Cây sau sau và 5 bộ phận được dùng làm thuốc

Sau khi khai thác rừng, một trong những loài cây được “tiên phong” trồng lại chính là sau sau và đây cũng là loại cây có nhiều công dụng làm thuốc đáng ghi nhận.
04/01/2024 18:26

Trên thực thế, cây sau sau còn được gọi bằng nhiều tên khác như sau trắng, phong hương, lau thau, cây thau, cổ yếm, bạch giao,… và có tên khoa học là Liquidambar formosana.

Lá non của cây sau sau có màu hồng sẫm, phiến lá chia làm ba và có lá kèm. Quả của cây có dạng hình cầu, hạt hình bầu dục và có nhiều vòi nhụy lởm chởm.

Vào mùa khô, lá cây sẽ đổi màu và rụng dần.

sausau

Lá sau sau non (Ảnh: Caythuoc.org)

Công dụng làm thuốc của quả sau sau

Quả cây sau sau còn được gọi là “lộ lộ thông”, có mùi thơm đặc trưng và có vị đắng, tính bình.

Trong y học cổ truyền, quả sau sau thường được dùng với các công dụng như:

- Làm thông kinh lạc.

- Điều trị phong thấp và xương khớp đau nhức.

- Giúp lợi thủy, điều trị tiểu tiện khó.

- Điều trị thủy thũng đầy trướng.

- Điều trị thiếu sữa.

Cách dùng: Mỗi ngày, lấy từ 3 – 10g quả, sắc lấy nước uống. Riêng với chứng chân tay co quắp, lưng gối đau, phong thấp hay tê buốt toàn thân thì ta cũng có thể dùng 20g quả sau sau nấu cùng 20g lõi thông (tức vị thuốc tùng tiết) rồi chắt lấy nước uống.

Đối tượng cần tránh: Phụ nữ mang thai không được dùng các bộ phận từ cây sau sau vì sẽ ảnh hưởng đến thai nhi.

Công dụng làm thuốc của lá sau sau

Lá sau sau được gọi là phong hương thụ diệp và có vị đắng, tính bình. Thông thường, dân gian dùng lá sau sau làm thuốc ngoài da để điều trị chàm và mẩn ngứa.

Bên cạnh đó, lá cây cũng được nấu uống với các công dụng sau:

- Giúp thanh nhiệt.

- Điều trị viêm ruột.

- Giúp cầm máu.

- Điều trị chảy máu cam và thổ huyết.

- Điều trị kiết lỵ.

- Điều trị chứng đau vùng thượng vị.

Cách dùng: Mỗi ngày sắc uống từ 15 – 30g lá cây.

Công dụng làm thuốc của nhựa cây sau sau

“Bạch giao hương” chính là tên gọi khác của nhựa cây sau sau và là vị thuốc khai uất, thông khiếu khá nổi tiếng (nhờ có vị cay, tính ấm). Không chỉ thế, nhựa cây còn được dùng với nhiều công dụng như:

- Giúp hoạt huyết trong trường hợp đòn ngã tổn thương (tụ máu bầm).

- Điều trị ho đàm do trúng phong (giúp khư đàm).

- Điều trị kinh giản.

- Điều trị chảy máu cam, nôn và khạc ra máu.

- Giúp giảm đau, giảm nhức răng.

Cách dùng: Mỗi ngày lấy một lượng thật nhỏ từ 1,5 – 3g nhựa cây, giã mịn như bột rồi chiêu với nước và uống (lưu ý không dùng quá liều).

Ngoài ra, nếu bị vết thương chảy máu ngoài da, bạn có thể lấy nhựa cây bôi lên để cầm máu. Nếu bị mụn nhọt sưng lở hoặc phong thấp sưng đau, bạn cũng có thể lấy 40g nhựa sau sau, 10g sáp ong, 10g dầu mè và 40g nhựa thông, tất cả nấu lên cho chảy loãng ra rồi tắt bếp, để nguội và khuấy đều, sau đó lấy một ít tra lên giấy rồi dán lên da.

Công dụng làm thuốc của rễ và vỏ cây sau sau

Rễ cây sau sau (còn được gọi là phong hương thụ căn) là vị thuốc có tính ấm, giúp giảm đau và điều trị đau thấp khớp rất tốt (bằng cách nấu lấy nước uống từ 15 – 30g mỗi ngày).

Vỏ cây sau sau (còn được gọi là phong hương thụ bì) thường được nấu lấy nước tắm để điều trị mẩn ngứa, nổi mề đay và lở ngứa (dạng ngứa ngoan cố mãi không hết).

Lưu ý: Vỏ cây có vị cay và hơi độc, vì vậy chỉ nên dùng ngoài da.

Các nghiên cứu về cây sau sau

Hoạt tính chống oxy hóa: Theo Tạp chí Medicinal Chemistry Research, kết quả nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy chiết xuất từ lá cây sau sau có tác dụng chống oxy hóa đáng kể (chiết xuất ethanolic là mạnh nhất, sau đó đến chiết xuất nước và chiết xuất axeton).

Hoạt tính chống tiểu đường: Theo Tạp chí South African Journal of Botany, kết quả nghiên cứu cho thấy trong lá sau sau có các hoạt chất chống oxy hóa và hạ đường huyết, vì vậy, chúng được xem là có tiềm năng làm sản phẩm thay thế chống lại bệnh tiểu đường (cũng như các biến chứng của bệnh tiểu đường).

Hoạt tính kháng khuẩn: kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất nước từ lá sau sau có hoạt tính kháng khuẩn, giúp chống lại các chủng vi khuẩn như: S.aureus, S.epidermidis, S.flexneri, Salmonella Typhi và P.aeruginosa.

Thông tin thêm

Cây sau sau là một trong những loại cây công trình được ưa thích vì nó dễ trồng, ưa sáng, chịu được nắng nóng, đất khô cằn cũng như những đặc trưng của khí hậu Việt Nam. Trên thế giới, loài cây này được trồng nhiều ở Trung Quốc.

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer