Nhiều nước có ca mắc VODI-19 mới cao kỷ lục

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6 giờ sáng 3/7 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên thế giới đã là gần 11 triệu người, trong đó gần 523.000 người tử vong. WHO cảnh báo rằng dịch bệnh lây lan với tốc độ nhanh chóng tại nhiều nước.
By Thái Lâm
03/07/2020 10:04

Trong 24 giờ qua (tính tới 6 giờ sáng 3/7 - giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 195.540 ca mắc COVID-19 và 4.930 ca tử vong.

Đa số ca mắc mới được ghi nhận tại Mỹ (50.492 ca), Brazil (43.489 ca) và Ấn Độ (21.948 ca). Đây là ba nước có số ca mắc thuộc hàng cao nhất thế giới.

Về số ca tử vong, Brazil đứng đầu thế giới với 1.171 ca tử vong trong 24 giờ qua, tiếp đó là Mexico với 741 ca, Mỹ với 615 ca và Ấn Độ với 377 ca. Xét về tổng số người chết vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu thế giới.

Thế giới có trên 6,1 triệu người khỏi bệnh, nhưng vẫn còn trên 58.000 người trong tình trạng nguy kịch.

Có thể thấy rõ đại dịch COVID-19 đang lây lan nhanh trên toàn cầu với số ca nhiễm hằng ngày liên tục ở mức trên 160.000 trong một tuần qua. Đáng lưu ý là số ca nhiễm trong một tháng qua chiếm hơn một nửa tổng số ca nhiễm kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Chú thích ảnhTổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại một hội nghị trực tuyến ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 22/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra những con số thống kê trên trong bài phát biểu tại Geneva, Thụy Sĩ cảnh báo về tình trạng lây lan mạnh của dịch COVID-19 hiện nay.

Số liệu thống kê của WHO cho thấy ngày 28/6 vừa qua, thế giới ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao nhất từ khi dịch bùng phát, với trên 189.500 ca. Trước ngày 25/6, thế giới chỉ có hai lần ghi nhận số ca nhiễm hằng ngày vượt 160.000 ca, và cho đến ngày 18/5, số ca nhiễm hằng ngày chưa vượt qua con số 100.000.

Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh cách tốt nhất để kiềm chế dịch bệnh là thực hiện xử lý toàn diện, theo đó phát hiện, cách ly, xét nghiệm và chăm sóc từng ca bệnh; truy vết và cách ly tất cả những người có tiếp xúc người nghi ngờ nhiễm; trang bị phương tiện và đào tạo lực lượng nhân viên y tế; giáo dục, khuyến nghị người dân tự bảo vệ mình và bảo vệ người khác. Theo ông Tedros, cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp này để ngăn chặn sự lây lan của virus. Ông khẳng định những nước triển khai rộng rãi các biện pháp này đã khống chế được dịch bệnh và cứu sống được nhiều người.

Ông Tedros cho biết trong tuần này, trên 1.000 nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới sẽ tham gia thảo luận một loạt nghiên cứu về COVID-19, bao gồm nghiên cứu phát triển vaccine phòng bệnh và phương thức chữa trị cho bệnh nhân COVID-19.

Chú thích ảnhThuốc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 có chứa hoạt chất favipiravir được thử nghiệm tại Ấn Độ ngày 12/5. Ảnh: ANI/TTXVN

Liên quan tới thuốc chữa COVID-19, quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RFPI) và Tập đoàn “ChemRar” đã bắt đầu xuất khẩu ra nước ngoài thuốc điều trị COVID-19 với tên gọi Avifavir. Cuối tháng 5 vừa qua, thuốc Avifavir đã chứng minh tính hiệu quả trong các thử nghiệm lâm sàng, được cấp giấy chứng nhận đăng ký của Bộ Y tế Nga và trở thành loại thuốc đầu tiên trên thế giới chữa COVID-19 có chứa hoạt chất favipiravir.

comment Bình luận

largeer