Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới bởi đại dịch Covid-19

Theo thống kê, đến 6h00 ngày 21-3, thế giới đã ghi nhận 123.405.063 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, trong đó có 2.720.992 ca tử vong.
21/03/2021 09:59

Châu Âu

Lục địa già hiện là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới bởi dịch bệnh, với tổng cộng hơn 37.000.000 ca nhiễm và gần 875.000 ca tử vong. Nước có nhiều ca tử vong nhất châu lục là Vương quốc Anh, với hơn 126.000 ca. Tiếp đến là Italia với 104.240 ca. Nga và Pháp đã ghi nhận hơn 91.000 ca tử vong, trong khi Đức và Tây Ban Nha có hơn 72.000 ca.  

Trước tình hình này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cảnh báo tình hình dịch bệnh đang xấu đi. Bà cho rằng làn sóng dịch bệnh thứ ba tại khu vực này đang dần đạt đỉnh, do đó, cần đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng.

1a6966ee-d3c1-4eae-9709-030b5ee2a89b

Ngày 20-3, Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo cấm AstraZeneca xuất khẩu vắc xin nếu các nước thành viên EU không được nhận vắc xin đầu tiên. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết, thông điệp gửi tới AstraZeneca là "Hãy thực hiện đầy đủ hợp đồng với châu Âu trước khi giao vắc xin cho các nước khác".

Lời cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh EU đang gấp rút đẩy nhanh chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19 khi mà dịch bệnh tại nhiều nước thành viên đang diễn biến hết sức phức tạp, tỷ lệ nhiễm mới tăng mạnh buộc chính quyền phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế. Đức vừa thông báo đưa quốc gia láng giềng Ba Lan vào danh sách các khu vực có nguy cơ cao lây nhiễm, đồng nghĩa người từ Ba Lan vào Đức phải xuất trình giấy chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính hoặc xét nghiệm kháng thể.

Theo Viện Dịch tễ Robert Koch (RKI), quy định này có hiệu lực từ ngày hôm nay (21-3). Trước đó, Đức cũng đã đưa Cộng hoà Síp và Bulgaria vào danh sách trên. RKI cho biết, 3 quốc gia này có nguy cơ lây nhiễm rất cao với tỷ lệ trung bình trong 1 tuần là hơn 200 ca/100.000 người. Trong khi đó, tại Anh, Điện Buckingham cho biết, lễ diễu binh truyền thống mừng sinh nhật Nữ hoàng Elizabeth II tại London sẽ bị hủy bỏ vì dịch.

Châu Á

Ngày 20-3, Bộ Y tế Campuchia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ra thông cáo nhấn mạnh, “Campuchia đang ở thời điểm nghiêm trọng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19”, đồng thời kêu gọi người dân đoàn kết và làm tất cả những gì có thể trong cuộc chiến chống đại dịch. Các chuyên gia WHO nhận định, đợt bùng phát dịch mới tại Campuchia liên quan biến chủng B.1.1.7 của vi rút SARS-CoV-2 khiến dịch bệnh lây lan nhanh hơn. Trong thông điệp gửi người dân Campuchia sáng 20-3, Thủ tướng Hun Sen nhận định, sau một tháng kể từ “Sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20-2”, tình hình dịch bệnh tại nước này chưa có dấu hiệu khả quan, đặc biệt là tại tỉnh Kandal và thủ đô Phnom Penh. 

Philippines đang bị cuốn trong làn sóng lây nhiễm mới, đẩy số ca nhiễm mới liên tục ở các mức kỷ lục. Ngày 20-3, Philippines đã ghi nhận 7.999 ca nhiễm mới, ngày thứ hai liên tiếp ghi nhận mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch. Bộ Y tế Philippines ra thông cáo cho biết: "Số ca nhiễm vẫn cao kỷ lục. Tốt nhất mọi người nên ở trong nhà nếu không có việc gì cần thiết". Quốc gia Đông Nam Á này đang nỗ lực ứng phó với tình trạng số ca nhiễm mới tăng mạnh, trong đó có các ca nhiễm biến chủng mới và lây lan nhanh, làm chậm lại kế hoạch mở cửa nền kinh tế.

Ấn Độ cũng chứng kiến số ca nhiễm mới trong ngày 20-3 ở mức cao nhất trong gần 4 tháng qua (40.953 ca), trong đó, bang Maharashtra giàu có nhất chiếm hơn một nửa số ca nhiễm. Một số địa phương tại nước này đã phải tái áp đặt các biện pháp phòng dịch, trong đó có cả phong tỏa và đóng cửa nhà hàng. Các bác sĩ cho rằng, làn sóng lây nhiễm mới do người dân lơ là các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, đồng thời cảnh báo bệnh viện sắp quá tải ở những bang như Maharashtra.

Thủ tướng Pakistan Imran Khan ngày 20-3 cho biết, ông đã có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2, chỉ 2 ngày sau khi tiêm mũi vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên. Theo Bộ trưởng Y tế Pakistan Faisal Sultan, Thủ tướng Imran Khan bị ho và sốt nhẹ, hiện đang cách ly tại nhà. Các trợ lý cấp cao cho rằng, ông Imran Khan có thể đã mắc Covid-19 trước khi được tiêm phòng.

Ngày 20-3, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và Nhật Bản chính thức thông báo khán giả từ nước ngoài sẽ không được dự khán Olympic Tokyo trong bối cảnh Thế vận hội này sẽ khai mạc sau 4 tháng nữa. Quyết định được công bố sau cuộc họp trực tuyến của IOC, Chính phủ Nhật Bản, Ủy ban Paralympic quốc tế và các nhà tổ chức địa phương. Theo các nhà tổ chức, việc đón tiếp khách nước ngoài tới tham dự Olympic Tokyo là một rủi ro lớn khi đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đồng thời cũng không được người dân Nhật Bản ủng hộ.

Châu Mỹ

Khu vực Bắc Mỹ hiện ghi nhận tổng cộng hơn 34,9 triệu ca nhiễm và hơn 800.000 ca tử vong, trong khi Nam Mỹ đã có hơn 19,8 triệu ca nhiễm và hơn 510.000 ca tử vong. 

Theo AP, Bộ Y tế Brazil phối hợp với Đại sứ quán Brazil ở Washington đàm phán với Mỹ từ hôm 13-3 về khả năng nhập vắc xin ngừa Covid-19 dư thừa của quốc gia Bắc Mỹ này. Thông tin trên được đưa ra sau khi Chủ tịch Thượng viện Brazil Rodrigo Pacheco công bố bức thư ông gửi cho Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đề nghị cho phép Brazil được chấp thuận mua vắc xin mà Mỹ đang có trong kho dự trữ nhưng chưa sử dụng đến. Cụ thể, đó là số vắc xin của Công ty AstraZeneca và Trường Đại học Oxford phối hợp sản xuất, hiện chưa được cấp phép sử dụng tại Mỹ nhưng đã được “bật đèn xanh” tại Brazil.

Brazil hiện đang phải đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 mới khiến cho hệ thống bệnh viện và các cơ sở y tế điều trị bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ quá tải. Theo thống kê chính thức, Brazil trong ngày 19-3 đã ghi nhận số ca mắc mới kỷ lục với 90.570 trường hợp và tổng số ca mắc Covid-19 đã lên tới gần 12 triệu người, trong đó có hơn 290.000 trường hợp tử vong.

Theo Hà Nội Mới

comment Bình luận

largeer