Cần xử lý nghiêm khách sạn TOP Hotel Hữu Nghị bị tố 'chặt chém' người cách ly

Theo Hoàng Tùng, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tất cả mọi người đều ảnh hưởng, vì vậy khách sạn phải chung tay cùng cộng đồng, không thể lợi dụng "chặt chém".
By Nhất Nam/ Sức Khỏe Cộng Đồng
11/05/2021 08:42
Khách sạn TOP Hotel Hữu Nghị bị tố 'chặt chém' người cách ly.

Khách sạn TOP Hotel Hữu Nghị bị tố 'chặt chém' người cách ly.

Vụ việc khách sạn Top Hotel Hữu Nghị (188 Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị tố "chặt chém", thu phí cách ly quá cao, dịch vụ không tương xứng, ghi chi tiền cho Công an, y tế chống dịch... đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Không bàn đến câu chuyện khách sạn này ghi thu phí người cách ly để chi cho Công an, y tế và lực lượng phòng dịch, mà bàn đến giá cả và dịch vụ tại khách sạn đã khiến nhiều người bức xúc. Bởi ngay sau khi người dân "tố cáo", báo chí vào cuộc thì khách sạn này lập tức giảm giá từ 1,2 - 1,7 triệu đồng/ngày về chỉ còn 900 nghìn đồng/ngày.

Vậy câu hỏi đặt ra rằng "nếu người cách ly không tố cáo, báo chí không vào cuộc thì khách sạn có chủ động giảm giá? Và tại sao không niêm yết công khai từng danh mục dịch vụ? Tại sao giá giảm còn 1/2?" - đây là những câu hỏi cần cơ quan chức năng điều tra làm rõ bởi trong lúc dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành, diễn biến phức tạp thì tất cả người dân, tất cả ngành nghề đều ảnh hưởng.

Bên trong phòng cách ly của khách sạn Top Hotel Hữu Nghị thu phí cách ly 1,7 triệu đồng/ngày.

Bên trong phòng cách ly của khách sạn Top Hotel Hữu Nghị thu phí cách ly 1,7 triệu đồng/ngày.

"Ngành khách sạn cũng vậy, khách sạn Top Hotel Hữu Nghị may mắn khi được chọn làm điểm cách ly bởi lẽ trên địa bàn TP Hà Nội có rất nhiều khách sạn phải "đóng cửa", thậm chí rao bán vì ế khách dịp này.

Vậy nhưng, thay vì chung tay cùng cộng đồng, khách sạn này lại thu phí với giá như trên, trong khi đó những dịch vụ thì chưa tương xứng", anh Quang một bạn đọc bày tỏ.

Công an khẳng định không hưởng tiền - khách sạn đổ do lỗi đánh máy

Lãnh đạo Công an quận Nam Từ Liêm khi trao đổi với báo chí khẳng định, không có chuyện bất kỳ lực lượng chức năng nào nhận một đồng, một nghìn từ khách sạn về việc cách ly này như trong thông báo mà khách sạn viết.

Lãnh đạo UBND quận Nam Từ Liêm cũng bác bỏ việc lực lượng chức năng nhận tiền phòng chống dịch.

Bảng giá chi phí tại khách sạn có đóng dấu - do người dân cung cấp.

Bảng giá chi phí tại khách sạn có đóng dấu - do người dân cung cấp.

Trong khi đó, Quản lý khách sạn Top Hotel Hữu Nghị (Hà Nội) phân trần, việc thu phí “cơ quan chức năng y tế, công an phòng chống dịch, an ninh trực” của người cách ly là do hiểu nhầm, nhân viên đánh máy diễn đạt không chính xác.

Đại tá Nguyễn Thành Long - Trưởng Công an Q.Nam Từ Liêm khẳng định: "Toàn bộ các chiến sĩ công an quận và các lực lượng khác đang ngày đêm phòng chống dịch cũng không nhận bất kể một đồng nào kinh phí từ các cơ sở kinh doanh lưu trú cho người cách ly trên địa bàn".

Cần điều tra, xử lý nghiêm

Trao đổi với PV, luật sư Hoàng Tùng (Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa -Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay: việc thực hiện cách ly y tế đối với những người từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam là bắt buộc và được lựa chọn nơi tiến hành thực hiện cách ly.

Trường hợp người nhập cảnh vào Việt Nam có nhu cầu thực hiện cách ly tại khách sạn, resort, cơ sở khác được chọn làm nơi cách ly tập trung và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, cá nhân tự chi trả các chi phí về ăn, ở, sinh hoạt trong thời gian cách ly cho khách sạn, resort, cơ sở khác theo mức giá do khách sạn, resort, cơ sở khác quy định.

"Ngân sách nhà nước chi trả các chi phí gồm: khử trùng, diệt khuẩn, hỗ trợ cho lực lượng làm công tác bảo vệ, bảo đảm an ninh, trật tự và chi phí khác theo quy định của pháp luật tại khách sạn, resort, cơ sở khác được chọn làm nơi cách ly tập trung. Do đó, các loại phí như phí cơ quan chức năng y tế, Công an phòng chống dịch... mà khách sạn liệt kê là các loại phí không đúng quy định của pháp luật" – luật sư Tùng nhận định.

Luật sư Hoàng Tùng (Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa -Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Luật sư Hoàng Tùng (Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa -Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Luật sư Hoàng Tùng đặt câu hỏi: "Mặc dù phía lãnh đạo, quản lý của khách sạn đã giải thích như trên nhưng liệu giải thích này là sự thật hay chỉ là sự biện minh khi sự việc được tố giác ra bên ngoài? Các khoản phí này không được liệt kê cụ thể là bao nhiêu tiền cho từng loại phí? Điều này thể hiện sự không minh bạch trong quá trình thu tiền của khách sạn. Có dấu hiệu của việc lợi dụng tình trạng dịch bệnh cũng như các quy định của nhà nước để trục lợi.

"“Trường hợp nếu người bị cách ly không thắc mắc hoặc không cung cấp được thông tin cho báo chí để phản ánh, số tiền nêu trên đã thu có đúng với quy định hay không? Hay người dân phải ngậm ngùi chi trả số tiền "cắt cổ" nêu trên” – luật sư Hoàng Tùng nói và cho rằng, cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để xác minh sự việc nêu trên.

Số tiền trên là chi những khoản nào? Liệu có hành vi lừa dối khách hàng hay không?Trường hợp có vi phạm cần xử lý nghiêm khắc hành vi này, nếu thấy cần thiết cũng cần xem xét việc tước giấy phép kinh doanh, hoạt động của khách sạn này.

Trong khi đó, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, có thể có khoản thu sai quy định của cơ quan chức năng phòng chống dịch hoặc có gian dối trong hoạt động kinh doanh của khách sạn Top Hotel Hữu Nghị chứ không đơn giản là lỗi đánh máy.

Cơ quan chức năng cần làm rõ để có kết luận cuối cùng, tránh mất uy tín của lực lượng chức năng chống dịch, gây hiểu lầm đối với những người cách ly và xã hội.

Suất ăn của người cách ly tại khách sạn thu phí 1,7 triệu đồng/ngày.

Suất ăn của người cách ly tại khách sạn thu phí 1,7 triệu đồng/ngày.

Trong thông báo có đóng dấu của khách sạn này ghi rất rõ trong các khoản tiền mà người cách ly phải chi trả có một khoản là: “ Chi phí cho cơ quan chức năng y tế, công an phòng chống dịch, an ninh trực 24/24 (vì là khách sạn cách ly tự chi trả)”.

Khoản tiền này có giải thích trong ngoặc đơn và có chữ ký đóng dấu của cơ sở lưu trú. Bởi vậy, nói rằng đây là nhầm lẫn, lỗi đánh máy là không thuyết phục. Đây là các khoản kê làm cơ sở để thỏa thuận, thu phí cách ly y tế của những trường hợp bắt buộc phải cách ly y tế theo quy định.Đáng chú ý, khi cơ quan chức năng vào cuộc, cơ sở lưu trú đã giảm khoản phí này (thừa nhận khoản khí này nào do sai sót, lỗi đánh máy) và giảm giá dịch vụ từ 1.700.000 xuống còn 900.000 đồng.

Như vậy, cần phải làm rõ trong khoảng thời gian trước đây cơ sở lưu trú này có chi phí khoản tiền nào cho tổ chức, cá nhân nào hay không, cụ thể khoản chi phí đó là gì ? để có căn cứ xem xét có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm trong việc thu chi, sử dụng tiền trong phòng chống dịch hay không?

Nếu có sai phạm của tổ chức, cá nhân nào thì phải xử lý sai phạm theo quy định của pháp luật. Trường hợp không có sai phạm mà cơ sở lưu trú này lợi dụng uy tín, danh nghĩa của cơ quan tổ chức phòng chống dịch bệnh để thu lợi bất chính từ người phải cách ly y tế, cần phải buộc cơ sở lưu trú này trả lại tiền cho những người cách ly y tế.

Cơ quan chức năng cần phải kiểm tra làm rõ căn cứ thu tiền, việc sử dụng số tiền thu về khoản này như thế nào để có kết luận đúng đắn, chính xác, kịp thời, đảm bảo tính công bằng, minh bạch. 

comment Bình luận

largeer