Châu Á chạy đua phát triển vaccine COVID-19

Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đang đẩy nhanh tốc độ phát triển vaccine COVID-19 "nhà trồng" trước sức ép nguồn cung.
27/05/2021 22:14

 Chính phủ Hàn Quốc ngày 26/5 thông báo người đã tiêm ít nhất một mũi vaccine COVID-19 có thể ra công viên và đường phố không cần mang khẩu trang. Tuy nhiên, quy định chống dịch vẫn yêu cầu người dân mang khẩu trang khi ở trong môi trường phòng kín.

Biện pháp mạnh tay sẽ được duy trì đến khi cả nước đạt miễn dịch cộng đồng, một mục tiêu được đánh giá là còn khá xa đối với cuộc chiến chống COVID-19 ở xứ sở kim chi. Hàn Quốc mới tiêm ngừa COVID-19 đủ hai mũi cho khoảng 3,6% dân số và một mũi cho khoảng 7,5%.

Khó khăn tương tự đang diễn ra ở Đài Loan, nơi từng là hình mẫu chống dịch cho thế giới. Hòn đảo không thể tăng tốc chương trình chủng ngừa COVID-19 do thiếu nguồn cung. Trong khi đó, nỗ lực phát triển vaccine nội địa chưa tiến triển đáng kể. Giữa lúc tiêm ngừa chưa đạt quy mô hiệu quả, dịch COVID-19 lại tái bùng phát đáng lo ngại ở hòn đảo từ giữa tháng 4. Trong gần hai tuần qua, Đài Loan liên tục ghi nhận hơn 100 ca nhiễm mới mỗi ngày

a1

Quân nhân Đài Loan chuẩn bị phun khủ trùng trước bệnh viện đa khoa thành phố Đào Viên vào ngày 19/1.

Chính phủ Nhật Bản cũng đối diện chỉ trích về việc chậm trễ phát triển vaccine COVID-19 nội địa. Trước sức ép trong nước, ngày 25/5, một ủy ban tư vấn chính phủ nhiều sức ảnh hưởng đã đệ trình hàng loạt kiến nghị củng cố năng lực phát triển vaccine của nước này.

Tokyo, Đài Bắc và Seoul đều đặt mục tiêu sản xuất vaccine càng sớm càng tốt để hướng đến ba đích nhắm: khống chế lây nhiễm cộng đồng, đảm bảo người dân được tiêm chủng hàng năm và xuất khẩu vaccine ra nước ngoài.

Tuy nhiên, tham vọng tự phát triển vaccine không hề dễ dàng. Giới chức y tế lẫn các công ty dược ở những nơi này ước tính quá trình nghiên cứu phải tốn nhiều tháng, thậm chí nhiều năm mới có thể hoàn thành và được cấp phép sản xuất. Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba đòi hỏi nguồn tiền hàng trăm triệu USD để đạt kết quả đáng tin cậy.

"Chúng tôi bỏ cả ngày nghỉ cuối tuần để làm việc, cố giữ lời hứa phát triển vaccine COVID-19. Nếu bỏ cuộc giữa chừng, chúng ta sẽ không có phương án ứng phó nào trong tay khi xuất hiện thêm một đại dịch mới. Các công ty và chính phủ cần cố hết sức để hoàn tất cuộc đua phát triển vaccine hiện nay", Woo Jung-won, CEO công ty dược Hàn Quốc Genexine, đầu tháng 5 trả lời báo chí.

Genexine đang dẫn đầu cuộc đua phát triển vaccine tại Hàn Quốc. Họ đã nộp hồ sơ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai và ba tại Indonesia vào tháng 3 cho sản phẩm GX-19N. Chương trình thử nghiệm có khoảng 1.000 tình nguyện viên tại 5 bệnh viện Indonesia. Tại Indonesia, công ty vào tháng 5 cũng hoàn tất tiêm thử cho 150 tình nguyện viên ở 6 bệnh viện, trong khuôn khổ nghiên cứu lâm sàng đầu giai đoạn 2.

Ngoài Genexine, còn 5 công ty dược Hàn Quốc có vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một và hai. Chính phủ cho biết một số sản phẩm được kỳ vọng bước vào giai đoạn ba trong năm 2021. Cellid, công ty dược vừa đưa sản phẩm AdCLD-CoV19 vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2, còn đề nghị chính phủ cấp hộ chiếu vaccine cho người đã tiêm chủng để thuyết phục thêm tình nguyện viên tham gia.

Đài Loan có ba công ty đang phát triển vaccine COVID-19 "nhà trồng", gồm Medigen Vaccine Biologics, United Biomedical và Adimmune. Hai công ty đầu đã đưa sản phẩm vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai, trong khi công ty còn lại trễ tiến độ. Medigen quyết định khởi động sản xuất vaccine trước, chủ động chuẩn bị cho thời điểm được Cơ quan Thực phẩm và Thuốc (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp.

Nhật Bản lại phát triển vaccine chậm hơn các láng giềng. Có 4 công ty tại nước này tham gia cuộc đua, nhưng phần lớn đều mới bước vào thử nghiệm lâm sàng kết hợp giai đoạn một và hai.

a2

Thành viên đoàn Olympic Hàn Quốc được tiêm chủng COVID-19 ở Seoul vào ngày 29/4, chuẩn bị cho chuyến thi đấu tại Nhật Bản

Seoul, Tokyo và Đài Bắc đều đang huy động nguồn lực hỗ trợ các công ty nội địa. Tại Hàn Quốc, chính phủ quyết thành lập Viện Virus Cơ bản Quốc gia trong nửa sau năm 2021, tập trung hỗ trợ nghiên cứu và phát triển vaccine. Viện Y tế Quốc gia (NIH) được quy hoạch như phòng thí nghiệm trung ương, phối hợp lấy mẫu xét nghiệm cho tình nguyện viên tiêm vaccine của SK Bioscience, GeneOne và Cellid. NIH tuần qua ký biên bản ghi nhớ với hãng dược Moderna của Mỹ về hợp tác nghiên cứu vaccine dùng công nghệ ARN.

Để cải thiện tiến độ phát triển vaccine đuổi kịp láng giềng, chính phủ Nhật Bản đã tung gói hỗ trợ khoảng 445,4 triệu USD cho chương trình nghiên cứu và sản xuất của 4 công ty trong nước. Quy trình cấp phép vaccine đang được thảo luận tinh giảm để phê duyệt nhanh chóng hơn. Tokyo lên kế hoạch chọn vaccine nội địa làm nguồn cung chủ lực và đề xuất giá mua cao hơn cho liệu trình mới, tạo động lực cho giới tư nhân tăng đầu tư nghiên cứu.

Đài Loan cũng có những bước đi quyết liệt. Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn tuần qua tuyên bố Medigen và United Biomedical đang tiến triển đúng kế hoạch và dự kiến sớm hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 2. Những lô vaccine đầu tiên xuất xưởng có thể đến tay người dân trước cuối tháng 7.

Ahn Kwang-seog, chuyên gia sinh học tại Đại học Quốc gia Hàn Quốc, nhấn mạnh các chính phủ cần đầu tư ứng phó bệnh truyền nhiễm với tầm quan trọng tương đương ngân sách quốc phòng. "Mọi người phải chấp nhận đây là chi phí thiết yếu về an ninh con người. Không như những loại bệnh hiếm gặp, chúng ta càng đầu tư thì sẽ càng đối phó tốt trước bệnh dịch truyền nhiễm", ông lưu ý.

(Theo vnexpress)

comment Bình luận

largeer