Cách phòng, chống thiên tai tốt nhất chính là nhận thức và ý thức của con người

Trong điều kiện ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và những thiệt hại do thiên tai gây ra trong những tháng đầu năm 2021 với những con số lo lắng.
11/06/2021 19:18

Tại Hội nghị trực tuyến về Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2021 do Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai vừa tổ chức, các cơ quan hữu trách đã đưa ra cảnh báo, năm nay, nắng nóng, xâm nhập mặn, bão lũ được dự báo tương đương trung bình nhiều năm, cần chủ động ứng phó với thiên tai dị thường.                                             

Đáng chú ý, từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước đã xảy ra 53 trận động đất nhẹ, 105 trận mưa đá, dông lốc, 5 đợt không khí lạnh, gió mùa, 11 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó 2 trận lũ ống, lũ quét và 21 vụ sạt lở bờ sông. Tính đến hết tháng 5/2021, thiên tai đã làm 21 người chết, 29 người bị thương, trên 4,3 ngàn căn nhà bị sập đổ, hư hỏng; gây thiệt hại trên 32 ngàn ha lúa, hoa màu... Ước tính, giá trị thiệt hại về kinh tế khoảng 119 tỷ đồng.

715

Ảnh minh họa

Tác động của thiên tai gần đây, kết hợp với dịch COVID-19 đã cho thấy rằng, các gia đình và các cộng đồng dễ bị tổn thương có khả năng bị tác động cao hơn và phục hồi chậm hơn.

Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT) dự báo, thiên tai từ nay đến cuối năm tiếp tục diễn biến phức tạp, bất thường, khó lường và có chiều hướng cực đoan hơn. Dự báo mùa mưa sẽ đến sớm, đầu mùa từ tháng 6 đến đầu tháng 8, tập trung tại khu vực phía Bắc và giữa biển Đông, khu Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng. Từ tháng 9, bão sẽ hoạt động nhiều hơn khu vực Trung Bộ và Nam Trung Bộ kéo dài xuống phía Nam. Cả nước sẽ có từ 12 - 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền từ 5 - 7 cơn. Cần đề phòng các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp trong năm 2021. Mùa khô 2020 - 2021, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm…

Phải khẳng định rằng, những dự báo, cảnh báo thiên tai của ngành Khí tượng thủy văn rất kịp thời và quan trọng là cơ sở để các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương chủ động đề ra các kịch bản ứng phó hiệu quả nhằm hạn chế những rủi ro, thiệt hại về người và vật chất. Song, nhìn nhận thực tế, dù cho công tác dự báo có đúng hướng, nhưng một khi những hệ lụy của bão và sức chống chọi của người dân còn chưa cao, thì mức thiệt hại về người và tài sản vẫn vô cùng lớn. Người làm dự báo khó có thể yên lòng!

Trong khi đó, chúng ta còn chậm trễ đổi mới tư duy, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, nhanh chóng. Những hiện tượng thiên nhiên “hiếm gặp” ngày càng “dễ gặp” nhiều hơn; mưa - nắng năm nào cũng lập kỷ lục mới với thiệt hại nghiêm trọng hơn.

Người dân đã làm quen với những cụm từ như: “Sống chung với lũ, sống chung với hạn mặn...” Nhưng nếu không thay đổi, không bắt tay vào tự cứu mình bằng những hành động thiết thực và đơn giản như không xả rác bừa bãi, nói không với đồ nhựa dùng một lần cho tới những việc lớn hơn là bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên thay vì đổ lỗi cho thiên tai, sẽ đến lúc nào đó không phải là sống chung mà chúng ta sẽ bị nhấn chìm bởi lũ, bởi rác, bởi ô nhiễm.

Chính vì thế, cách phòng, chống thiên tai tốt nhất chính là nhận thức và ý thức của con người. Không thể phát triển bằng mọi giá, đánh đổi thiên nhiên lấy kinh tế, vì đó là phát triển không bền vững. Nhận thức này phải được quán triệt từ khâu hoạch định chính sách, pháp luật đến các biện pháp bảo đảm thực thi trong thực tế.

 Phải tạo ra một ý thức xã hội là bảo vệ môi sinh, gìn giữ môi trường sống, gìn giữ và phục hồi màu xanh của rừng, sự trong lành của các dòng sông, của bầu khí quyển Trái đất.

Phương Thảo (Theo Tài nguyên và môi trường)

comment Bình luận

largeer