Vietnam Airlines đòi áp giá sàn vé máy bay: 'Khôn hết phần thiên hạ'?

Theo luật sư và các chuyên gia, kiến nghị áp giá sàn vé máy bay của Vietnam Airlines không phù hợp, làm giảm tính cạnh tranh, gây bất lợi cho người tiêu dùng.
By Nguyễn Nam/ Sức Khỏe Cộng Đồng
07/04/2021 12:55
Vietnam Airlines đã đề xuất tăng trần giá vé và đưa ra 2 phương án áp giá sàn vé máy bay nội địa. (Ảnh: Internet).

Vietnam Airlines đã đề xuất tăng trần giá vé và đưa ra 2 phương án áp giá sàn vé máy bay nội địa. (Ảnh: Internet).

Đề xuất áp giá sàn vé máy bay vừa được hãng hàng không Vietnam Airlines đưa ra, đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận.

Đây là lần thứ hai Vietnam Airlines đưa đề xuất áp sàn giá vé máy bay. Trước đó, hồi tháng 3/2017, hãng cũng từng gửi Bộ GTVT phương án áp giá sàn cho một vé máy bay hạng phổ thông nội địa.

Ưu tiên tứ bề vẫn muốn giảm cạnh tranh, khôn lỏi

Trao đổi với PV, luật sư và các chuyên gia, kiến nghị áp giá sàn vé máy bay của Vietnam Airlines không phù hợp, làm giảm tính cạnh tranh, gây bất lợi cho người tiêu dùng.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Mai Thị Thảo - Phó Giám đốc TAT Law firm cho rằng: Cạnh tranh lành mạnh là sự ganh đua một cách hợp pháp, trong sạch, đàng hoàng giữa các nhà kinh doanh hoạt động trong cùng lĩnh vực, ngành nghề để chiếm lĩnh thị phần mà không sử dụng thủ đoạn mờ ám, bất chính nhằm loại bỏ đối thủ, tranh giành thị trường.

Việc Vietnam Airlines đề nghị tăng giá trần, áp giá sàn vé máy bay không phải là thủ đoạn mờ ám bất chính nên không thể nói đây hành động cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, đề xuất này của Vietnam Airlines chưa thực sự phù hợp.

Bởi theo Điều 28 Luật cạnh tranh thì Nhà nước sẽ chỉ áp đặt giá đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền Nhà nước nhằm kiểm soát, tránh trường hợp thống lĩnh thị trường, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Hiện nay, hoạt động kinh doanh vận tải hàng không không phải là lĩnh vực độc quyền Nhà nước. Do đó, căn cứ theo khoản 1 Điều 5 Luật giá thì Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Điều này nghĩa là, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có quyền đưa ra giá vé, miễn là không vượt qua giá trần mà Nhà nước quy định...

"Doanh nghiệp có quyền bán vé máy bay giá rẻ để tạo áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp cân bằng được chi phí bỏ ra và lợi nhuận, lại tạo được “vé rẻ” có lợi cho người tiêu dùng, cho xã hội thì không có lý do gì để Nhà nước phải ra giá sàn khống chế việc doanh nghiệp giảm giá vé.

Vì vậy, việc việc áp giá sàn vé máy bay tại Việt Nam là không hợp lí, vừa trái với quy luật cung cầu của thị trường, vừa trái với luật giá. Việc áp dụng giá sàn sẽ triệt tiêu cơ hội cạnh tranh giảm giá của các hãng hành không, đồng thời người dân không có nhiều vé máy bay giá rẻ, chắn chắn số lượng người đi lại bằng đường hàng không không những không tăng mà có nguy cơ giảm.

Từ đó, tác động tiêu cực đến nhiều thị trường điển hình là lĩnh vực du lịch.Nguyên tắc cơ bản của thị trường là phải có sự cạnh tranh. Có cạnh tranh mới có sự phát triển, cạnh tranh để tạo ra chất lượng hàng hóa, dịch vụ là tốt nhất mà giá thành lại rẻ. Thiết nghĩ, thị trường hàng không đang trong thời kỳ mở cửa hội nhập, do đó nên để thị trường điều tiết thay vì quy định cứng nhắc", luật sư phân tích.

Bên cạnh đó, trong diễn biến Dịch covid diễn ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ các doanh nghiệp, trong đó các hãng hàng không bị thiệt hại vô cùng nặng nề.

Theo luật sư, Vietnam Airline là doanh nghiệp hàng không có vốn Nhà nước lớn, đồng thời là một trong hãng hàng không chiếm thị phần, cơ sở vật chất lớn nên khi bị thiệt hại nặng nề bởi đại dịch Covid đã được Nhà nước can thiệp cho tiếp cận khoản vay lớn với lãi suất 0% nhằm phục hồi và tái tạo hoạt động kinh doanh sau dịch.

Đây là một sự ưu ái lớn của Nhà nước ta dành cho Vietnam Airline. So với các hãng hàng không khác, Vietnam Airlines có nhiều điều kiện thuận lợi để vực lại hoạt động của doanh nghiệp sau dịch bệnh .Tuy nhiên, mặc dù được tiếp cận vốn vay lớn với lãi suất 0% trong 1 năm. Nhưng Vietnam Airline cho rằng chi phí gia tăng, thiệt hại sau dịch là lớn nên vẫn cần thiết phải tăng giá trần và áp dụng giá sàn vé máy bay nhằm tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Điều này có phần là không hợp lí bởi Vietnam Airlines đã có lợi thế và thuận lợi hơn nhiều các hãng hàng không khác khi có sự hỗ trợ vốn từ các tổ chức tín dụng với lãi suất 0%, trong khi đó đại dịch diễn ra không chỉ làm thiệt hại đến doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng.

Người tiêu dùng chịu thiệt

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia hàng không: Nếu những "yêu sách" và đòi hỏi của Vietnam Airlines được chấp thuận, chúng ta sẽ phải bay với giá rất đắt, thị trường hàng không mất đi tính cạnh tranh, việc này không có lợi cho người dân.

Khách bay trong nước sẽ không được hưởng các chuyến bay khuyến mãi có vé 0 đồng hoặc vài chục ngàn đồng mà các hãng đang áp dụng rộng rãi để giải quyết việc làm, cải thiện dòng tiền và tham gia kích cầu cho ngành du lịch...”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.

Chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả của Bộ Tài chính, cho rằng việc áp giá sàn là một trong những biểu hiện của hạn chế cạnh tranh.

Thị trường hàng không cũng như thị trường xăng dầu, chưa có cạnh tranh thực sự, do có một số doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh, chiếm thị phần trên 30%. Theo Luật giá, nhà nước chỉ áp giá trần, mà không áp giá sàn. Việc áp giá sàn không khuyến khích cạnh tranh và không có lợi cho người tiêu dùng. Nguyên tắc cạnh tranh là đặc trưng cơ bản của thị trường, phải có cạnh tranh để hạ giá thành sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ”, ông Long phân tích.

Các chuyên gia cho rằng, việc áp giá sàn vé máy bay tuyến nội địa là không hợp lý, không phù hợp quy luật cung cầu của thị trường, khiến quyền lợi người dân sẽ bị ảnh hưởng.

comment Bình luận

largeer