Cao răng là gì? Tác hại của cao rằng

Cao răng (vôi răng) là mảng bám đã được vôi hóa bởi hợp chất muối calcium phosphate trong nước bọt. Mảng bám cần tồn tại trong miệng khoảng 1 tuần để chuyển hóa thành cao răng.
10/11/2020 14:57

Sau khi ăn khoảng 15 phút sẽ hình thành một lớp màng vô khuẩn trên bề mặt răng. Sự hình thành và xuất hiện màng vô khuẩn này giúp các vi khuẩn có chỗ bám trên bề mặt răng. Qua một thời gian ngắn, vi khuẩn tích tụ ngày càng dày lên và hình thành mảng bám. 

Có một nghiên cứu cho thấy khoảng 70% trọng lượng mảng bám là vi khuẩn, tức trong 1mg mảng bám (bằng kích thước đầu tăm) chứa tới một tỉ vi khuẩn. Khi mảng bám, cao răng được tích tụ ngày càng nhiều cũng đồng nghĩa với vi khuẩn sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn.

cao rang

Ở giai đoạn còn là mảng bám, chúng ta có thể làm sạch chúng bằng bàn chải hoặc chỉ nha khoa. Nhưng khi tồn tại lâu, mảng bám vôi hoá bởi hợp chất muối vô cơ trong nước bọt và nhiều yếu tố khác trở nên cứng hơn, bám rất chắc vào bề mặt răng hoặc dưới lợi, lúc này, mảng bám đã tiến triển thành cao răng (vôi răng).

Cao răng có hai loại: Cao răng thường và cao răng huyết thanh.

Cao răng thường (cao răng nước bọt) thường bám trên mặt răng, kẽ răng và ở trên lợi. Chúng thường có màu vàng nhạt, nâu vàng hoặc nâu đỏ do các muối calci trong nước bọt lắng đọng trên mảng bám.

Cao răng huyết thanh thường bám trên mặt răng, kẽ răng và ở dưới lợi. Chúng có màu đen và rất cứng. Chúng được tạo thành bởi lợi viêm gây chảy máu, phần huyết thanh dính trong máu bám vào cao răng nước bọt tạo điều kiện cực kỳ thuận lợi cho vi khuẩn tích tụ dày thêm. Cao răng loại này thường gây viêm lợi nặng. Loại này bạn khó nhìn thấy bằng mắt.

Cao răng có thể dẫn đến các bệnh như viêm lợi với các biểu hiện đánh răng chảy máu, miệng có mùi hôi. Cao răng cũng có thể gây viêm nha chu dẫn đến tiêu xương làm răng bị đau, ê buốt khi ăn uống, nặng hơn có thể gây lung lay và rụng răng.  Vi khuẩn trong mảng cao răng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh ở niêm mạc miệng (viêm niêm mạc miệng, áp-tơ mà dân gian vẫn gọi là bệnh lở miệng), bệnh ở vùng mũi họng (viêm amidan, viêm họng), bệnh tim mạch.

Những lớp vôi cứng dính chặt vào nướu và chân răng, thậm chí là dưới nướu sẽ là cơ hội cho vi khuẩn tiến hành phá hủy lớp men răng tự nhiên, gây ra những lỗ sâu li ti trên bề mặt răng, nếu sâu răng nghiêm trọng sẽ có thể làm tổn thương đến tủy bên trong, gây viêm tủy, hoại tử tủy…

Cao răng rất dễ nhận biết bằng mắt thường. Nếu bạn nhận thấy những mảng bám mềm hoặc cứng quanh nướu và chân răng có màu vàng, nâu đỏ hoặc đen, hơi thở có mùi hôi khó chịu, nướu bị sưng…sẽ là những thông báo về vấn đề sức khỏe răng miệng . Lúc này. bạn cần gặp nha sỹ để được giúp đỡ. Bởi nếu lâu dài, bệnh lý sẽ trở nên nghiêm trọng, mất răng và việc điều trị sẽ rất phức tạp và tốn kém.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo nên đi lấy cao răng định kỳ 3-6 tháng/ lần, vệ sinh răng miệng sạch sẽ để không bị biến chứng các bệnh về răng miệng.

Dương Nhung (tổng hợp)

 

comment Bình luận

largeer