Vĩnh Phúc: Cấp cứu 1 bệnh nhân 49 tuổi bị viêm cơ tim cấp

Vừa qua, người bệnh nam, P.V.D (49 tuổi) vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc trong bệnh cảnh ngừng tuần hoàn do nhồi máu cơ tim cấp, đã được đội ngũ y bác sĩ cấp cứu và can thiệp động mạch vành kịp thời để cứu sống người bệnh.
24/01/2024 18:36

Ban đầu, người bệnh nhập viện tại Trung tâm y tế huyện Yên Lạc trong tình trạng đau tức ngực, khó thở. Qua khai thác bệnh sử và thăm khám lâm sàng kết hợp với kết quả điện tâm đồ đo được tại thời điểm cấp cứu, các bác sĩ đã chẩn đoán người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp. Nhận thấy tình trạng nguy hiểm, khó thở nhiều, đau tức dữ dội, Trung tâm y tế huyện Yên Lạc đã nhanh chóng chuyển người bệnh lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc để có điều kiện chữa trị tốt nhất.

420941629_392189753331309_5428022455098203322_n

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân

Sau khi nhận được thông tin từ tuyến dưới, Bệnh viện cũng đã rất nhanh chóng bố trí nhân lực để tiến hành cấp cứu kịp thời cho người bệnh. Tuy nhiên, ngay khi vào tới khoa Cấp cứu, người bệnh bị ngừng tim đột ngột, rơi vào hôn mê sâu và đã được các y bác sĩ tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn. Sau 30 phút, bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhân viên y tế, người bệnh đã có nhịp tim đập trở lại.

Nhận định đây là biến chứng ngừng tim (rung thất) của bệnh lý nhồi máu cơ tim cấp, và cần được khai thông mạch vành càng sớm càng tốt, các bác sĩ của khoa Cấp cứu đã nhanh chóng liên hệ với ê kíp can thiệp mạch của Trung tâm Tim mạch chuẩn bị nhân lực và trang thiết bị sẵn sàng cấp cứu cho người bệnh.

Do có sự chuẩn bị và phối hợp từ trước, người bệnh nhanh chóng được chuyển thẳng lên phòng can thiệp tim và mạch máu để chụp động mạch vành, kết quả là động mạch nuôi cơ tim của người bệnh bị tắc nghẽn do xơ vữa huyết khối. Sau một khoảng thời gian căng thẳng, ê kíp can thiệp mạch vành đã tiến hành nong bóng, hút huyết khối và đặt Stent thành công cho người bệnh.

Ngay sau can thiệp, tình trạng bệnh nhân vẫn còn nguy kịch, phải dùng thuốc vận mạch liều cao, hô hấp vẫn phải hỗ trợ thở qua nội khí quản. Tiếp tục, người bệnh được chuyển về khoa Hồi sức tích cực để được chăm sóc đặc biệt vì sợ các biến chứng cơ học của nhồi máu cơ tim và sau cấp cứu ngừng tuần hoàn.

4 ngày sau can thiệp và điều trị tích cực theo phác đồ của khoa Hồi sức tích cực, người bệnh đã được rút ống nội khí quản, ngưng thở máy, huyết động ổn định, hết đau ngực, khó thở, tình trạng sức khỏe tiến triển tốt và đã được xuất viện.

Ths.Bs. Cao Việt Cường, Trưởng khoa Can thiệp tim và mạch máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Trường hợp người bệnh P.V.D là ca cấp cứu khẩn cấp với biểu hiện là biến chứng ngừng tim của bệnh nhồi máu cơ tim. Nếu không có sự nỗ lực cấp cứu ban đầu của các bác sĩ thì khả năng tử vong rất cao. Bên cạnh đó, nhờ sự phối hợp liên tuyến, nội viện nhịp nhàng và sự chuyên nghiệp của bác sĩ thuộc nhiều chuyên ngành như cấp cứu, hồi sức tích cực, can thiệp mạch; các bác sĩ đã rất nhanh chóng và chuyên nghiệp trong cấp cứu và điều trị cho người bệnh, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, giảm bớt di chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh sau ra viện”.

Qua trường hợp trên, bác sĩ Cường khuyến cáo: “Những người bệnh có biểu hiện đau ngực, khó thở cần phải đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ thăm khám và cấp cứu kịp thời. Bởi nhồi máu cơ tim thường có những diễn biến rất nhanh và đột ngột dẫn đến đột tử trước khi đến bệnh viện”.

Mạnh Hà

comment Bình luận

largeer