Cách ly tại nhà như thế nào?

Bộ Y tế quy định người trở về từ khu cách ly tập trung tiếp tục cách ly tại nhà thêm 14 ngày, không được ra khỏi nhà, nên cách ly ở phòng riêng và vệ sinh mỗi ngày.
09/05/2021 16:25

 Quy định này được đưa ra, khi Việt Nam ghi nhận 3 trường hợp nhập cảnh sau khi kết thúc cách ly mới phát hiện dương tính với nCoV, gây lây nhiễm cộng đồng.

Đầu tiên, người hết cách ly tập trung trở về nhà bằng đường bộ phải đi xe riêng do người hoàn thành cách ly, cơ quan sử dụng người nhập cảnh hoặc chủ cơ sở cách ly tập trung hoặc địa phương bố trí. Tất cả phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn khi lên, xuống xe và trong suốt quá trình di chuyển; cài đặt và mở ứng dụng truy vết (Bluezone) liên tục và áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân, khai báo y tế theo quy định. Hạn chế dừng, đỗ ăn uống dọc đường.

Nếu di chuyển bằng phương tiện vận tải hàng không, tàu, cần thông báo, liên hệ trước với đơn vị vận chuyển về việc người cách ly đã hoàn thành cách ly tập trung để đơn vị vận chuyển biết, có phương án bố trí các biện pháp phòng chống dịch (như vị trí chỗ ngồi, các biện pháp phòng chống lây nhiễm...) khi sử dụng phương tiện.

Cách ly tại nhà như thế nào

Người cách ly phải chủ động thông báo cho cơ quan y tế địa phương nơi lưu trú biết ngay khi trở về từ khu cách ly tập trung, thực hiện khai báo sức khỏe hàng ngày. Sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin, để giám sát việc thực hiện phòng chống dịch trong suốt thời gian tự cách ly theo dõi sức khỏe.

Cam kết không di chuyển hay tụ tập, khác với trước đây cho phép đi học, đi làm, gặp gỡ người khác với điều kiện là phải khai báo y tế và ghi rõ nhật ký tiếp xúc. Trong thời gian tự cách ly, nếu có các dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở, mệt mỏi, ớn lạnh, mất vị giác, cần đến cơ sở y tế ngay.

Trường hợp cần thiết phải di chuyển tới địa phương khác, thì phải báo trước cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố nơi lưu trú, để được theo dõi sức khỏe.

Người cách ly nên cách ly tại phòng riêng, hoặc nằm riêng một góc, cách mọi người trong nhà ít nhất 2 mét. Nên chọn phòng hoặc vị trí cách ly ở cuối chiều gió lưu thông trong nhà, để hạn chế phát tán virus đến các vị trí khác. Phòng mở cửa sổ thoáng, nhiều ánh sáng. Bên ngoài phòng nên có một diện tích trống, để khử khuẩn trước khi đi ra khu sinh hoạt chung.

Những đồ đạc cần chuẩn bị trong phòng gồm giường, bàn ghế, nhà vệ sinh riêng có xà phòng, khăn tắm riêng, giấy vệ sinh, giấy lau tay, túi nilon đựng rác. Trong trường hợp không có nhà vệ sinh riêng, có thể đi vệ sinh chung, nhưng khử khuẩn sau khi người bệnh sử dụng nhà vệ sinh xong.

Nên dùng bát, cốc, đĩa, thìa riêng (hoặc đồ dùng một lần) để ăn uống. Khăn riêng, khẩu trang y tế, thùng rác bọc nilon đựng rác. Chuẩn bị tivi để giải trí, hoặc đồ chơi cách ly cho trẻ nhỏ. Điều khiển tivi, điện thoại di động bỏ trong túi khóa ziplock hoặc túi nilong để diệt khuẩn cho dễ.

Phòng ở của người được cách ly và khu vực sinh hoạt chung tại nơi ở, nơi lưu trú phải vệ sinh khử trùng hàng ngày. Có thể dùng các chất tẩy rửa thông thường, dung dịch khử khuẩn chứa 0,05% Clo hoạt tính đảm bảo thời gian tiếp xúc trên bề mặt là 10 phút, hoặc 0,1% Clo hoạt tính đảm bảo thời gian tiếp xúc trên bề mặt là một phút, hoặc chứa ít nhất 60% cồn. Dùng giẻ hoặc khăn lau bằng nước sạch trước, sau đó lau bằng chất tẩy rửa hoặc dung dịch khử khuẩn theo nguyên tắc, lau từ chỗ sạch đến chỗ bẩn, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. 

PHAM4349JPG1-1584197342-6002-1-6841-5527-1620224786

Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch hoặc nước sát khuẩn tay để bảo vệ sức khỏe, phòng Covid-19. Ảnh: Ngọc Thành

Riêng trẻ nhỏ cần có một người khỏe mạnh chăm sóc và giám sát trẻ trong suốt thời gian thực hiện cách ly, không để người già ở cùng nhà với trẻ. Người chăm sóc trẻ không được ra khỏi phòng cách ly, không tiếp xúc thành viên trong gia đình, người ngoài hoặc vật nuôi, có suất ăn riêng.

Người chăm sóc trẻ phải có đủ phương tiện phòng hộ cá nhân phòng, chống lây nhiễm để sử dụng khi cần thiết như khẩu trang y tế, găng tay y tế, giày, kính bảo hộ, áo quần.

Thường xuyên vệ sinh khử khuẩn quần áo, đồ dùng của trẻ và người chăm sóc. Riêng quần áo của trẻ và người chăm sóc cần được giặt riêng, tốt nhất là giặt ngay trong phòng cách ly. Trước khi giặt, ngâm quần áo với xà phòng giặt trong tối thiểu 20 phút và sử dụng máy giặt có chế giặt ở nhiệt độ 60 đến 70 độ C. Sau đó, phơi quần áo tại nơi riêng, có nhiều ánh nắng.

Theo quy định, người cách ly tại nhà được lấy mẫu xét nghiệm nCoV vào ngày thứ 7 (tính từ ngày kết thúc cách ly tập trung). Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, tiếp tục theo dõi sức khỏe cho đến khi đủ 14 ngày; nếu kết quả xét nghiệm dương tính, cách ly ngay tại cơ sở y tế.

Đồ dùng khi cách ly

Người chăm sóc cần chuẩn bị đồ sát khuẩn dung dịch xịt khuẩn clo có hoạt tính 0,5% vào nhà vệ sinh, khu vực thay quần áo bảo hộ, cồn 60-70% trở lên để khử khuẩn đồ dùng bằng da, kim loại. Xà phòng, nước sạch và giấy để lau khô tay. Dung dịch rửa tay khô có cồn từ 60-70 độ trở lên.

Nên trang bị thêm kính bảo hộ, găng tay y tế, khẩu trang, quần áo 3M bảo hộ có mũ, ủng bảo hộ, nước Javen 0,5% để lau chùi bề mặt sàn và các vật dụng sinh hoạt; chlorin hoặc chloramin B để khử khuẩn các dụng cụ đựng chất dịch tiết của người cách ly, túi nilon đựng rác thải...

Người chăm sóc người cách ly cần làm gì

Người thân cần đo thân nhiệt cho người cách ly 2 lần một ngày, hỏi tình trạng sức khỏe của người bệnh hoặc nghi bệnh, động viên và nấu ăn với chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng.

Khi ra khỏi phòng cách ly, người chăm sóc để nguyên găng tay, rửa tay bằng nước rửa tay khô rồi tháo bỏ lớp găng tay số một (bên ngoài). Tiếp tục rửa tay sau khi tháo lớp găng tay. Cởi bỏ tất cả đồ bảo hộ, tiệt trùng trước khi mang ra khỏi phòng cách ly. Quần áo người cách ly nên giặt tay, không nên giặt máy. Thường xuyên liên hệ với bác sĩ để báo cáo tình hình và xin lời khuyên.

 Bùi Phúc (Theo vnexpress)

comment Bình luận

largeer