9 bước sơ cứu vết cắt và vết cào xước

Vết cắt và vết cào xước nhỏ không cần tới phòng cấp cứu. Nhưng việc xử trí thích hợp là cần thiết để phòng nhiễm khuẩn và các biến chứng khác.
17/10/2018 17:00

Sau đây là các chỉ dẫn giúp bạn chăm sóc những vết thương như vậy:

1. Rửa tay:

Rửa tay giúp tránh nhiễm trùng. Cũng cần đeo găng tay bảo vệ dùng một lần nếu có sẵn

2. Cầm máu:

Những vết cắt hoặc vết cào xước nhỏ thường tự cầm. Nhưng nếu chúng không tự cầm được, hãy băng ép bằng một miếng vải hoặc miếng băng sạch. Giữ băng ép liên tục từ 20 đến 30 phút, và nâng cao vết thương nếu có thể.

Không kiểm tra liên tục xem vết thương hết chảy máu chưa vì điều đó có thể làm bật cục máu đông vừa hình thành và gây ra chảy máu tiếp tục. Nếu máu vẫn tiếp tục chảy hoặc máu phun ra sau băng ép liên tục thì hãy đến gặp bác sĩ.

3. Rửa vết thương:

Rửa vết thương bằng nước sạch. Không dùng xà phòng vì dễ kích ứng nên cần tránh xà phòng vào vết thương. Nếu vết thương vẫn còn bẩn và nhiều dị vật, dùng nhíp được rửa bằng cồn rồi gắp bỏ dị vật.

Nếu dị vật vẫn còn sau đó, hãy đến gặp bác sĩ. Rửa kĩ càng vết thương nhằm giảm nguy cơ nhiễm trùng và uốn ván. Dùng khăn rửa mặt rửa sạch xung quanh vết thương bằng xà phòng. Không cần dùng tới nước oxy già hay cồn iod.

4. Dùng kháng sinh:

Sau khi rửa sạch vết thương, bôi một lớp mỏng kem hoặc mỡ kháng sinh như Neosporin hoặc Polysporin để giữ ẩm bề mặt.

Các sản phẩm này không chứa chất làm tái tạo nhanh nhưng có thể phòng nhiễm trùng và hỗ trợ quá trình tái tạo tự nhiên của cơ thể. Một số thành phần nhất định trong thuốc mỡ có thể gây dị ứng nhẹ.

Nếu xuất hiện các ban dị ứng thì ngừng bôi thuốc mỡ.

5. Băng vết thương:

Băng vết thương giúp giữ vết thương sạch và tránh các vi khuẩn có hại. Sau khi vết thương lành tương đối, khó nhiễm khuẩn thì bỏ băng, để vết thương tiếp xúc với không khí, việc này thúc đẩy quá trình sửa chữa và tái tạo vết thương.

9 bước sơ cứu vết cắt và vết cào xước - Ảnh 1.

 

Vết cắt nhỏ và cào xước - Hình A cho thấy vết xước (còn gọi là “mài mòn”). Vết xước không đi xuyên qua da, do vậy nó không cần phải khâu. Hình B cho thấy vết cắt đi xuyên qua da. Vết cắt này sâu, do vậy nó cần được khâu. Ảnh: uptodate/ BSNT.

6. Thay băng:

Thay băng hàng ngày hoặc bất cứ khi nào thấy băng ẩm và bẩn. Nếu bạn bị dị ứng với chất dính được sử dụng trong hầu hết các loại băng thì bạn có thể sự dụng loại băng không có chất dính hoặc gạc vô khuẩn được giữ bởi băng giấy, gạc cuộn hoặc băng chun lỏng. Những sản phẩm y tế này có sẵn ở các hiệu thuốc.

7. Khâu vết thương sâu:

Nếu vết thương sâu hơn 6 mm hoặc vết thương có bờ nham nhở, để lộ mô mỡ và cơ thì cần khâu lại. Loại băng dính dạng dải hoặc loại băng bướm có thể giữ được vết thương nhỏ, nhưng nếu bạn không đóng được vết thương dễ dàng thì đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể.

Sự đóng kín vết thương thích hợp trong vài giờ có thể giảm nguy cơ nhiễm trùng.

8. Theo dõi các dấu hiệu của nhiễm trùng:

Nếu vết thương của bạn lâu lành hoặc bạn để ý thấy nó đỏ, đau tăng, chảy nhiều dịch, nóng hoặc sưng thì hãy đến gặp bác sĩ.

9. Tiêm phòng uốn ván:

Bác sĩ khuyên nên tiêm phòng uốn ván 10 năm/lần. Nếu vết thương của bạn sâu và bẩn, mũi cuối cùng của bạn đã tiêm hơn 5 năm thì bạn nên đi tiêm thêm một mũi và sau khi bị thương thì tiêm càng sớm càng tốt.

comment Bình luận

largeer