay trở lại bệnh viện điều trị.

Tre-mac-benh-than-man-tinh-bo-do-dieu-tri-12

Theo TS.BS Nguyễn Thu Hương – Trưởng khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương, đây là một trong số nhiều trường hợp trẻ đang điều trị bệnh thận mạn tính tại khoa tự ý bỏ ngang điều trị hoặc sử dụng thuốc nam theo lời mách từ những người xung quanh đến khi nhập viện thì đã quá muộn.Có nhiều lý do khiến người nhà bỏ điều trị cho trẻ như: hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà xa đi lại tốn kém, thời gian điều trị kéo dài hoặc nghĩ cơ hội sống của trẻ không còn, có chạy chữa cũng không thay đổi được gì… là lý do khiến gia đình dễ buông xuôi.

Trẻ mắc bệnh thận mạn tính: Nguyên nhân và giải pháp

Chức năng của thận:

Thận là một bộ phận quan trong trong hệ tiết niệu, có hình hạt đậu nằm trong khoang bụng sau phúc mạc đối xứng nhau qua cột sống, ngang đốt sống ngực T11 đến đốt thắt lưng L3. Thận có các chức năng:

- Tạo nước tiểu và lọc bỏ chất thải.

- Cân bằng nước và các chất điện giải.

- Cân bằng axit- kiềm.

- Điều hòa huyết áp.

- Điều hòa chuyển hóa canxi.

- Tạo yếu tố kích thích tạo hồng cầu

Bệnh thận mạn tính ở trẻ em là gì?

Bệnh thận mạn là tình trạng tổn thương thận không thể hồi phục và hoặc giảm chức năng thận kết hợp với sự tiến triển nặng theo thời gian. Khi thận không hoạt động bình thường, có thể gây ra các biến chứng và suy thận.

Có 5 giai đoạn của bệnh thận mạn và giai đoạn 5 được gọi là suy thận mạn. Sự tiến triển qua các giai đoạn, xảy ra nhanh hay chậm ở mỗi bệnh nhân khác nhau.

Nguyên nhân của bệnh thận mạn ở trẻ em

- Loạn sản thận, van niệu đạo sau, thận đa nang, bệnh nang thận có tính chất gia đình, thận hư bẩm sinh, hội chứng huyết tán ure máu cao…

- Hội chứng thận hư do đột biến gen, hội chứng thận hư kháng các thuốc ức chế miễn dịch, viêm thận do Henoch-Schönlein, viêm thận do Lupus, viêm cầu thận tiến triển nhanh, bệnh thận IgA, hội chứng Alport…

Triệu chứng của bệnh thận mạn

- Mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn.

- Sưng mắt cá chân, bàn chân hoặc bàn tay, hoặc toàn thân.

- Đi tiểu thường xuyên, hoặc ở trẻ em từ 5 tuổi trở lên, đái dầm kéo dài.

- Còi cọc hoặc tăng trưởng kém so với các bạn cùng lứa tuổi.

- Thường xuyên đau đầu do huyết áp cao.

- Nhìn thấy máu trong nước tiểu.

- Thiếu máu và xanh xao do giảm sản xuất hồng cầu.

Xét nghiệm để chẩn đoán bệnh thận mạn

Bệnh thận mạn được chẩn đoán theo nhiều cách. Một số trường hợp được phát hiện trước khi sinh bằng siêu âm. Một số khác, trẻ được chẩn đoán mắc các bệnh khác sau đó phát hiện ra bệnh thận mạn. Thông thường, khi trẻ có các triệu chứng được liệt kê ở trên, bác sĩ của con bạn sẽ tiến hành các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh thận mạn.

Xét nghiệm máu và nước tiểu của trẻ có thể được sử dụng để chẩn đoán bệnh, chẩn đoán nguyên nhân và cho biết giai đoạn bệnh thận mạn.

Siêu âm cho thấy hình ảnh tổn thương thận (thận nhỏ, thận đa nang, thận lạc chỗ…) và các cấu trúc xung quanh. Siêu âm đồng thời có thể đưa ra gợi ý về nguyên nhân gây ra các vấn đề về thận.

Sinh thiết thận, với một mảnh mô thận nhỏ được lấy ra và kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thương của thận.

Điều trị bệnh thận mạn

Không thể chữa khỏi bệnh thận mạn, nhưng việc điều trị có thể giúp làm giảm các triệu chứng và ngăn bệnh trở nên nặng hơn.

Điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ nặngcủa bệnh.

Điều trị nội khoa:

- Thay đổi lối sống và chế độ ăn để giúp trẻ duy trì sức khỏe tốt nhất có thể. Tăng năng lượng ăn, hạn chế chất đạm (thịt, cá…) và các loại trái cây nhiều kali, hạn chế muối và nước…

- Thuốc để kiểm soát huyết áp, protein niệu và cholesterol máu.

- Điều trị thiếu máu.

- Điều trị các biến chứng.

Các phương pháp điều trị thay thế thận:

☑ Được áp dụng khi trẻ suy thận mạn giai đoạn cuối: thận không còn đủ khả năng để hoạt động tốt, đáp ứng nhu cầu cuộc sống hàng ngày

☑ Ghép thận là phương pháp điều trị thay thế thận tốt nhất, trẻ có thể ăn uống và sinh hoạt gần như bình thường.

- Không cần đường vào mạch máu hay ổ bụng.

- Thận nhân tạo, bệnh nhân gắn liền với bệnh viện, thực hiện lọc máu tại bệnh viện 3-4 lần/tuần (3-4giờ/lần).

- Không cần đường vào mạch máu hay ổ bụng.

- Lọc màng bụng sử dụng chính màng bụng của cơ thể để lọc chất cặn bã và nước thừa ra khỏi cơ thể.

- Bệnh nhân được phẫu thuật đặt một ống thông nhỏ (cathete) mềm vào ổ bụng.

- Bệnh nhân hoặc người chăm sóc sẽ được nhân viên y tế huấn luyện để tự thay dịch hàng ngày ở nhà.

- Bệnh nhân đến viện 1 lần mỗi tháng để khám và lĩnh dịch thẩm phân.

Bệnh thận mạn tính là bệnh lý suốt đời, trẻ cần được đi khám định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh. Trẻ cần được duy trì lối sống lành mạnh, và các biện pháp ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng. Bệnh nhân và gia đình nên hiểu về các phương pháp điều trị thay thế thận và thảo luận với bác sĩ để có lựa chọn điều trị phù hợp với công việc, chỗ ở và điều kiện kinh tế khi trẻ bị suy thận mạn.

Cha mẹ không nên cho trẻ uống thuốc từ nhiều nguồn, không tự ý bỏ thuốc điều trị cho trẻ,…Việc điều trị cho trẻ mắc bệnh thận mạn nói riêng và các bệnh mạn tính nói chung không chỉ là trách nhiệm của ngành Y tế mà cần sự hợp tác cả cha mẹ và của cộng đồng – TS.BS Nguyễn Thu Hương- Trưởng khoa Thận và Lọc Máu, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay.

Trẻ em có quyền được chăm sóc sức khoẻ và khám, chữa bệnh

- Theo Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 5/4/2016, có hiệu lực kể từ ngày 1-6-2017, quy định:

- Tại Điều1 của Luật xác định “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”.

- Tại Chương II, Mục I của Luật Trẻ em 2016 gồm có 25 điều, quy định cụ thể các quyền của trẻ em. Trong đó, trẻ em có các quyền cơ bản như: quyền sống; quyền được chăm sóc sức khỏe; quyền vui chơi, giải trí; quyền được sống chung với cha, mẹ; quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động; quyền được đảm bảo an sinh xã hội…

- Tại Chương VI, mục 2 của Luật Trẻ em 2016 gồm có 7 điều, quy định về trách nhiệm của gia đình, cá nhân và cơ sở giáo dục: bảo đảm cho trẻ em được sống với cha, mẹ; chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em; bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự, bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; bảo đảm quyền dân sự của trẻ em…

- Các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em được quy định tại Luật Trẻ em 2016 đó là: Tước đoạt quyền sống của trẻ em; cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình; từ chối, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời việc hỗ trợ, can thiệp, điều trị trẻ em có nguy cơ hoặc đang trong tình trạng nguy hiểm, bị tổn hại thân thể, danh dự, nhân phẩm…

Khi trẻ mắc các bệnh mạn tính, bệnh hiểm nghèo có thể sẽ trở thành gánh nặng đối với nhiều gia đình về cả chi phí điều trị và thời gian chăm sóc. Thế nhưng, mỗi đứa trẻ sinh ra trên cuộc đời này đều có quyền được sống, được yêu thương, chăm sóc và nhận được những gì tốt đẹp nhất. Rất nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn, có con bệnh nặng, nhưng dù chỉ còn một tia hy vọng, cha mẹ vẫn kiên trì cho con điều trị và đã thành công giành lại sự sống cho con.

Vậy nên, chúng tôi thật sự mong rằng, bằng tất cả tình yêu thương, trách nhiệm của người làm cha mẹ, bằng sự thượng tôn pháp luật về quyền trẻ em, khi trẻ mắc bệnh thận mạn tính nói riêng và các bệnh hiểm nghèo khác nói chung cha mẹ hãy đưa con đi khám và dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý dừng điều trị gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Đối với những trường hợp gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ có thể liên hệ phòng Công tác xã hội của bệnh viện hoặc các tổ chức chăm sóc và bảo vệ trẻ em, các cá nhân, đơn vị hảo tâm,… để được hỗ trợ, giúp đỡ

ThS. BS Nguyễn Thị NgọcKhoa Thận và Lọc máu – Bệnh viện Nhi Trung ương

comment Bình luận

largeer