Bình Dương: Sẽ cấp vaccine tiêm cho công nhân khu công nghiệp

Tại Bình Dương số công nhân mắc COVID-19 ngày càng tăng, một số nhà máy đã phải tạm ngưng sản xuất. Người lao động trước nỗi lo việc làm bị ảnh hưởng phải thắt chặt chi tiêu dự phòng những rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào. Chính quyền Bình Dương đang ráo riết triển khai các biện pháp khoanh vùng, xét nghiệm sàng lọc ngăn chặn dịch bệnh bảo vệ người lao động, nhà máy.
25/06/2021 10:55

 

cn

Kiểm soát thân nhiệt công nhân lao động trước khi vào nhà máy ở Bình Dương. Ảnh: CĐ VSIP cung cấp

Người mất việc làm, người phải cách ly vì COVID-19

Trong 1 tháng qua, tỉnh Bình Dương liên tiếp phát hiện những điểm dịch mới. Đáng chú ý, dịch bệnh đã len lỏi vào một số nhà máy. Khu công nghiệp Đồng An (thành phố Thuận An) là một trong khu công nghiệp đầu tiên của Bình Dương có dịch bệnh xâm nhập. Sau khi phát hiện ra 2 trường hợp công nhân mắc COVID-19, một công ty may với hơn 700 lao động lập tức phải tạm dừng sản xuất. Tất cả hoạt động sản xuất và kinh doanh của công ty này bị xáo trộn. Hơn 600 công nhân được đưa đi cách ly tập trung. Chị Quách Nhung (38 tuổi) cho biết, sau khi phát hiện ca bệnh thì chị được đưa đến khu cách ly tập trung ở phường Thuận Giao, thành phố Thuận An.

“Công ty ngưng sản xuất gặp nhiều khó khăn. Mình phải đi cách ly tập trung, cả gia đình cũng phải ở nhà. Thực sự cũng rất lo lắng về khó khăn trong thời gian tới. Điều động viên mình và anh chị em công nhân là hiện tại sức khỏe bình thường, kết quả xét nghiệm những lần gần đây đều âm tính với SARS-CoV-2. Hy vọng thời gian qua mau, dịch bệnh được khống chế, để mình trở lại cuộc sống như bình thường” - chị Nhung chia sẻ.

Anh Đỗ Văn Tiến (26 tuổi, làm việc khu công nghiệp VSIP I, thành phố Thuận An) bị mất việc do công ty khó khăn vì dịch bệnh phải cắt giảm lao động. “Mình bị mất việc gần 1 tháng rồi, có đi một số nơi tìm việc nhưng chưa được gọi đi phỏng vấn. Ở nhà không có thu nhập, mình đăng ký chạy xe ôm để có tiền trang trải cuộc sống. Lúc này chỉ mong dịch bệnh được kiểm soát, các công ty tuyển dụng nhiều hơn để thuận lợi tìm được việc làm phù hợp” - anh Tiến chia sẻ.

Chị Triệu Thị Chầu (34 tuổi, công nhân công ty giày da tại phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An) cho biết, công ty mình vẫn đang hoạt động bình thường. “Năm trước mình là trường hợp bị cắt giảm lao động do dịch COVID-19, phải ở nhà hơn 3 tháng. Thời điểm đó, không có việc, không có thu nhập phải đi bán vé số kiếm sống. Vì vậy năm nay, khi dịch bệnh bùng phát mình rất lo lắng, hy vọng dịch không xâm nhập vào công ty. Lúc này thu nhập cũng bị giảm, hai vợ chồng chỉ còn cách chi tiêu tiết kiệm hơn để dự phòng những rủi ro” - chị Chầu chia sẻ.

Tập trung bảo vệ hoạt động nhà máy và việc làm của NLĐ trước COVID-19

UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đang tập trung giải pháp, lực lượng để bảo vệ sản xuất ở các nhà máy và khu công nghiệp. Tỉnh đã lập các chốt để kiểm soát dịch bệnh từ xa, tại các cửa ngõ vào Bình Dương, lực lượng chức năng đo thân nhiệt, kiểm soát quá trình di chuyển của tài xế, người lao động trước khi cho vào tỉnh và các khu công nghiệp. Tỉnh Bình Dương cũng linh động đã áp dụng Chỉ thị 16 đối với từng phường, khu vực có nhà máy xảy ra dịch bệnh để khoanh vùng hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh.

Ông Nguyễn Hoàng Thao - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã giao UBND cấp huyện và Ban Quản lý các khu công nghiệp phải chủ động phối hợp thực hiện công tác chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống dịch đối với doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát các đơn vị, doanh nghiệp trong việc xây dựng kế hoạch, kịch bản cụ thể ứng phó với tình huống xuất hiện các ca F0, F1, F2… theo đúng quy định. Đồng thời, thành lập các Tổ COVID-19 cộng đồng của các doanh nghiệp và hướng dẫn, tập huấn để Tổ này hoạt động thực chất, hiệu quả.

Về giải pháp kỹ thuật y tế, trước mắt Sở Y tế Bình Dương mua sắm thêm máy móc vật tư y tế. Tiến hành tập huấn cho cán bộ cũng như tình nguyện viên và đang tiến hành xét nghiệm sàng lọc ở nhà máy, khu công nghiệp có nguy cơ cao. Bên cạnh đó, Sở Y tế Bình Dương phối hợp cùng Ban Quản lý các khu công nghiệp thực hiện nhiều đoàn kiểm tra, giám sát việc phòng dịch của doanh nghiệp, trong trường hợp doanh nghiệp chưa thực hiện tốt thì sẽ được hướng dẫn để thực hiện một cách nghiêm túc. Trường hợp nào để lây lan dịch sẽ đề nghị cho tạm dừng hoạt động để khắc phục. Theo đánh giá của Sở Y tế, trên 80% các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã xây dựng kịch bản, phương án bảo đảm an toàn trong trường hợp COVID-19 tấn công thì vẫn có thể sản xuất được.

Hiện có khoảng 100 đoàn đang kiểm tra công tác an toàn trong khu công nghiệp ở Bình Dương. Tiến hành xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng, thực hiện đúng các nguyên tắc của Bộ Y tế đưa ra đó là bao vây ngăn chặn, truy vết kịp thời, điều trị hiệu quả. Tất cả các biện pháp tổng hợp để cố gắng giữ được thành trì là khu công nghiệp, nhà máy.

ĐÌNH TRỌNG

comment Bình luận

largeer