Cảnh giác với những phương pháp dân gian điều trị hen suyễn kẻo tiền mất tật mang.

Tính tới thời điểm hiện tại vẫn không có thuốc nào trị dứt gốc bệnh hen suyễn, vì thế mọi người cần cẩn trọng, cảnh giác với những lời quảng cáo về thuốc trị hen suyễn hay những bài thuốc điều trị dân gian không rõ nguồn gốc.
18/01/2021 11:57

Giã nhuyễn thằn lằn núi... ép con ăn

Đưa con đi trị hen suyễn nhiều nơi không khỏi, chị T.T.G. (27 tuổi, ở Tây Ninh) nghe lời người chú họ đi bắt thằn lằn núi, giã nhuyễn với tía tô rồi cho bé N.T.B. (8 tuổi, con trai chị G.)… ăn sống để trị bệnh. Bé B. sợ hãi không dám ăn, mong con khỏi bệnh, chị G. nói bé chỉ cần ăn 1 muỗng cà phê để làm quen vị. Năn nỉ con mãi không được, chị cùng chồng đè ép bé B. ăn. 

Quá sợ hãi, bé B. quấy khóc rồi lên cơn hen suyễn. 2 ngày sau, chị G. xay nhuyễn hỗn hợp này, thêm đường và chanh cho bớt tanh, chị nói với con trai là… sinh tố. Tuy nhiên, bé B. vừa uống vào 1 ngụm lập tức khó thở, mệt, rồi lịm đi. 

“Tôi sợ quá ẵm con đến trạm xá, nơi đây chuyển cháu đến một bệnh viện tư. Sau đó nơi đây đặt ống thở, đưa con trai tôi đến Bệnh viện Nhi đồng 1 cấp cứu. Bác sĩ nói bé hen suyễn, dị ứng với một trong các thành phần đồ ăn mà tôi làm bị sốc phản vệ gì đó. May quá, cháu được cứu kịp”, chị G. hối hận.

Theo chị G., người chú họ đã qua nhà xin lỗi và phụ một phần tiền thuốc nhưng chị không nhận, chú của chị chỉ muốn tốt cho bé B. Chị nói: “Chú tôi cũng bị hen suyễn. Có ông thầy ở gần núi Bà Đen lấy thằn lằn núi trị cho chú tôi. Hơn một năm nay chú không bị lên cơn hen nữa nên chú trị lại cho con tôi. Chắc nó còn nhỏ không trị theo cách này được”.

Hay như chị P.T.H. (34 tuổi, ở Tiền Giang), suốt nhiều năm qua, chị khổ sở đưa con gái P.T.K.A. (4 tuổi) vào ra các bệnh viện ở tỉnh điều trị hen suyễn mà không khỏi. Chị H. nói từ khi được sinh ra, bé A. thường xuyên khò khè, thở hắt, ho đến tím tái… Bệnh viện địa phương chẩn đoán bé viêm phổi, theo dõi bệnh tim. 

Đến khi bé A. hơn 1 tuổi, bé ho nhiều hơn. Chị H. đưa con đi bác sĩ tư, bé được chẩn đoán viêm phế quản và mua thuốc uống. “Lúc uống thuốc bé đỡ ho hơn, hết thuốc bé ho tái đi tái lại nhiều lần, có lúc ho vật vã từng cơn, thở gấp, đổ mồ hôi. Nhất là khi chơi với gấu bông. Tôi tìm hiểu trên mạng nghĩ nhiều đến con bị dị ứng bụi vải nên không cho bé chơi gấu bông nữa”, chị H. nói.

“Kiêng” gấu bông cho con, chị H. theo dõi thấy bé đỡ ho nhưng hơi thở vẫn cảm giác nặng nề, hay khò khè, càng về đêm, bé càng ho nhiều. Chị đưa bé đi một bệnh viện nhi tại TPHCM khám bệnh. Bác sĩ chẩn đoán bé bị hen suyễn, trào ngược dạ dày, cho thuốc về uống. Hết thuốc bé vẫn mệt trở lại.

Gần đây, bé A. lên cơn hen suyễn thấy rõ, tần suất cơn hen ngày một nhiều, chị tiếp tục đưa bé đến Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 kiểm tra. Sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm về chức năng hô hấp, bác sĩ phát hiện bé A. bị hen suyễn độ 3. Bác sĩ hướng dẫn chị H. về thuốc và cách ngừa cơn hen cho con, hẹn tái khám theo chỉ định.

Thấy các cơn hen của bé A. được khống chế rõ rệt, chị H. liền đưa toa thuốc cho chị hàng xóm kế bên nhà. Con trai của chị này cũng được bác sĩ ở bệnh viện huyện chẩn đoán hen khi bé 3 tuổi.

Chị nói: “ Tôi thấy bé trạc tuổi con tôi, nhà bé khó khăn, không có điều kiện lên thành phố khám bệnh. Tôi đưa toa thuốc của con mình để mẹ bé mua thuốc cho bé. Mấy ngày đầu bé giảm bệnh hẳn. Không ngờ khoảng hơn 3 tuần sử dụng, bé bị lên cơn hen cấp. May mắn bác sĩ địa phương cấp cứu kịp”.

 
bac-si-het-hon-voi-nhung-_391610423302
Các bé cần được kiểm tra, đánh giá hô hấp, tìm nguyên nhân hen suyễn trước khi điều trị

Nhiều nơi quảng cáo trị dứt gốc hen suyễn là "hoang tưởng"

Khi bé A. trở lại Phòng khám Đại học Y Dược 1 TPHCM tái khám, chị H. hỏi PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan – Trưởng khoa Hô hấp, Chủ tịch Hội Hen - dị ứng - miễn dịch lâm sàng TPHCM, về trường hợp của bé trai hàng xóm. 

“Nghe chị ấy kể lại mà tôi hết hồn. Trước đây cũng có trường hợp bệnh nhân cho toa thuốc nên tôi đã dặn đi dặn lại chị không được đưa đơn thuốc cho ai, nguy hại lắm. Vậy mà sự việc vẫn xảy ra, khi chị nói lý do, tôi không nỡ giận nhưng rất lo lắng. Thương người là tốt, nhưng phải đúng cách. Nếu không, chính tình thương đó sẽ nguy hại đến trẻ, hối hận cũng không kịp”, bác sĩ Lan nói.

Theo bác sĩ Lan, không chỉ riêng bệnh hen suyễn, bất kỳ bệnh nào cũng vậy, dùng chung toa thuốc rất nguy hiểm. Bởi chữa bệnh là điều trị cá thể, không phải ai cũng giống nhau ở thể trạng, loại bệnh và mức độ nặng của bệnh...

Nếu gặp trường hợp bệnh nhân có cơ địa dị ứng một số thành phần của thuốc có thể dẫn đến sốc phản vệ, tử vong tức thì.

Trong hen suyễn, trước khi điều trị, ngoài thăm khám, đánh giá bệnh nhân theo thang bậc từ 1 đến 4 để có liệu trình chữa trị phù hợp. Bác sĩ còn phải tìm cho ra tác nhân gây dị ứng, kích thích hen của người bệnh. Chưa kể đến trẻ có những bệnh lý đi kèm như viêm mũi dị ứng, trào ngược dạ dày, nhất là dị ứng thuốc. 

Xài chung toa thuốc trong khi mức độ bệnh, thể trạng, bệnh nền… không giống nhau sẽ đối diện nguy cơ biến chứng gan, thận, suy hô hấp… Chưa kể, trẻ còn dễ bị thấp bé, nhẹ cân, ảnh hưởng đến cả tương lai sau này. 

Bác sĩ Lan lưu ý: “Tôi thường nhắc đi nhắc lại với bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân là hen suyễn tới thời điểm này không có thuốc nào trị dứt gốc. Điều đó có nghĩa bệnh nhân phải tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ. Tuyệt đối không mua thuốc gia truyền, thuốc không rõ nguồn gốc, mẹo dân gian. Đặc biệt, gần đây có nhiều quảng cáo cam đoan trị dứt gốc bệnh suyễn là không có thật. 

Hầu hết bệnh nhân điều trị sai cách bị biến chứng rất nặng nề, nhất là thuốc tễ, cây thuốc, thuốc uống theo thang không rõ nguồn gốc. Khi bệnh nhân đến khám, chúng tôi nhận thấy trong thuốc của họ uống thành phần chứa rất nhiều corticoid. Hậu quả, trẻ bị loãng xương, mất protein, loét dạ dày, cao huyết áp, đục thủy tinh thể; thậm chí tử vong do rơi vào hen cấp tính”.

Theo PN TP.HCM

 

comment Bình luận

largeer