Vĩnh Phúc: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các khu công nghiệp

Thời gian qua, nhận thức được ý nghĩa quan trọng của công tác giải quyết việc làm và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ để tháo gỡ các khó khăn trong lĩnh vực lao động – việc làm, nhất là sau các ảnh hưởng tiêu cực và dai dẳng của đại dịch Covid-19 tới hoạt động của các doanh nghiệp tại địa phương.
05/10/2020 18:31

Tỉnh Vĩnh Phúc với nền kinh tế có tỷ trọng khu vực FDI cao, đã và đang hội nhập sâu rộng, cùng với đó là sự thành lập và phát triển của các khu công nghiệp, tập đoàn, nhà máy, công ty… Những năm vừa qua, Vĩnh Phúc đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để người dân địa phương có cơ hội tìm được công việc ngay tại nơi sinh sống. Tuy nhiên, những yêu cầu cao của nhà tuyển dụng về trình độ, tay nghề và tuổi đời của ứng viên là một trong những thách thức không nhỏ đối với công tác giải quyết việc làm lâu dài, bền vững cho người lao động tại Vĩnh Phúc. Bên cạnh đó, sự bùng phát và kéo dài của đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay đã tác động nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều cơ quan, đơn vị và sinh kế của hàng ngàn lao động tại địa phương. Trong khi số lượng lao động thất nghiệp ở Vĩnh Phúc gia tăng đáng kể so với những năm trước, các doanh nghiệp lại có xu hướng tuyển dụng lao động mới ít hơn do chưa thể ngay lập tức khắc phục được những ảnh hưởng của dịch bệnh tới nguồn cung nguyên liệu, đầu ra cho sản phẩm, hoạt động vận chuyển hàng hoá liên quốc gia… Không những thế, thị trường lao động – việc làm hiện nay cũng chứng kiến các đòi hỏi cấp thiết hơn về chất lượng nguồn nhân lực, khi lao động phổ thông, chưa qua đào tạo dần trở nên yếu thế, ít sức cạnh tranh hơn so với các ứng viên có kỹ năng nghề nghiệp và chuyên môn cao.

Với những nỗ lực trên, trong 6 tháng đầu năm 2020, Trung tâm Dịch vụ việc làm Vĩnh Phúc đã tư vấn cho gần 17.000 lượt người về chính sách lao động, việc làm, học nghề và chế độ bảo hiểm thất nghiệp, giải quyết thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng cho gần 5.000 trường hợp, hỗ trợ học nghề cho 99 lao động thất nghiệp, tư vấn cho gần 6.000 người qua các sàn giao dịch việc làm, tư vấn cho hơn 1.100 người lao động qua tổng đài, facebook, giới thiệu việc làm cho gần 2.000 người lao động. Bảy phiên giao dịch việc làm định kỳ và hai phiên giao dịch việc làm lưu động được Trung tâm tổ chức trong thời gian gần đây đã thu hút 95 doanh nghiệp, trên 600 lao động và khoảng 1.000 học viên của hai trường Cao đẳng tham gia, và có 471 người đã được sơ tuyển tại các sàn giao dịch.

1

 Trung tâm Dịch vụ việc làm Vĩnh Phúc đã tư vấn cho gần 17.000 lượt người về chính sách lao động, việc làm, học nghề và chế độ bảo hiểm thất nghiệp 

Trong quá trình hội nhập kinh tế, thị trường lao động nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng đặt ra yêu cầu ngày càng cao về số lượng và chất lượng. Nhận thức rõ việc nâng cao trình độ kỹ thuật, kỹ năng, tay nghề cho người lao động chính là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các khu công nghiệp, tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; trong đó, có nhiều cơ chế chính sách đào tạo nghề, từng bước đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cùng với việc tăng cường kinh phí đầu tư về sở vật chất, thiết bị máy móc cho những cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, chất lượng của đội ngũ cán bộ quản lý và giảng dạy tại chính các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm dạy nghề cũng được chú trọng. Đây cũng là cơ hội để các nhà trường, cơ sở đào tạo nghề đổi mới, kiện toàn chương trình giảng dạy, không chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt của doanh nghiệp, mà còn dự trữ nguồn lao động chất lượng cao khi hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đầu tư nâng cấp, mở rộng cả về quy mô, chất lượng và năng lực đào tạo.

Đến nay, Vĩnh Phúc có 7 trường cao đẳng, trung cấp được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm, với 10 ngành/nghề cấp độ quốc gia, 6 ngành/nghề cấp độ khu vực ASEAN và 11 ngành/nghề cấp độ quốc tế đó là những ngành, nghề chủ đạo, cần nhiều lao động có trình độ kỹ năng nghề cao của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2016-2020, Vĩnh Phúc đầu tư 2 trường (Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc, và trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc) và 12 cơ sở GDNN với kinh phí hơn 244 tỷ đồng. Trong đó ngân sách trung ương 44 tỷ đồng và ngân sách tỉnh hơn 200 tỷ đồng. Việc kết dạy nghề với thị trường lao động và doanh nghiệp: Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh công tác phối hợp với doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo, thực hành, thực tập nâng cao kỹ năng nghề nhằm hỗ trợ, giúp học sinh, sinh viên tiếp cận với kỹ thuật, công nghệ sản xuất của doanh nghiệp ngay khi đang học. Hàng năm đều tổ chức rà soát lại danh mục đào tạo nghề cho phù hợp với yêu cầu xã hội và nhu cầu thực tế của người học.

Trước đó, thực hiện Chỉ thị số 37 của Ban Bí thư (khóa XI) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao”, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã quán triệt để nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng, cũng như xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền về công tác đào tạo nhân lực tay nghề cao của tỉnh.

 Cảnh Kiên

 

comment Bình luận

largeer