Xây dựng nhãn hiệu “Mắc ca Sơn La”

Thời gian qua, tỉnh Sơn La mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng vùng trồng mắc ca. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng nhãn hiệu “Mắc ca Sơn La”, tạo động lực để người trồng mắc ca, các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh sản xuất, tiếp tục đưa loại hạt này chinh phục thị trường.
20/09/2023 11:31
71

Hội thảo đánh giá chất lượng mắc ca trên địa bàn tỉnh Sơn La

Cây mắc ca đưa vào trồng tại Sơn La từ năm 2000, nhưng đến năm 2010, loại cây trồng này mới thực sự được người sản xuất quan tâm, mở rộng diện tích. Là cây có khả năng chịu được sương muối, chịu hạn, ít sâu bệnh, cây mắc ca còn có thể phát triển thành cây trồng rừng và trồng che bóng cho cây chè, cà phê...

Từ một vài nông hộ trồng thử nghiệm, đến nay diện tích mắc ca toàn tỉnh đã nâng lên gần 1.000 ha; tập trung chủ yếu tại các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Sốp Cộp, Sông Mã; sản lượng trung bình đạt 8 tấn quả/ha/năm. Sản phẩm mắc ca của tỉnh đang khẳng định được chất lượng, có uy tín trên thị trường. Tuy nhiên, do chưa xây dựng được nhãn hiệu chứng nhận nên thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng.

Năm 2022, UBND tỉnh Sơn La đã phê duyệt triển khai thực hiện Dự án đăng ký bảo hộ, xây dựng và triển khai hệ thống quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Sơn La” cho sản phẩm mắc ca của tỉnh, nhằm xây dựng, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm hạt mắc ca theo hướng liên kết giữa nông dân, HTX với doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

70

Đại biểu tham quan các sản phẩm mắc ca được công nhận sản phẩm OCOP

Là cơ quan quản lý nhà nước về dự án, đồng thời, là cơ quan chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận, Sở Khoa học và Công nghệ thường xuyên kiểm tra tiến độ, đóng góp ý kiến về các nội dung hoạt động dự án xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Sơn La”. Đồng thời, lựa chọn mẫu, các tiêu chí chứng nhận, bản đồ vùng sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận, quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cùng hệ thống quy định kiểm soát chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận để hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận "Mắc ca Sơn La".

Ông Phan Ngọc Bắc, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: Việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm hạt mắc ca không chỉ mở ra cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp, địa phương, còn xác lập cơ sở pháp lý cần thiết để bảo vệ danh tiếng cho sản phẩm, ngăn chặn những hành vi xâm phạm đến nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, từng bước quy hoạch lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị hợp lý cho mắc ca Sơn La; quảng bá, giới thiệu sản phẩm mắc ca trên thị trường trong nước. Mục tiêu xa hơn đăng ký bảo hộ sản phẩm “Mắc ca Sơn La” ở nước ngoài.

Mai Sơn có gần 300 ha, huyện chỉ đạo các đơn vị vận động các chủ rừng, hộ gia đình, HTX liên kết với doanh nghiệp trồng cây mắc ca, vừa phát triển trồng rừng, vừa tạo sinh kế cho nông dân. Đồng thời, thành lập các HTX, tổ hợp tác trồng mắc ca; áp dụng các cơ chế, chính sách phù hợp thu hút các doanh nghiệp liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, chế biến; hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP cấp tỉnh cho sản phẩm mắc ca địa phương, gắn với quảng bá thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ.

Tích cực trong việc liên kết với các công ty, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm mắc ca, HTX mắc ca Nà Ban, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn đã trồng 42 ha mắc ca, trong đó 8 ha đã cho thu hoạch. Năm 2022, HTX thu hơn 10 tấn mắc ca đã tách vỏ, thu gần 800 triệu đồng.

Ông Tạ Tiến Thường, Giám đốc HTX mắc ca Nà Ban, chia sẻ: Từ năm 2021, HTX đã ký hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH Đạt Thủy, xã Cò Nòi. Được công ty cung ứng giống, hỗ trợ về kỹ thuật trồng, chăm sóc, tỉa cành tạo tán nên cây mắc ca phát triển tốt, cho quả đồng đều. Quả mắc ca của HTX được Công ty cam kết thu mua với giá 70.000 đồng/kg quả đã xát vỏ, các thành viên HTX rất yên tâm.

Cũng theo ông Thường: Quả mắc ca được đưa vào chế biến thành nhiều sản phẩm như hạt mắc ca nguyên vỏ tách nứt, nhân mắc ca, rượu mắc ca, dầu ăn mắc ca. Một số sản phẩm đã được chứng nhận sản phẩm OCOP của tỉnh. Sắp tới, nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Sơn La” được cấp, là điều kiện thuận lợi để HTX tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, cung ứng sản phẩm cho các công ty, doanh nghiệp chế biến sâu, đưa sản phẩm chất lượng cao ra thị trường.

69

Các sản phẩm từ mắc ca của Công ty TNHH Đạt Thủy, huyện Mai Sơn

Còn tại huyện Thuận Châu, trên 230 ha cây mắc ca, chủ yếu được trồng thử nghiệm xen với các loại cây như chè, cà phê, sơn tra tại các xã: Mường É, Phổng Lái, Mường Bám, Nậm Lầu, sinh trưởng và phát triển tốt, khả năng chịu được sương muối, hạn hán. Đến nay, 1/3 diện tích đã ra quả và thu hoạch, sản lượng trung bình 5-7 tấn/ha, giá bán 35.000-40.000 đồng/kg quả tươi, bước đầu cho nông dân thu nhập ổn định từ 100-150 triệu đồng/ha/năm.

Là một trong những hộ trồng mắc ca đầu tiên của xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, với 1,5ha, ông Trần Văn Đồng, bản Tiên Hưng phấn khởi: Nhờ trồng mắc ca, nay gia đình có thu nhập 120 triệu đồng/năm. Mắc ca được xây dựng nhãn hiệu sẽ giúp nông dân yên tâm sản xuất, chủ động đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. 

Mục tiêu phát triển bền vững các vùng trồng mắc ca, phấn đấu đến năm 2025, diện tích mắc ca của tỉnh đạt trên 5.000 ha; đến năm 2030, đạt khoảng 10.000 ha. Việc đăng ký bảo hộ, xây dựng, triển khai hệ thống quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Sơn La” sẽ góp phần đưa sản phẩm mắc ca mở rộng và tiếp cận thị trường lớn trong tương lai. Đồng thời, thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư, xây dựng chuỗi giá trị mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho người dân, doanh nghiệp theo hướng phát triển bền vững.

Thanh Huyền

comment Bình luận

largeer