Băng phiến là gì? Tác hại của băng phiến đối với sức khỏe

Mới đây, trường hợp bé trai 8 tháng tuổi bị thiểu năng do hội chứng tan máu cấp tính (huyết tán) vì ngộ độc băng phiến đã làm nhiều người hoang mang, lo lắng, nhất là những bậc phụ huynh. Vậy băng phiến là gì? Sử dụng băng phiến gây tác hại như thế nào đối với sức khỏe nhất là với trẻ nhỏ?
12/01/2021 09:58

Băng phiến là gì?

Băng phiến (hay còn được gọi là long não, phiến não...) là một chất kết tinh có màu trắng, dạng như sáp, vị đắng, có mùi cay mát khá đặc trưng. Băng phiến tự nhiên thường được chiết xuất từ nhựa của cây long não hoặc cây đại bi, là 1 loại terpenoid có hiệu quả khử mùi và xua đuổi côn trùng. Nó cũng có thể được tổng hợp từ nhựa thông.

8b63240be54d0c13555c

Hình minh họa

Từ năm 1907, băng phiến đã có dạng chất tổng hợp toàn phần, tất nhiên, băng phiến công nghiệp sẽ có công thức hóa học cũng như nguồn gốc tổng hợp khác với các loại băng phiến tự nhiên (long não). Băng phiến công nghiệp được tổng hợp từ naphthalene hoặc diclobenzen. So với naphthalene thì băng phiến tổng hợp từ diclobenzen ít độc hại hơn với sức khỏe con người, nhưng chi phí sản xuất cao hơn nên không phổ thông bằng. Băng phiến công nghiệp thường được ép thành những viên nhỏ, màu trắng hoặc được pha trộn thêm nhiều màu sắc khác, đường kính khoảng 2 - 3cm, có tính thăng hoa, dễ bay hơi.

Ngày nay, người ta thường sử dụng băng phiến nhân tạo do giá thành rẻ, tiện lợi trong việc sử dụng. Băng phiến chiết xuất tự nhiên chỉ còn được dùng trong lĩnh vực y học.

Tác dụng của băng phiến?

Băng phiến có khá nhiều tác dụng trong cuộc sống, tuy nhiên, chúng ta cũng cần phân biệt rõ tác dụng của băng phiến tự nhiên và băng phiến nhân tạo để không nhầm lẫn khi sử dụng. Bởi nếu sử dụng nhầm lẫn băng phiến nhân tạo vào việc chữa bệnh sẽ gây ra hậu quả khôn lường, nhẹ thì gây ngộ độc, nặng thì có thể dẫn tới tử vong.

bang-phien-la-gi-5
  • Tác dụng của băng phiến nhân tạo

Băng phiến công nghiệp thường sử dụng trong một số ngành công nghiệp đặc thù. Trong đời sống, người ta thường sử dụng băng phiến để xua đuổi côn trùng, gián, kiến, chuột, loại bỏ tác hại của chúng đối với đời sống con người. Tuy nhiên, băng phiến công nghiệp chỉ được sử dụng ở các nước đang phát triển, còn những nước như Mỹ hay châu Âu, họ đã cấm sử dụng băng phiến do nó có độc tính cao.

Băng phiến có tính thăng hoa mà không cần qua giai đoạn trung gian, khi thăng hoa chúng sẽ tỏa ra mùi thơm và hăng mạnh, nhưng lại có vị ngọt nên dễ thu hút các loại côn trùng, gián, chuột. Tuy nhiên, khi hít phải, chúng sẽ bị tê liệt thần kinh, mất phương hướng, nếu ăn nhầm còn có thể tử vong nên sau đó chúng thường rất sợ mùi này. Nhờ tác dụng đó, người ta thường hay bỏ băng phiến vào tủ quần áo, góc nhà... để xua đuổi những động vật, côn trùng gây hại này.

  • Tác dụng của băng phiến tự nhiên

Bên cạnh tác dụng xua đuổi côn trùng, chuột, gián... giống như tác dụng của băng phiến nhân tạo, băng phiến tự nhiên còn được sử dụng trong y học để chữa bệnh.

Theo Đông y, băng phiến có khả năng thanh nhiệt, tích uế, chỉ thống (giảm đau), làm tan màng mộng, tỉnh thần và khai khiếu (thông mũi). Vì vậy, nó thường chủ trị các chứng như tức ngực, đau rát cổ họng, loét miệng, đau mắt, động kinh, bất tỉnh do sốt cao, trúng phong cấm khẩu, hôn mê, đau bụng...

Trong y học hiện đại, băng phiến có tác dụng ức chế một số loại nấm gây bệnh ngoài da, trực khuẩn đại tràng, liên cầu khuẩn, song cầu phế viêm và tụ cầu khuẩn nhờ vào khả năng kháng khuẩn. Nó còn là dược liệu có tác dụng kích thích dây thần kinh ngoại vi và giảm đau thần kinh.

Băng phiến có độc không?

13-chot-1487515436368-1487567997597

Hình minh họa

Băng phiến tự nhiên cũng có độc tính nên chỉ được sử dụng khi có chỉ định và hướng dẫn cụ thể từ thầy thuốc. Nó có thể dùng dạng uống hoặc dùng ngoài đều được. Liều dùng tham khảo là từ 0.03 - 0.1gr/ngày. Đối với trẻ nhỏ và người có thể trạng yếu, cần cân chỉnh liều lượng tùy vào từng trường hợp cụ thể.

Riêng với băng phiến nhân tạo thì thành phần chính của nó chủ yếu là các chất hóa học vì vậy chúng ta tuyệt đối không được ăn. Băng phiến công nghiệp thường gây ngộ độc cấp, nhất là trẻ em dưới 5 tuổi. Ngộ độc xảy ra khi nuốt nhầm hoặc hít quá nhiều hơi băng phiến trong môi trường kín, thiếu khí trời, không thông thoáng.

Riêng ở trẻ nhỏ, các bé rất dễ bị ngộ độc nếu phải mặc quần áo bám nhiều hơi băng phiến. Mặt khác băng phiến có thể hấp thu trực tiếp một phần qua da của trẻ, từ đó, chất độc có thể ngấm từ từ vào cơ thể của trẻ. Ngoài ra, nó còn gây ngộ độc mãn nếu hít chất này dưới dạng hơi trong thời gian dài.

Ngộ độc băng phiến có nhiều triệu chứng khác nhau, tùy theo mức độ băng phiến đã nuốt hoặc hít vào trong cơ thể.

  • Ngộ độc cấp: Gây vỡ hồng cầu làm thiếu máu, hoại tử gan, tổn thương thần kinh (nhất là ở trẻ nhỏ). Bệnh nhân thường có biểu hiện buồn nôn, ói, tiêu chảy, vàng da, tiểu sậm màu, nhức đầu, bồn chồn, kích động, lú lẫn, co giật rồi hôn mê, thậm chí có thể tử vong.
  • Ngộ độc mãn: Thường xảy ra khi hít hơi băng phiến trong thời gian dài. Nó sẽ gây vỡ hồng cầu, thiếu máu mãn tính, cơ thể hay mệt mỏi, cáu gắt, hay chóng mặt, làm việc kém, trẻ em thì chậm lớn. Bệnh nhân có thể tiêu chảy kéo dài, viêm hô hấp mãn tính, đục thủy tinh thể, tổn thương võng mạc (lớp nằm trong cùng của đáy mắt) làm giảm thị lực. Ngộ độc mãn kéo dài còn gây tổn thương não bộ làm đi đứng khó khăn, không điều hòa và phối hợp được các động tác của tay chân, suy giảm trí nhớ, tổn thương gan, thận.

Cơ quan nghiên cứu về ung thư quốc tế đã xếp băng phiến (dù thế hệ cũ hay mới) vào nhóm IIB tức là nhóm có khả năng gây ung thư cho con người tuy nhiên ở mức độ thấp.

Cách xử trí khi bị ngộ độc băng phiến

Đưa nạn nhân ra nơi thoáng mát thông khí để tránh hít thêm hơi băng phiến. Rửa sạch miệng, môi, da, tay chân bằng nước. Tránh dùng tinh dầu hay chất béo vì sẽ khiến băng phiến hấp thu nhanh hơn. Nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Hiện không có thuốc giải đặc hiệu cho ngộ độc băng phiến, tất cả là điều trị hỗ trợ và nâng đỡ.

Những lưu ý khi sử dụng băng phiến

Thứ nhất, để băng phiến tránh xa tầm tay của trẻ em. Trong trường hợp trẻ nuốt nhầm băng phiến, sẽ có thể gây chuột rút, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt.

Không nên cho trẻ uống sữa để lọc độc mà nên dùng trà xanh hoặc nước lọc, vì sữa sẽ đưa chất độc đi đến khắp cơ thể nhanh hơn. Nuốt phải băng phiến có thể gây chuột rút, không nên tự gây nôn tại nhà mà nên đến bệnh viện điều trị.

Thứ hai, chọn dùng những loại băng phiến có thành phần tự nhiên 100%, là những loại băng phiến có màu như gỗ hoặc không màu như thủy tinh, mùi thơm thoang thoảng. Ngay cả vậy, nên bọc chúng lại lại bằng giấy vệ sinh, tránh để đồ đạc, quần áo tiếp xúc trực tiếp trên bề mặt rộng với chất hóa học này.

Thu Hằng ( tổng hợp)

comment Bình luận

largeer