Viết nhật ký - cách đơn giản bổ trợ sức khỏe tinh thần

Theo các chuyên gia, thói quen viết nhật ký có nhiều lợi ích đáng ngạc nhiên đối với sức khỏe tâm thần.
23/11/2022 17:26

Liệu pháp bổ trợ sức khỏe tâm thần

Viết nhật ký có thể làm giảm căng thẳng tâm thần (stress) và phục vụ như một công cụ kiểm soát hiệu quả chứng lo âu và trầm cảm. “Viết nhật ký là cách tuyệt vời để xả stress và hóa giải lo âu, giúp bạn loại bỏ những suy nghĩ quanh quẩn trong đầu nhờ viết chúng ra giấy. Nhiều người nhận ra rằng sau khi viết nhật ký, tâm trí của họ trở nên minh mẫn, bình tĩnh và dễ tìm được giải pháp cho vấn đề sắp tới” - tác giả của những cuốn sách tự rèn luyện bán chạy nhất ở Mỹ, Meera Lee Patel, cho biết.

Chuyên gia tâm lý Kathleen Dahlen deVos cũng thấy rằng nhiều người thường bỏ qua hoặc kìm nén những cảm xúc khó chịu, trong khi ghi chép lại tâm trạng giúp chúng ta “làm quen” với những cảm xúc này, từ đó có thể học cách xử lý và vượt qua chúng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Một cách khám phá và hoàn thiện bản thân

Một ưu điểm khác của việc thường xuyên viết nhật ký là có thể giúp bạn nhận ra những hình mẫu suy nghĩ hoặc hành vi không phù hợp, kết nối các chi tiết giữa suy nghĩ, hành động và cảm xúc của bản thân. Thông qua việc ghi chép lại cảm xúc, bạn cũng sẽ biết được điều gì làm cho mình hạnh phúc và tự tin, cũng như dần hoàn thiện và trưởng thành theo thời gian.

Nhờ lưu lại lịch trình sinh hoạt hằng ngày, mà khi gặp phải một vấn đề khó xử, bạn có thể xem lại cách mình xử lý tình huống tương tự trước đó, sau đó đưa ra những giải pháp hợp lý hơn cho tình huống hiện tại của mình.

Không chỉ vậy, viết nhật ký có thể giúp bạn theo dõi tiến độ thực hiện các mục tiêu trong công việc lẫn cuộc sống, đồng thời quan sát sự phát triển của bản thân. Hơn nữa, việc ghi chép hoạt động hằng ngày giúp bạn tự nhắc nhở và động viên bản thân nhanh chóng đạt được mục tiêu đã đề ra.

Biện pháp đơn giản giúp tăng cường thể chất

Chuyên gia tâm lý James Pennebaker ở Ðại học Texas (Mỹ) cho hay thường xuyên viết nhật ký sẽ giúp tăng cường chức năng tế bào miễn dịch có tên T-lymphocyte. Theo ông, việc viết ra giấy những sự kiện căng thẳng sẽ giúp chúng ta dễ dàng chấp nhận chúng, từ đó giảm tác động của các nhân tố gây stress lên sức khỏe thể chất. Thực tế là một số nghiên cứu đã chứng minh viết nhật ký giúp giảm triệu chứng của bệnh hen suyễn và viêm thấp khớp.

Chưa hết, các nhà khoa học phát hiện tốc độ phục hồi vết thương thể chất ở những người viết ra được những trải nghiệm đau thương thường nhanh hơn những người không thể giải tỏa u uất trong lòng. 

Viết nhật ký như thế nào cho hiệu quả?

- Luôn viết nhật ký trên giấy, thay vì gõ chữ trên máy tính hoặc điện thoại: Lý do, việc tự tay viết trên giấy sẽ giúp chúng ta chú tâm và phản xạ tốt hơn, đồng thời cũng kích hoạt khu vực sáng tạo trong não.

- Quy định thời gian cố định để viết nhật ký: Chọn ra một thời điểm cụ thể trong ngày mà bạn thấy thoải mái và thuận tiện nhất để ghi nhật ký. Hãy cầm viết lên và ghi nhanh những dòng suy nghĩ hiện hữu trong đầu, không cần phán xét. Ban đầu, bạn nên viết nhật ký 5-10 phút/ngày, sau đó tăng dần lên khoảng 20 phút/ngày nếu cảm thấy hứng thú.

- Luôn ghi chép chân thật suy nghĩ của bản thân: Vì nhật ký là tài sản cá nhân, nên văn phong của bạn không cần phải gây ấn tượng với người khác - thậm chí là với chính bạn. Do vậy, cứ thoải mái viết về những điều mình đã trải qua. Song nếu gặp một sự việc quá sức chịu đựng, đừng ép bản thân phải lưu lại ký ức đau khổ đó trên giấy.

- Không vấn đề gì nếu lỡ quên viết nhật ký: Ðừng vội dằn vặt bản thân vì lỡ quên viết nhật ký trong 1 hoặc 2 ngày, bởi việc này chỉ khiến bạn thêm thấy thất vọng về bản thân và điều này không có lợi cho sức khỏe tâm thần.

Theo Huffpost.com

comment Bình luận

largeer