Các y bác sĩ điều trị kịp thời cho bệnh nhân mắc viêm não mô cầu

Vừa qua, tại Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa - Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận bệnh nhân nam với chẩn đoán viêm màng não do não mô cầu.
12/07/2023 10:36

Bệnh nhân vào khoa trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc chậm, sốt cao 38,5 độ C có gai rét. Đau đầu nhiều, đau mỏi toàn thân. Buồn nôn và nôn nhiều, ăn vào lại nôn.

Bệnh nhân được các bác sĩ khám, chẩn đoán điều trị kịp thời. Sau thời gian điều trị và chăm sóc tích cực, hiện tại bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không sốt, không buồn nôn; tai trái ù và giảm thính lực nặng, còn đau nặng đầu…

Theo Đại tá, TS.BS.TTUT Nguyễn Đăng Mạnh - Viện trưởng Viện truyền nhiễm, kiêm Chủ nhiệm Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa (A4B), viêm màng não do não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp, do vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis gây ra. Bệnh xảy ra đột ngột với các triệu chứng như sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cổ cứng, thường có ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước.

Bệnh nhân mắc viêm màng não do não mô cầu điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BVCC (VTV)

Bệnh nhân mắc viêm màng não do não mô cầu điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BVCC (VTV)

Bệnh nhân thường lơ mơ hoặc hôn mê. Có trường hợp biểu hiện mệt lả đột ngột, xuất hiện mảng xuất huyết và sốc. Bệnh hoàn toàn có thể điều trị được. Nếu phát hiện kịp thời, điều trị tích cực, đúng phác đồ thì tỷ lệ khỏi bệnh đạt 85 - 95%.

Bệnh viêm màng não do não mô cầu lây truyền bệnh bằng tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp với các hạt nước miếng bị nhiễm vi khuẩn não mô cầu từ người nhiễm khuẩn sang mũi họng của người cảm nhiễm (sự lây truyền của bệnh qua đồ vật là hiếm xảy ra). Do vậy, bệnh có thể gây thành dịch, để phòng bệnh, cần thực hiện các biện pháp sau:

- Tuyên truyền giáo dục sức khoẻ: Cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh viêm màng não do não mô cầu cho nhân dân, nhất là nơi có bệnh lưu hành, để nhân dân biết phát hiện bệnh sớm, cách ly và cộng tác với ngành Y tế thực hiện phòng chống dịch trong cộng đồng

- Vệ sinh phòng bệnh: Nhà ở, nhà trẻ, lớp học phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Tại nơi có ổ dịch cũ, cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp sốt, viêm hầu họng để theo dõi. Nếu có điều kiện thì ngoáy họng bệnh nhân cũ và những người lân cận để xét nghiệm tìm người lành mang vi khuẩn não mô cầu.

Đối với vụ dịch nhỏ, cần giành một số giường bệnh trong một khu riêng ở khoa lây bệnh viện để cách ly và điều trị bệnh nhân. Nếu có dịch lớn thì có thể thành lập bệnh xá dã chiến trong cộng đồng.

Với bệnh nhân mắc bệnh, phải được cách ly đường hô hấp trong 24 giờ sau khi điều trị kháng sinh. Những thể lâm sàng viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết phải được điều trị trong bệnh viện có đủ điều kiện chuyên môn, kỹ thuật để ngăn ngừa biến chứng và tử vong. Những thể bán lâm sàng, viêm mũi họng… cũng cần được điều trị triệt để tại y tế cơ sở và theo dõi sự diễn biến của bệnh.

Ngăn chặn sự thăm hỏi bệnh nhân, hạn chế hội họp, tụ tập đông người, hạn chế sự đi lại giữa nơi có dịch với nơi khác. Đặt các trạm kiểm soát ra vào vùng dịch và cho uống hóa dược dự phòng...

Theo VTV

comment Bình luận

largeer