Bộ Y tế: Không đo huyết áp tất cả trường hợp trước tiêm vaccine COVID-19

Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế về khám sàng lọc trước tiêm vaccine COVID-19, đo huyết áp chỉ thực hiện với một số trường hợp, thay vì tất cả người dân trước khi tiêm.
10/09/2021 15:14

 

100

Không nhất thiết đo huyết áp cho tất cả mọi người khi khám sàng lọc trước tiêm vaccine COVID-19

Hôm nay, 10/9, Bộ Y tế đã ban hành quyết định "Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc tiêm vaccine phòng COVID-19".

Hướng dẫn mới nhất về khám sàng lọc trước tiêm vaccine phòng COVID-19 của Bộ Y tế áp dụng cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở tiêm chủng của nhà nước và tư nhân trên cả nước.

Hướng dẫn trên do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký ban hành, nêu rõ mục đích của khám sàng lọc nhằm phát hiện và phân loại các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, để đảm bảo an toàn tiêm chủng. 

Đáng lưu ý, theo hướng dẫn này, việc đo huyết áp tất cả những người đến tiêm chủng đã không áp dụng; chỉ đo huyết đối với người có tiền sử tăng huyết áp, hoặc huyết áp thấp; người có bệnh nền liên quan đến bệnh lý tim mạch, người trên 65 tuổi; đo mạch, đếm nhịp thở ở người có tiền sử suy tim, hoặc phát hiện bất thường như đau ngực, khó thở…

Cũng trong hướng dẫn này, Bộ Y tế nêu rõ, đối với khám sàng lọc trước tiêm chủng, cần khám sức khoẻ hiện tại có sốt hay không, hỏi tiền sử người tiêm đang mắc các bệnh cấp tính, bệnh mạn tính, đặc biệt là tình trạng bệnh gợi ý COVID-19 không.

Đối với tiền sử tiêm vaccine phòng COVID-19, cần khai thác chính xác loại vaccine đã tiêm và thời gian tiêm.

Về tiền sử dị ứng, cần hỏi người tiêm chủng đã từng có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; tiền sử dị ứng nặng bao gồm cả phản vệ; tiền sử dị ứng với vaccine và bất cứ thành phần nào của vaccine.

Ngoài ra, cần hỏi về tiền sử mắc COVID-19; tiền sử suy giảm miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, đang điều trị hóa trị, xạ trị; tiền sử rối loạn đông máu hoặc cầm máu, hoặc đang dùng thuốc chống đông.

Đối với phụ nữ mang thai, cần hỏi tuổi thai. Giải thích nguy cơ, lợi ích, chỉ nên cân nhắc tiêm vaccine COVID-19 cho phụ nữ mang thai trường hợp thai từ 13 tuần trở lên, khi lợi ích tiềm năng lớn hơn bất kỳ nguy cơ tiềm tàng nào đối với mẹ và thai nhi.

Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng tiếp tục lưu ý phụ nữ đang cho con bú thuộc trường hợp chống chỉ định với vaccine Sputnik V.

Theo TN

comment Bình luận

largeer