Các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Phú Yên chủ động ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai ban hành văn bản số 421/VPTT ngày 14/11/2023 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các tỉnh, thành phố Quảng Bình đến Phú Yên về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất.
15/11/2023 07:37

Từ ngày 12-14/11/2023, các tỉnh khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã có mưa to đến rất to, phổ biến từ 200-400mm. Theo tin dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, từ ngày 14-16/11/2023, khu vực miền Trung tiếp tục có mưa to đến rất to, trong đó các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có mưa từ 200-400mm, có nơi trên 600mm. Lũ trên các sông Quảng Nam, Quảng Ngãi đang lên và có khả năng đạt đỉnh ở mức báo động 3 (BĐ); các sông khác khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên ở mức BĐ1-2, có sông trên BĐ2. Nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng các khu vực trũng, thấp, khu đô thị.

Ảnh minh họa: VGP

Ảnh minh họa: VGP

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 17/CĐ-QG ngày 12/11/2023 của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và văn bản số 417/VPTT ngày 11/11/2023 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai.

Theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất; cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân tại nơi sơ tán và khu vực bị ngập lụt kéo dài; kiểm soát, hướng dẫn giao thông, tổ chức lực lượng canh gác và cắm biển cảnh báo tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, nguy cơ cao sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện lưu thông nếu không bảo đảm an toàn; triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho các đối tượng dễ bị tổn thương, giáo viên, học sinh tại các khu vực xảy ra ngập lụt. Chủ động xử lý các khu vực sạt lở gây ách tắc giao thông để đảm bảo thông tuyến và dọn dẹp, vệ sinh môi trường sau khi nước rút.

Vận hành đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Triển khai phương án đảm bảo an toàn các công trình đang thi công, nhất là các công trình trọng điểm, xung yếu hoặc đã xảy ra sự cố do mưa lũ trong thời gian vừa qua.

Tăng cường thời lượng đưa tin về diễn biến mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Đăng Khải

comment Bình luận

largeer