Bình Định đưa văn hóa Chăm đến gần hơn với du khách

Sở hữu nhiều di tích Chăm có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử, do đó, việc tìm hướng khai thác di tích tháp Chăm để phục vụ du lịch đang là vấn đề được ngành Văn hóa Bình Ðịnh khẩn trương thực hiện…
13/08/2023 08:57

Từng là kinh đô Vijaya của vương quốc Champa, trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện có 8 cụm tháp Chăm. Ngoài tháp Hòn Chuông (tại xã Cát Tài, Phù Cát) còn đang trong quá trình khảo sát, nghiên cứu, các cụm tháp còn lại đều đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo và mở cửa đón khách tham quan. Hệ thống giao thông đến các tháp Chăm tương đối thuận lợi, có thể kết nối với những điểm tham quan khác cùng địa bàn. Các cụm tháp Chăm ở Bình Định được đánh giá còn khá nguyên vẹn, có nhiều điểm nổi bật so với hệ thống tháp Chăm ở một số tỉnh, thành khu vực miền Trung.

Tuy nhiên, theo thống kê của Bảo tàng tỉnh, lượng khách đến tham quan các tháp Chăm còn ít và chưa đều; nguyên nhân chính là do chưa tạo được không gian sinh động quanh các di tích.

Sau khi cùng gia đình tham quan tháp Bánh Ít, chị Trần Thị Thanh Yến (TP Hồ Chí Minh), cho biết: “Tôi từng đi tham quan tháp Chăm ở một số tỉnh, thành khác, chưa nơi nào các di tích còn nguyên vẹn mà đẹp như tại Bình Định. Tuy nhiên, quanh khuôn viên các tháp tại Bình Định không có dịch vụ gì nên chỉ đến chụp ảnh rồi quay về. Việc di chuyển từ cổng chính lên các tháp ở khu vực tháp Bánh Ít còn khó khăn với người cao tuổi, nên cần có dịch vụ xe điện để thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, các bậc thang ở một số tháp có độ dốc lớn nhưng không có tay vịn nên khá nguy hiểm khi lên xuống. Đây là điều nên khắc phục sớm để an toàn hơn cho du khách”.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 14.5.2021 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XX của Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020 - 2025, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng giao Sở VH&TT nghiên cứu lập đề án thí điểm xã hội hóa trong quản lý, khai thác di tích phục vụ du lịch. Liên quan vấn đề này, Giám đốc Sở VH&TT Tạ Xuân Chánh cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, chúng tôi đã rà soát các văn bản về quản lý, khai thác di tích để xây dựng phương án phù hợp, đúng quy định. Sở VH&TT cũng đã tham khảo một số mô hình đang triển khai hiệu quả ở các tỉnh để áp dụng tại Bình Định. Dự kiến, trong khuôn viên tháp Bánh Ít, sẽ tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật; xây dựng nhà trưng bày hiện vật Chăm, nhằm phát huy giá trị di tích, đưa du khách đến gần hơn, tìm hiểu kỹ hơn về những di tích có giá trị đặc sắc trên địa bàn tỉnh. Khu vực gần cổng chính vào tháp sẽ bố trí các gian hàng lưu niệm, giải khát và cho thuê trang phục chụp ảnh…”.

Du khách đến xem các hoạt động văn hóa Chăm tại di tích tháp Bánh Ít tại buổi giao lưu biểu diễn nghệ thuật dân gian Chăm giữa tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Bình Định, do Sở VH&TT tổ chức ngày 8/7/2023

Du khách đến xem các hoạt động văn hóa Chăm tại di tích tháp Bánh Ít tại buổi giao lưu biểu diễn nghệ thuật dân gian Chăm giữa tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Bình Định, do Sở VH&TT tổ chức ngày 8/7/2023

Bên cạnh việc triển khai các phương án tạo không gian sinh động tại các tháp Chăm phục vụ du lịch, việc khai thác những nét đặc sắc của văn hóa Chăm cũng cần được tính đến. “Trên địa bàn tỉnh có một số khu vực có cộng đồng người Chăm H’roi sinh sống, do đó, việc chọn và xây dựng làng Chăm để du khách tham quan, tìm hiểu văn hóa, tập tục của người Chăm là điều có thể làm được. Ngoài ra, chúng ta có thể tổ chức tour cho du khách tham quan các di tích Chăm đang được khai quật. Điều đó cũng đem đến sự mới mẻ mà nhiều người rất mong muốn được khám phá”, ông Tạ Xuân Chánh chia sẻ thêm.

Trần Cường 

comment Bình luận

largeer