Vui xuân cùng Ông Địa

Ngày Tết, "nghênh xuân tiếp phúc” gặp lại hình tượng Ông Địa với cái mặt tươi rói và miệng cười toe toét, hả hê, hy vọng sẽ gặp việc tốt lành, vui vẻ, thuận lợi, cát tường như người dân Nam Bộ thường nói: “mát trời Ông Địa!”
25/02/2021 20:36

Tín ngưỡng thờ thần là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của nhiều dân tộc trên thế giới. Riêng đối với cư dân nông nghiệp, trong đó có Việt Nam, Thần Đất là một đối tượng tín  ngưỡng quan trọng. Bởi lẽ, đất đai được xem là yếu tố cơ bản cấu tạo nên vạn vật, giúp con người có được cuộc sống ấm no và sung túc. Trong suốt quá  trình lịch sử, vị thần này có khi bị đồng nhất cùng một số vị thần khác, hoặc bị gán ghép những danh hiệu cũng như những chức năng và nhiệm vụ vào một số vị thần bản địa khác. Mãi sau này, hình tượng của Thần Đất, hay còn gọi là thần Thổ Địa, hoặc Ông Địa mới có được một hình hài và chức năng cụ thể,...

ong dia 1

Theo sách Việt điện u linh, thì ông Địa xuất hiện ở xứ Giao Châu vào thế kỷ thứ VII qua câu chuyện tranh tài của Thần Đá - Thạch Khanh với Thổ Lệnh trưởng - một phúc thần cùa quan Đô đốc nhà Đường vào những năm 650 - 655. Trong tài liệu thư tịch cổ này cho biết việc Lư Ngư lập đền thờ Thổ Địa ở quán Già La (713 - 739), Cao Biền lập đề thờ ông Địa ở tả cung đô hộ Giao Châu (860 - 873),... và Thổ Địa đã thâm nhập vào hệ thống thần linh nước Việt trước thời Lê Long Đĩnh làm vua (1006 - 1009). Khi chưa lên ngôi, ông vua ngọa triều này, xin thần Thổ Địa sông Đằng Châu phù hộ cho mình cướp ngôi. Sau khi lên được ngôi vua, vua Lê Long Đĩnh đã phong thần cho vị Thần Đất Đằng Châu.

Hình tượng Ông Địa phổ biến trong dân gian là “địa”trong múa lân. Vai địa trong múa lân xuất hiện như một người dẫn đường, là vị thần có trách nhiệm quản lý cộng đồng dân cư trong một khu vực, rất mẫn cán và thông thạo mọi việc, nắm rõ địa bàn mà mình quản lý. Và địa cũng với tư cách là người tiếp dẫn điềm lành đến với người dân và thay mặt dân bày tỏ sự hoan hỷ của mình đối với những điều tốt lành ấy. Hễ ở đâu có “lân” là ở đó có “địa” với cái bụng bự chảng, gương mặt tròn trĩnh cùng với cái miệngcười hề hề, tay phe phẩy quạt, đi tới đi lui.

ong dia

Địa là một vai hề phụ diễn cho “lân”. Về mặt nghệ thuật, “lân” và “địa”là hai mặt đối lập trong một thể thống nhất: trang nghiêm và hài hước, đĩnh đạc và phóng túng, bài bản và tự phát,... Hai mặt đối lập này, chế ngự lẫn nhau tạo nên cái chỉnh thể đồng hiện của nghệ thuật múa lân trong hội hè.

Đặc biệt, trong tâm thức dân gian Nam Bộ, Ông Địa được xem là một vị phúc thần, không chỉ có vai trò bảo vệ đất đai, ruộng vườn mà còn phải bảo vệ cho gia đình gia chủ được trong ấm ngoài êm, làm ăn phát đạt, buôn bán sinh lời, phù hộ cho gia chủ mạnh khỏe, và kiêm luôn việc giúp cho gia chủ mau lành bệnh và tìm kiếm được những món đồ đã mất. Và với nhiệm vụ trọng đại này, sáng sớm khi mở cửa tiệm, cửa nhà Ông Địa thường được gia chủ thưởng cho một ly cà phê đen, một điếu thuốc lá. Hoặc khi cầu mong được việc, người Nam bộ thường cúng trả lễ Ông Địa bằng một nải chuối hay một dĩa trái cây. Nếu là chuối thì trong nải chuối đó phải có một trái được bẻ ra, lột vỏ, với ngụ ý là đã có người ăn trước nhằm đảm bảo cho Ông Địa là an toàn khi ăn, trong chuối không có độc.

Về hình tượng Ông Địa ở Nam bộ, thường là một người trung niên mập mạp, bụng bự,vú lớn, miệng cười hể hả, tay cầm quạt, tay cầm điếu thuốc lá... trông có vẻ phương phi, hào sảng và mang đầy chất phong thịnh. Và nó cũng mang chút hơi hướm của sự hài hước. Đây cũng là một đặc trưng trong tính cách của người Nam bộ. Tuy ông có nhiều hình dạng khác nhau, nhưng đều có điểm chung là Ông Địa có khuôn mặt  nữ tính (mặt dù có thể vẽ râu), bộ ngực lớn và cái bụng chìn hình của người sắp đẻ (gọi là Ông Địa - Bà Bóng), điều này cho thấy rõ mối liên hệ với cuội nguồn Mẹ Đất và nguyên lý phồn thực về sự sinh sôi nảy nở của vạn vật. Về hình thức thờ tự,bàn thờ Ông Địa đặt dưới đất (thần đất phải trở về với đất), và nhiều nơi đồng nhất ông địa với ông Thần Tài (vì theo quan niệm người làm nông nghiệp mọi của cải đều từ đất mà ra).

Ở Nam bộ, một số người là măn kinh doanh Ông Địa thường được thờ chung với Thần Tài - vị thần được xem là đem tài lộc đến cho muôn nhà. Người ta đóng một cái trang để thờ hai ông. Phía trong trang là một bàivị, hai bên bài vị có câu đối: “Thổnăng sinh bạch ngọc (Đất hay sinh ngọc trắng) / Địa khả xuất hoàng kim (Đất khá có vàng ròng” kế đến là lư hương, giữa lư hương là Ông Địa và Thần Tài. Và người ta cho rằng, khi lấy cắp tượng Thần Tài hoặc Ông Địa ở những nơi buôn bán đắt đem về để thờ thì nhà mình cũng nhanh chóng ăn nên làm ra (vì lấy được “vía tốt” của nơi mình lấy cắp). Vì vậy, những người buôn bán kinh doanh “canh giữ” hai vị thần này rất kỹ, sợ bị mất cắp thì gia đình sẽ làm ăn sa sút. Lại có nơi, trên trang thờ Ông Địa với ông Thần Tài người ta để thêm một dĩa tỏi, hoặc treo một chùm tỏi sát bên. Người ta tin rằng làm như vậy nhà mình sẽ mua may bán đắt.

Vào ngày Tết, vai trò của các vị thần này càng được xem trọng hơn. Người Việt trang hoàng nhà cửa, sửa soạn tủ thờ sạch sẽ, nếu tượng thần này đã quá cũ hay bị hư thì sẽ thỉnh vị mới về, bàn thờ cũ hay bị hư cũng được thay thế bàn thờ mới. Họ tin rằng năm mới, mọi thứ đều ngăn nắp và bàn thờ Thần Tài, Ông Địa, sạch sẽ thì làm ăn mới phát đạt, tốt lành.

Tuy vậy, tập tục thờ những vị thần này, thiết nghĩ chỉ mang một ý nghĩa biểu trưng tốt đẹp, một ước muốn tốt lành của người dân nông nghiệp, như một liệu pháp về tâm lý, trấn an tinh thần, giúp con người có thêm hy vọng, hoàn thiện hơn trong cuộc sống. Do vậy, muốn có tài bạch, có lẽ không gì khác hơn, ta nên sống cuộc đời chân chính, lập nghiệp có phương pháp, đầu tư đúng cách, hành động cao thượng, lời nói chuẩn mực và uy tín. Lúc ấy, không cần cầu nguyện, phước lộc vẫn đến như kết quả tất yếu của những hạt giống lành. Hy vọng ,đây là một thông điệp tốt lành cho một năm mới hạnh phúc, thành công.

Hoa Thư

comment Bình luận

largeer