Tri ân người có công – Lan tỏa giá trị nhân văn từ Hội Giáo dục Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2025), Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Quân – Chủ tịch Hội Giáo dục Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng Việt Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng – nhằm làm rõ vai trò chỉ đạo của Hội trong sự nghiệp tri ân người có công và lan tỏa giá trị nhân văn trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
27/07/2025 06:28
Ông Nguyễn Hồng Quân - Chủ tịch Hội Giáo dục Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng Việt Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng

Ông Nguyễn Hồng Quân - Chủ tịch Hội Giáo dục Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng Việt Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng

Phóng viên (PV): Thưa ông, hướng tới kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Hội đã triển khai những hoạt động cụ thể nào để tri ân người có công với cách mạng?

Ông Nguyễn Hồng Quân: Hàng năm, Hội đều tổ chức các chương trình xuyên suốt để tri ân người có công, không chỉ tập trung vào dịp 27/7 mà duy trì liên tục cả năm. Từ đầu năm 2025 đến nay, Hội đã phối hợp với Quỹ Từ thiện Vì Cộng Đồng, Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng và các tổ chức địa phương triển khai hàng loạt các sự kiện, hoạt động thiết thực.

Tiêu biểu, gần đây nhất, trong 02 ngày 23-24/7/2025, Hội đã chỉ đạo Ban Thiện nguyện của Hội và cơ quan ngôn luận là Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng phối hợp cùng các đơn vị, địa phương tại tỉnh Quảng Trị tổ chức thành công chương trình về nguồn “Kỷ niệm 53 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (1972 – 2025) và 78 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (1947 – 2025)”. Nhiều hoạt động có ý nghĩa đã được triển khai trong sự kiện này như lễ cầu siêu, thả đèn hoa đăng bên bờ sông Thạch Hãn với hơn 1.000 người tham dự. Đồng thời, chúng tôi cũng đã tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí và tặng hơn 300 phần quà cho các gia đình chính sách, mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân liệt sĩ, tổng trị giá hơn 500 triệu đồng.

Nhà báo Chu Thị Loan – Tổng Biên tập Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng trao quà cho các gia đình liệt sĩ tại chương trình nghệ thuật “Những điều còn mãi”, diễn ra vào tối ngày 24/7 tại Quảng trường Giải phóng, phường Quảng Trị

Nhà báo Chu Thị Loan – Tổng Biên tập Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng trao quà cho các gia đình liệt sĩ tại chương trình nghệ thuật “Những điều còn mãi”, diễn ra vào tối ngày 24/7 tại Quảng trường Giải phóng, phường Quảng Trị

Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng thông qua các tác phẩm báo chí của mình cũng là một kênh truyền thông giúp lan tỏa thông điệp của Hội đối với người dân về việc “thắp lửa”, gìn giữ các giá trị tốt đẹp trong truyền thống dân tộc, “uống nước nhớ nguồn” và tri ân những người có công với Đất nước.

Trong tháng 7, Hội viên thuộc các khối cơ sở cũng đã tích cực tham gia, tổ chức các buổi thăm hỏi, chăm sóc sức khỏe tại nhà cho các mẹ Việt Nam Anh hùng và thương bệnh binh, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương mà mình đang hoạt động. 

Chi hội Giáo dục Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng Minh Khai - Bắc Từ Liêm, đơn vị trực thuộc Khối Dưỡng sinh Tâm thể - Hội Giáo dục Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng Việt Nam tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội) vào ngày 25/7

Chi hội Giáo dục Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng Minh Khai - Bắc Từ Liêm, đơn vị trực thuộc Khối Dưỡng sinh Tâm thể - Hội Giáo dục Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng Việt Nam tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội) vào ngày 25/7

PV: Với tư cách là một hội hoạt động trong lĩnh vực giáo dục chăm sóc sức khỏe, Hội đóng vai trò như thế nào trong việc kết nối, lan tỏa các giá trị nhân văn như đền ơn đáp nghĩa trong cộng đồng?

Ông Nguyễn Hồng Quân: Hội GDCSSKCĐ Việt Nam được thành lập với mục tiêu góp phần nâng cao chất lượng sức khỏe và đời sống cộng đồng, dựa trên Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị và chương trình hành động của Chính phủ. Trong suốt hành trình hoạt động, chúng tôi luôn đặt giá trị nhân văn làm trọng tâm. Các chương trình tri ân người có công không chỉ dừng ở việc hỗ trợ vật chất mà còn hướng đến việc xây dựng một cộng đồng đoàn kết, sẻ chia, bền vững.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, Hội Giáo dục Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng Việt Nam đã triển khai hàng loạt hoạt động thiện nguyện ý nghĩa trên cả nước với tổng giá trị nhiều tỷ đồng, nổi bật như: trao hàng nghìn phần quà Tết cho hộ nghèo, hỗ trợ bệnh nhân khó khăn, cấp nước chống hạn tại Long An, tổ chức hội thảo – họp báo vì sức khỏe cộng đồng, ra mắt Quỹ Thiện nguyện và kết nối hiệu quả các đơn vị thành viên tại khu vực phía Nam. Tiêu biểu như: Hội đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quy mô lớn “Tết Yêu Thương” tại buôn Cư Drang, Đắk Lắk, với hơn 300 phần quà Tết trao tay người dân vùng khó khăn, mỗi phần quà trị giá 790.000 đồng.  

Tiếp đến là các tọa đàm chuyên môn, hướng tới một cuộc sống khỏe mạnh và bền vững trong cộng đồng như tọa đàm về nguy cơ đột quỵ - nhồi máu cơ tim (25/7), dinh dưỡng người cao tuổi (26/6), chăm sóc sức khỏe chủ động thích ứng ô nhiễm môi trường (19/4), phòng chống ung thư (14/2),… Mỗi chương trình đều đã thu hút hàng trăm đại biểu, y bác sĩ, nhà khoa học và hàng nghìn người dân theo dõi trực tuyến.

Chỉ trong năm 2024-2025 các hội viên của Hội tích cực phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách” đã xây dựng 15 nhà tình nghĩa, mỗi căn trị giá 50 triệu đồng tại các tỉnh Nghệ An, Hà Nam, Thái Bình, Hà Nội, Đăk Nông (tên tỉnh cũ) và cây cầu Hà Giang trị giá 6,1 tỷ đồng, ngôi trường trị giá 1,6 tỷ đồng, 01 ngôi chùa ở Cao Bằng 7,8 tỷ đồng... và nhiều công trình an sinh xã hội khác.

Hội không chỉ đóng vai trò định hướng, tổ chức mà còn là một kênh kết nối hiệu quả giữa người dân nói chung, các thương bệnh binh, gia đình chính sách tới các chuyên gia, tổ chức và doanh nghiệp, các mạnh thường quân, từ đó giúp họ có thêm nhiều cơ hội được tiếp cận các dịch vụ, phương pháp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tốt hơn.

PV: Với vai trò là Chủ tịch Hội, ông định hướng chiến lược như thế nào để các hoạt động tri ân lan tỏa sâu rộng, đi vào thực chất, hiệu quả lâu dài trong cộng đồng?

Ông Nguyễn Hồng Quân: Chúng tôi xác định rõ ba yếu tố cốt lõi: Bền vững – Thiết thực – Lan tỏa. Thứ nhất, hoạt động tri ân phải gắn liền với chăm sóc sức khỏe lâu dài cho các mẹ Việt Nam Anh hùng, trao học bổng thường niên cho học sinh là con em gia đình chính sách – đây cũng là mục tiêu mà Hội đang hướng tới. Thứ hai, phải sát với nhu cầu người dân, ví dụ tổ chức khám chữa bệnh tại các xã như Nam Cửa Việt, Điểm Cao 31, Cồn Tiên, Hiếu Giang, La Lay. Thứ ba, là tính lan tỏa. Hội đẩy mạnh truyền thông bằng hệ thống Tạp chí điện tử, trang tin điện tử của Hội, mạng xã hội, khuyến khích thế hệ trẻ tham gia các hoạt động tình nguyện. Mạng lưới của Hội hiện đã thu hút được hơn triệu thành viên.

Hiệu quả truyền thông được thấy rõ qua các chương trình Tọa đàm hàng tháng về giáo dục sức khỏe chủ động, mỗi năm phát triển mới hàng trăm hội viên trên các tỉnh, thành phố... Các Chi hội hoạt động tích cực, chủ động triển khai các sự kiện tại địa phương về chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Từ đó tạo được hiệu ứng lan tỏa trên toàn quốc, gắn tinh thần “uống nước nhớ nguồn” vào từng hành động nhỏ.

Ngoài ra, có tới hàng trăm chương trình lớn nhỏ được tổ chức hàng năm. Trong bất cứ chương trình nào được triển khai, chúng tôi đều có tính toán đến tác động lâu dài và đặt ra các câu hỏi: Mục đích triển khai như thế nào, giúp được cho những ai, giúp thế nào, làm sao để có thể huy động tối đa nguồn lực vào công cuộc chung và đưa ra các giải pháp sức khỏe hiệu quả thiết thực…

Sức của một Hội như Hội Giáo dục Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng Việt Nam là có hạn, nhưng thu hút và huy động được nguồn lực từ các tổ chức, các hội, các doanh nghiệp, mạnh thường quân trong xã hội thì hiệu quả sẽ rất lớn.

Lễ thăm viếng, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị do Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng phối hợp cùng các đơn vị, địa phương tổ chức ngày 23/7

Lễ thăm viếng, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị do Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng phối hợp cùng các đơn vị, địa phương tổ chức ngày 23/7

PV: Ông có thể chia sẻ thêm về những khó khăn, thách thức của Hội khi thực hiện các chương trình tri ân người có công hiện nay?

Ông Nguyễn Hồng Quân: Khó khăn, thách thức là điều không tránh khỏi. Một trong những khó khăn lớn nhất của chúng tôi là nguồn lực hạn chế, cả về tài chính lẫn nhân lực, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.

Việc tổ chức các chương trình khám chữa bệnh hay hỗ trợ tại các địa phương xa xôi đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và nguồn kinh phí lớn. Ngoài ra, việc tiếp cận các gia đình chính sách ở vùng sâu, vùng xa cũng gặp khó khăn do điều kiện địa lý và cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, bằng cách kêu gọi sự chung tay của doanh nghiệp, mạng lưới thiện nguyện, cùng sự điều phối từ Trung ương Hội và các Trung tâm truyền thông, chúng tôi từng bước khắc phục. Mỗi chương trình đều được thiết kế có lộ trình, hiệu quả đo lường rõ ràng, kết nối đồng bộ giữa y tế, giáo dục và xã hội.

Sự đồng lòng của cộng đồng và tinh thần trách nhiệm của các hội viên, sự chung sức của các tổ chức, doanh nghiệp đã, đang giúp chúng tôi triển khai thành công nhiều chương trình ý nghĩa cho cộng đồng.

Đoàn công tác của Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng – cơ quan ngôn luận của Hội Giáo dục Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng Việt Nam đến thăm hỏi gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Xích (phường Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7

Đoàn công tác của Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng – cơ quan ngôn luận của Hội Giáo dục Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng Việt Nam đến thăm hỏi gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Xích (phường Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7

PV: Ông có lời nhắn nào nhân dịp 78 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ?

Ông Nguyễn Hồng Quân: Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ, tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và những người có công với cách mạng. Sự hy sinh và cống hiến của họ chính là nền tảng cho hòa bình và hạnh phúc của dân tộc hôm nay.

Việc chúng ta tri ân, không chỉ bằng những bó hoa, những lời ca, mà bằng hành động cụ thể để nâng cao chất lượng sống cho Nhân dân – đặc biệt là những người đã hy sinh hoặc chịu nhiều thiệt thòi vì đất nước. Việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ những giá trị sống nền tảng, không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn của Hội chúng tôi, mà còn là lời cam kết đạo lý với quá khứ và trách nhiệm chính trị với tương lai.

Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ không chỉ là dịp để nhớ, mà là lời nhắc nhở về bổn phận của thế hệ hôm nay đối với lịch sử. Mỗi chương trình “về nguồn”, mỗi hoạt động tri ân, mỗi hành động chăm sóc sức khỏe cộng đồng – đều phải hướng đến xây dựng một xã hội nhân văn, công bằng và bền vững – nơi những giá trị hy sinh không bị lãng quên, mà tiếp tục lan tỏa trong từng nhịp sống.

Với tất cả sự trân trọng và trách nhiệm, chúng tôi kêu gọi toàn xã hội cùng đồng hành – để không ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình “sức khỏe cho cộng đồng – hạnh phúc cho đất nước.”

PV: Xin chân thành cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ. Chúc Hội GDCSSKCĐ Việt Nam tiếp tục gặt hái nhiều thành công trong thời gian tới!

Đỗ Huệ

comment Bình luận