Viêm tai giữa ở trẻ em: Có cần phải điều trị tại chỗ?

Tôi có con nhỏ 18 tháng tuổi, cháu hay bị viêm mũi họng và viêm tai giữa. Mặc dù cháu không quấy khóc, không sốt, không bỏ ăn... nhưng tình trạng viêm tai giữa tái đi tái lại khiến tôi rất lo lắng.
26/11/2018 09:00

Bạn Hân thân mến, chúng ta (kể cả người bệnh và khá nhiều thầy thuốc) hay có quan điểm đau đâu chữa đấy. Đau trong thì uống đau ngoài thì bôi... Chính vì thế, đa phần khi đi khám, nếu con bị viêm tai giữa phụ huynh sẽ được kê vài lọ nhỏ tai.

Vậy nhỏ tai trong viêm tai giữa cấp trẻ em có thực sự cần thiết? Trong thư bạn không cho biết loại thuốc nhỏ tai con bạn là gì, nên tôi không đưa ra lời khuyên cụ thể được. Tuy nhiên, xin được giải thích về các loại thuốc nhỏ tai để bạn có thêm thông tin, có thể có ích cho bạn. Thuốc nhỏ tai gồm:

Thuốc giảm đau chứa chất gây tê như lidocaine, benzocaine... Khi nhỏ thuốc này vào sau 30 phút triệu chứng đau tai sẽ giảm 25% trong nhóm trẻ có dùng thuốc so với nhóm không dùng thuốc.

Nhưng lưu ý những thuốc này chỉ dùng trong giai đoạn đầu của viêm tai giữa (giai đoạn sưng đau: màng nhĩ phồng căng, sung huyết) một khi màng nhĩ đã thủng, mủ chảy ra thì cấm dùng.

Thêm nữa, không được sử dụng các chế phẩm nhỏ tai có chữa chất gây tê này cho trẻ dưới 2 tuổi vì nguy cơ gây nguy hiểm cho trẻ.

Vì vậy, khi trẻ bị viêm tai giữa, bị đau, quấy khóc, bỏ ăn, bỏ ngủ thì liệu pháp giảm đau nên cho trẻ uống ibuprofen hoặc acetaminophen thì tiện lợi hơn, hiệu quả và kéo dài hơn trong điều trị đau do viêm tai giữa cấp.

Chích rạch màng nhĩ giải áp, đồng thời cần phối hợp với uống kháng sinh trong tình huống đau nặng.

Viêm tai giữa ở trẻ em: Có cần phải điều trị tại chỗ? - Ảnh 1.

 

Kháng sinh cũng thường được mọi người có thói quen nhỏ tai cho trẻ, các loại đó là: ofloxacin, ciprofloxacin, chloramphenicol, tobramycin...

Tuy nhiên, trong thực tế, đối với những trường hợp viêm tai giữa cấp chưa thủng màng nhĩ thì việc nhỏ tai bằng kháng sinh không có tác dụng gì. Đối với viêm tai giữa cấp đang chảy mủ tai, việc nhỏ kháng sinh vào tai chưa được nghiên cứu nhiều và chưa có khuyến cáo.

Kinh nghiệm cho thấy việc nhỏ kháng sinh trong tình huống này là không cần thiết và chỉ cần uống kháng sinh là đủ.

Đối với viêm tai giữa mạn hoặc có đặt ống thông vòi nhĩ mà đang chảy mủ tai việc nhỏ kháng sinh (ofloxacin, ciprofloxacin) tỏ ra có hiệu quả tương đương với kháng sinh đường uống.

Hy vọng bài viết này sẽ thay đổi thói quen thực hành trong việc dùng thuốc nhỏ tai trong viêm tai giữa ở trẻ em.

Còn riêng đối với trường hợp bé nhà chị Hân, chị nên đưa con đến bác sĩ chuyên khoa nhi đủ kinh nghiệm hoặc bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng nhi để được khám và tư vấn cách điều trị hiệu quả tốt nhất.

Bởi trong thư chị kể bé không sốt, không quấy khóc, do đó biện pháp uống kháng sinh và nhỏ tai có vẻ là chưa hợp lý (tôi không biết là chị đã đưa con đi khám ở những nơi nào).

Trong đa số trường hợp, viêm tai giữa bắt đầu từ viêm mũi, khi điều trị dứt điểm tình trạng viêm mũi họng thì tình trạng viêm tai cũng sẽ hết.

Thậm chí, việc điều trị viêm mũi chỉ đơn giản bằng nước muối biển, nhưng cần sự tỉ mỉ của phụ huynh. Chị cũng cần thường xuyên rửa tay, đồ chơi của bé... để tránh cho bé bị viêm mũi họng tái phát.

Cao nhân đúc kết 45 thói quen tốt nhất đời người: Mọi thứ sẽ tuyệt vời nếu bạn sớm áp dụng

comment Bình luận

largeer