Các chuyên gia cảnh báo: Khẩu phần ăn của người Việt không đáp ứng đủ các vi chất dinh dưỡng quan trọng

Theo điều tra khẩu phần của Viện Dinh dưỡng, hầu hết khẩu phần ăn của người dân Việt không đáp ứng đủ 100% nhu cầu về vitamin và khoáng chất.
26/05/2018 10:29

Hội nghị CTV báo chí nhân Ngày Vi chất dinh dưỡng tổ chức chiều 25/5. Ảnh PT

 Hội nghị CTV báo chí nhân Ngày Vi chất dinh dưỡng tổ chức chiều 25/5

Tại Hội nghị Cộng tác viên Báo chí nhân Ngày Vi chất dinh dưỡng (1-2/6) do Viện Dinh dưỡng quốc gia vừa tổ chức, GS.TS Lê Danh Tuyên – Viện trường Viện dinh dưỡng quốc gia cho biết, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức như: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi tính chung cả nước mỗi năm giảm 1%, nhưng vẫn còn ở mức cao (24,3% năm 2016) và có sự chênh lệch nhiều giữa các vùng nhất là vùng núi, vùng khó khăn và nông thôn với thành phố, đồng bằng. Tỷ lệ này ở miền núi phía Bắc là 30,3% và Tây nguyên là 34,2%. Tỷ lệ SDD thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam còn cao

Nguyên nhân chính dẫn tới điều này do do khẩu phần ăn của người dân không đảm bảo cung cấp đủ các vi chất dinh dưỡng quan trọng cho nhu cầu cơ thể, đặc biệt trong một số giai đoạn quan trọng như phụ nữ đang mang thai, cho con bú, trẻ em đang tuổi lớn. Theo điều tra khẩu phần của Viện Dinh dưỡng, khẩu phần ăn của người dân Việt Nam hầu hết không đáp ứng đủ 100% nhu cầu về các vitamin và chất khoáng.

Bên cạnh đó, vi chất dinh dưỡng từ nguồn thức ăn động vật có giá trị sinh học cao hơn, cơ thể dễ hấp thu và sử dụng hơn so với thức ăn nguồn gốc thực vật, nhưng các thức ăn động vật đều có giá thành cao nên làm giảm sự tiếp cận thường xuyên của người dân với nguồn vi chất dinh dưỡng có giá trị sinh học cao đặc biệt người dân ở nông thôn, miền núi và các vùng khó khăn.

BS Trần Khánh Vân, Phó trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết, thiếu ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tới sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em và khả năng sinh sản cũng như năng suất lao động của người lớn.

Có rất nhiều vi chất dinh dưỡng chúng ta không tự tổng hợp được mà phải thu nhận từ bên ngoài cơ thể như sắt, kẽm, vitamin A, D... Vi chất dinh dưỡng bắt buộc tăng cường vào thực phẩm bao gồm: iốt, kẽm và vitaminA.

Thực phẩm bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng như muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường iốt; bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm; dầu thực vật có chứa một trong các thành phần như dầu đậu nành, dầu cọ, dầu hạt cải và dầu lạc phải tăng cường vitaminA, trừ dầu thực vật dùng trong chế biến thực phẩm theo phương pháp công nghiệp...

Theo đó, Ngày vi chất dinh dưỡng (1- 2/6) năm nay với thông điệp chính là “Vi chất dinh dưỡng cần thiết cho tăng trưởng, nâng cao tầm vóc, sức khỏe, trí tuệ và chất lượng cuộc sống” sẽ tập trung tuyên tuyền về vấn đề tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm thiết yếu.

Bởi đây là biện pháp đơn giản, hiệu quả và dễ đạt độ bao phủ cao, có tính bền vững nhằm giảm sự thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Tăng cường VCDD vào thực phẩm có giá thành thấp nhất, 0,06 USD người/năm.


Ngày 1-2/6, các gia đình hãy đưa trẻ trong độ tuổi đi uống Vitamin A tại các điểm uống ở xã, phường

 Ngày 1-2/6, các gia đình hãy đưa trẻ trong độ tuổi đi uống Vitamin A tại các điểm uống ở xã, phường

Để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, các chuyên gia khuyến cáo, các gia đình cần quan tâm đến chăm sóc dinh dưỡng ngay từ tuổi vị thành niên, đặc biệt là giai đoạn mới kết hôn, chuẩn bị làm mẹ. Đặc biệt là dinh dưỡng hợp lý trong 1000 ngày vàng (đầu đời) tức là từ khi bà mẹ bắt đầu mang thai đến khi trẻ 2 tuổi đóng vai trò hết sức quan trọng.

Đảm bảo dinh dưỡng cho phụ nữ trong thời gian mang thai để giúp thai nhi phát triển tốt và bà mẹ có đủ dự trữ các chất dinh dưỡng để nuôi con sau này. Mặt khác, bổ sung viên sắt trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh là rất cần thiết để phòng chống thiếu máu cho cả mẹ và con...

Ngoài ra, bữa ăn hàng ngày cần đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm, lựa chọn và sử dụng thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng. Sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng cho bữa ăn bổ sung của trẻ. Thêm mỡ hoặc dầu để tăng hấp thu vitaminA, vitaminD…

Đặc biệt, ngày 1-2/6, các gia đình hãy đưa trẻ trong độ tuổi đi uống Vitamin A tại các điểm uống ở xã, phường. Theo kế hoạch sẽ có trên 6 triệu trẻ dưới 5 tuổi được uống vitamin A, hàng triệu trẻ từ 24-60 tháng tuổi tại 22 tỉnh khó khăn được tẩy giun.

comment Bình luận

largeer