Các quốc gia cho phép kết hợp các loại vaccine COVID-19

Trước tình trạng khan hiếm vaccine ngừa COVID-19 trên thế giới, ngày càng có nhiều quốc gia đang xem xét chuyển sang kết hợp các loại vaccine COVID-19 khác nhau để tiêm cho người dân.
03/06/2021 22:47

Trong bối cảnh đại dịch, các quốc gia trên thế giới đều muốn số người tiêm vaccine mũi đầu nhiều nhất có thể nhưng  lại đối mặt với tình trạng nguồn cung vaccine chậm trễ khiến chiến dịch tiêm chủng quốc gia vì thế bị chậm theo. Để giải quyết vấn đề này, một số quốc gia đã cho phép tiêm kết hợp vaccine ngừa COVID-19 trong chiến lược tiêm chủng của mình.

Một số nghiên cứu trên thế giới vẫn đang trong quá trình thực hiện, nhưng bước đầu cho thấy việc phối hợp vaccine ngừa COVID-19 đem lại  hiệu quả trong việc phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.

Sau đây là các quốc gia đang nghiên cứu, cân nhắc hoặc đã quyết định áp dụng một việc phối hợp vaccine.

vac xin

Kết hợp vắc xin khác nhau nhằm giải quyết  tình trạng nguồn cung vaccine chậm trễ

Canada

Ngày 1/6, Ủy ban Cố vấn Quốc gia về Tiêm chủng (NACI) đã cập nhật hướng dẫn cho các tỉnh và vùng lãnh thổ và khuyến nghị rằng có thể tiêm mũi một là vaccine AstraZeneca  và mũi hai là vaccine Moderna hoặc Pfizer.

Đối với những người Canada đã sử dụng mũi vaccine Moderna  hoặc Pfizer đầu tiên, NACI khuyến nghị họ có thể dùng một trong hai mũi này làm liều thứ hai - vì cả hai đều sử dụng công nghệ mRNA tương tự - trong trường hợp vì lý do nào đó không còn vắc xin liều đầu tiên.

Hướng dẫn cập nhật của NACI dựa trên nghiên cứu mới từ Tây Ban Nha và Vương quốc Anh cho thấy việc pha trộn và kết hợp vaccine AstraZeneca và Pfizer vừa an toàn vừa hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19.

Trung Quốc

Vào tháng 4, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã thử nghiệm việc phối hợp các liều vaccine COVID-19 do CanSino Biologics và một đơn vị Sản phẩm sinh học Trùng Khánh Zhifei phát triển. Ngày 12/4, quan chức kiểm soát dịch bệnh hàng đầu của Trung Quốc  cho biết nước này đang "chính thức xem xét" việc kết hợp các liều vaccine được phát triển với các công nghệ khác nhau để tăng hiệu quả của chúng.

Phần Lan

Viện Y tế và Phúc lợi Phần Lan hôm 14 /4 cho biết, những người nhận liều vaccine AstraZeneca đầu tiên, gồm những người dưới 65 tuổi có thể được tiêm một mũi khác cho liều vaccine thứ hai của họ.

Pháp

Hồi tháng 4, Cơ quan tư vấn sức khỏe hàng đầu của Pháp đã khuyến cáo  rằng những người dưới 55 tuổi được tiêm AstraZeneca liều đầu tiên, nên tiêm liều thứ hai với vaccine RNA thông tin, mặc dù việc kết hợp với pha trộn liều lượng vẫn chưa được đánh giá trong các thử nghiệm.

Nauy

Ngày 23/4, Nauy cho biết sẽ cung cấp cho những người đã nhận một liều vaccine AstraZeneca bằng một loại  vaccine mRNA ở liều thứ hai của họ.

ket hop

Có quốc gia đã áp dụng việc kết hợp vaccine, nhưng cũng có nước đang trong quá trình nghiên cứu

Philippines

Giới chức y tế Philippines cho biết, từ tháng 6/2021 đến tháng 11/2022, Philippines sẽ tiến hành nghiên cứu  sự kết hợp  của các vaccine ngừa COVID-19 sẵn có ở Philippines. Cụ thể là  kết hợp vaccine Sinovac (Trung Quốc) với một nhãn hiệu vaccine khác để đánh giá về hiệu quả của vaccine. Đến nay Philippines đã phê duyệt 7 loại vaccine ngừa COVID-19 khác để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, gồm vaccine của các đơn vị sau: Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson (Mỹ), AstraZeneca (Anh), Bharat Biotech (Ấn Độ) và Viện Gamaleya (Nga), Sinovac (Trung Quốc).

Nga

Ngày 28/5, quan chức của AstraZeneca nói với Reuters  rằng, sau khi Ủy ban đạo đức yêu cầu Bộ Y tế Nga cung cấp thêm dữ liệu, Nga đã trì hoãn phê duyệt  các thử nghiệm lâm sàng kết hợp vaccine AstraZeneca và Sputnik V.

Hàn Quốc

Ngày 20/5, Hàn Quốc cho biết sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng, kết hợp các liều vaccine của AstraZeneca với Pfizer và những loại khác giữa lúc nguồn cung bị chậm trễ và lo ngại về an toàn đã làm chậm các nỗ lực tiêm chủng. Nghiên cứu sẽ kiểm tra các tế bào T – tế bào miễn dịch có thể tiêu diệt các tế bào bị nhiễm virus và trung hoà các kháng thể ở những người đã tiêm kết hợp các loại vaccine, giới chức y tế Hàn Quốc cho biết.

Tây Ban Nha

Bộ trưởng Bộ Y tế Tây Ban Nha Carolina Darias, hôm 19/5 cho biết, nước này sẽ cho phép những người dưới 60 tuổi, những người đã được tiêm 1  mũi AstraZeneca trước đó, được tiêm liều thứ hai bằng  vắc xin AstraZeneca hoặc Pfizer. Quyết định này dựa trên kết quả sơ bộ của một nghiên cứu do Viện Y tế Carlos III cho thấy rằng việc kết hợp  vắc xin AstraZeneca với mũi tiêm của Pfizer là an toàn và hiệu quả cao.

Thụy Điển

Ngày 20/4, Cơ quan y tế Thụy Điển cho biết, những người dưới 65 tuổi đã tiêm một mũi vắc xin AstraZeneca sẽ được tiêm một loại vắc xin khác ở  liều thứ hai.

Vương quốc Anh

Ngay từ tháng 1, Vương quốc Anh đã cho phép mọi người được tiêm một loại vắc xin khác cho liều thứ hai trong những trường hợp cực kỳ hiếm, chẳng hạn như nếu vắc xin đầu tiên hết hàng.

Trước đó, các nhà nghiên cứu của  Đại học Oxford đã phát hiện ra việc kết hợp vắc xin ngừa COVID-19 đem lại hiệu quả. Nghiên cứu được công bố vào ngày 12/ 5 cho thấy, những người được tiêm vắc xin Pfizer sau đó là tiêm một liều AstraZeneca, hoặc ngược lại, có  báo cáo các triệu chứng sau tiêm chủng nhẹ hoặc trung bình ít hơn so với những người  nhận được hai liều cùng loại.

Vào ngày 21/5,  Công ty Novavax cho biết  đã tham gia vào một cuộc thử nghiệm vắc xin COVID-19  kết hợp,  nghiên cứu việc sử dụng liều vắc xin từ một nhà sản xuất khác có làm tăng hiệu quả của vắc xin không. Thử nghiệm sẽ bắt đầu vào tháng 6 tại Vương quốc Anh.

Mỹ

Hãng tin CNBC cho biết, ngay từ tháng 1, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã cập nhật hướng dẫn của mình, cho phép kết hợp các mũi tiêm Pfizer / BioNTech và Moderna với khoảng cách ít nhất 28 ngày giữa hai mũi tiêm và có thể kết hợp  trong “các tình huống ngoại lệ ”.

(Theo SKDS)

comment Bình luận

largeer