Bé bị lồng ruột, không xử trí nhanh có thể tử vong

Theo nghiên cứu, trẻ dưới 2 tuổi rất dễ bị lồng ruột. Nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời, điều tồi tệ nhất có thể xảy ra.
09/10/2020 16:06

Trẻ cười nhiều bị lồng ruột?

Theo BS Nguyễn Thị Hiền, BV Thanh Nhàn, lồng ruột là tình trạng một đoạn ruột chui vào đoạn ruột khác. Dấu hiệu đầu tiên là trẻ bị đau bụng từng cơn, bỏ ăn. Nếu để quá 24 giờ, trẻ có thể bị hoại tử ruột, dẫn đến tử vong.

Nguyên nhân hay gặp nhất của bệnh lồng ruột ở trẻ em là do trước đó trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, đường ruột hoặc tiêu chảy do thời tiết giao mùa, mưa nắng thất thường, sức đề kháng của trẻ lại yếu.

Lồng ruột thường xảy ra ở trẻ còn bú mẹ, nhất ở lứa tuổi 4-9 tháng. Dù bệnh này gặp nhiều ở trẻ nhỏ nhưng các bậc cha mẹ cũng không nên chủ quan với những trẻ lớn hơn vì vẫn gặp một số trẻ em từ 2-3 tuổi bị lồng ruột. Điều đặc biệt bệnh lồng ruột thường xảy ra với trẻ khoẻ mạnh, bụ bẫm, ham ăn do nhu động ruột mạnh nên càng dễ bị lồng ruột. Ngay cả trong trường hợp cha mẹ, người trông trẻ nô đùa với trẻ làm trẻ cười quá  nhiều, hoặc tung trẻ lên cao, rung lắc mạnh... cũng có thể khiến trẻ bị lồng ruột. 

long ruot

Hình minh họa.

Bệnh lồng ruột ở trẻ em diễn biến rất nhanh nên nếu không được điều trị kịp thời ruột sẽ bị hoại tử dẫn đến thủng ruột gây ra viêm phúc mạc, nhiễm trùng máu gây đe dọa tính mạng.

Theo bác sĩ Trần Thu Thủy, bệnh viện Nhi Trung ương, ở trẻ em, nguyên nhân gây lồng ruột còn chưa rõ ràng. Bệnh lý này thường xuất hiện nhiều hơn vào các mùa có dịch virus, vì vậy có ý kiến cho rằng lồng ruột liên quan tới các loại virus gây bệnh ở trẻ, trong đó có virus gây nhiễm khuẩn hô hấp như adenovirus.Trong một số trường hợp, lồng ruột có thể xuất hiện sau một đợt viêm dạ dày đại tràng cấp tính. Vi khuẩn hay virus gây nhiễm trùng đường tiêu hóa có thể làm phù nề các hạch bạch huyết ở ruột, gia tăng nhu động ruột, tạo điều kiện thuận lợi cho lồng ruột. Ở trẻ dưới 3 tháng hay trên 5 tuổi, lồng ruột thường liên quan nhiều tới các tổn thương thực thể như hạch bạch huyết sưng to, các khối u lành tính hoặc ác tính, dị dạng ruột (ruột đôi, túi thừa Meckel...).

Đối với trường hợp bệnh nhẹ, bệnh chỉ xảy ra tạm thời và có thể tự hết nhưng có thể tái phát. Đa số sự tái phát bệnh diễn ra trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi chữa trị. Khi trẻ lớn lên, nguy cơ tái phát bệnh sẽ giảm.

Biểu hiện của lồng ruột

Trẻ khóc thét vì đau bụng, nôn mửa, bỏ bú, sau đó bụng trướng căng, đại tiện phân máu lẫn nhầy và có thể toàn máu tươi. Các triệu chứng có thể dịu bớt trong một khoảng thời gian ngắn.

Sau đó lại xuất hiện với mức độ nặng hơn: trẻ la hét, khóc thét từng cơn sau đó mệt lả, da xanh tái, tiểu ít, sốt cao, lờ đờ, hôn mê, dấu hiệu mất nước nặng cộng với các biểu hiện của nhiễm khuẩn nhiễm độc hoặc sốc do mất nước hay sốc nhiễm khuẩn.

Bệnh thường xảy ra đột ngột khiến trẻ đang khỏe mạnh, chơi đùa bình thường bỗng khóc thét lên, có khi khóc lặng người đi, ưỡn người. Khi hết cơn đau, trẻ lại bú bình thường. Nhưng khoảng 10-20 phút sau, một cơn đau bụng khác lại đến... Cứ như vậy nhiều lần khiến trẻ mệt lả, nằm lịm đi, vã mồ hôi, da xanh tái.

Cùng với đau bụng, trẻ bị nôn, xuất hiện ngay từ cơn đau đầu tiên vì khi trẻ bị lồng ruột sẽ gây ra tắc ruột hoặc bán tắc. Lúc đầu trẻ nôn ra dịch màu xanh ve, nếu để lâu trẻ sẽ nôn ra dịch ruột màu vàng.  Do nôn nhiều, trẻ lại không ăn uống được nên cơ thể bị mất nước, dẫn đến rối loạn các chất điện giải, làm cho trẻ rất mệt.

Ngoài ra, trẻ sẽ đi ngoài ra máu tươi có lẫn chút nhầy, có khi còn lẫn cục máu đông. Đó là dấu hiệu muộn của lồng ruột Khi thấy trẻ đại tiện ra máu, nhiều người tưởng trẻ bị kiết lỵ nên cho uống thuốc chữa kiết lỵ nhưng chỉ làm cho bệnh nặng thêm.

Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện bất thường như trên, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa làm các xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, siêu âm ổ bụng, chụp XQ… để xác định chẩn đoán.

Tử vong do lồng ruột

Trước đó, vào năm 2019, tại bệnh viện quận Thủ Đức (TP HCM), bé P.T.T.  (5,5 tháng tuổi) nhập viện  trong tình trạng nôn ói nhiều, đau bụng có cơn. Bệnh nhân được người nhà đưa tới sớm do đã có kinh nghiệm bé bị lồng ruột trước đó rồi nên khi thấy xuất hiện các triệu chứng quen thuộc đã ngay lập tức đưa bé tới bệnh viện để được khám và điều trị.

Bé được can thiệp lồng ruột bằng hơi và được xuất viện sau 24h can thiệp. Đây là trường hợp bệnh nhi nhỏ tuổi nhất được can thiệp lồng ruột thành công tại bệnh viện quận Thủ Đức.

Không may mắn như bé T., vào năm 2014, một bé trai 8 tháng tuổi sống tại TP Rạch Giá, Kiên Giang đã tử vong do lồng ruột. Sau khi mẹ  bé cho con bú xong, hai vợ chồng bé có biểu hiện bất thường, ọc sữa và tiêu chảy có lẫn máu. Do đêm khuya, nên đến sáng hôm sau vợ chồng chị mới đưa cháu tới trạm y tế xã, sau đó được chỉ định lên bệnh viện Đa khoa Kiên Giang. Tại đây, cháu bé có biểu hiện sốt, bụng có dấu hiệu căng chướng và diễn biến trầm trọng hơn, sau đó tử vong. Nguyên nhân được xác định do lồng ruột.

Dương Nhung (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer