Cháy nắng gây ung thư da như thế nào?

Tiếp xúc thường xuyên với tia cực tím (UV) từ ánh nắng mặt trời là nguyên nhân hàng đầu gây ra cháy nắng và làm tăng nguy cơ ung thư da. Những tổn thương tích lũy theo thời gian có thể dẫn đến các dạng ung thư nguy hiểm nếu không được bảo vệ và chăm sóc đúng cách.
23/05/2025 19:01

Tác động của ánh nắng tới làn da con người

Hiện nay, đã có rất nhiều bằng chứng khoa học xác nhận mối liên hệ giữa việc tiếp xúc thường xuyên với tia UV từ ánh nắng mặt trời và nguy cơ mắc bệnh ung thư da. Tia UV ảnh hưởng trực tiếp đến làn da, phá hủy cấu trúc DNA của tế bào da và gây ra tổn thương lâu dài. Cơ thể con người có chứa melanin – một sắc tố tự nhiên giúp bảo vệ da khỏi tia UV. Tuy nhiên, khi tiếp xúc quá mức với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là trong thời gian dài và không có biện pháp bảo vệ phù hợp, hệ miễn dịch của cơ thể cũng sẽ bị ảnh hưởng và suy yếu, làm tăng nguy cơ phát triển ung thư da.

OIP (3)

Nhiều nghiên cứu chứng minh tia UV có thể gây ung thư da (Ảnh minh họa)

Khi đo mức độ phơi nhiễm của da dưới ánh nắng mặt trời, các khu vực như vùng đầu, mặt, sau gáy và bàn tay thường là nơi nhận lượng tia cực tím nhiều nhất. Thực tế cũng cho thấy ung thư biểu mô tế bào vảy, một dạng ung thư da phổ biến thường xuất hiện ở những vùng da này.

Vào mùa hè, ánh nắng gay gắt không chỉ gây cảm giác nóng nực và có thể dẫn đến tình trạng say nắng, mà còn gây ra hiện tượng cháy nắng – một dạng phản ứng độc tính quang học do da tiếp xúc với tia cực tím trong thời gian ngắn nhưng với cường độ cao. Ở mức độ nhẹ, cháy nắng có thể khiến da bị đỏ, sưng, đau rát. Trong những trường hợp nặng hơn, da có thể phồng rộp, nổi mụn nước, thậm chí bong tróc. 

Đối với những người từng bị cháy nắng nhiều lần trong đời, mức độ tổn thương sẽ tích lũy theo thời gian. Điều này không chỉ dẫn đến nguy cơ phát triển các bệnh lý da mãn tính như sừng hóa actinic mà còn có thể tiến triển thành các dạng ung thư da nghiêm trọng như ung thư biểu mô tế bào nền, ung thư biểu mô tế bào vảy, hay thậm chí là ung thư hắc tố ác tính – loại ung thư da nguy hiểm nhất. Những người có yếu tố di truyền liên quan đến bệnh da liễu càng phải tránh nắng và có các biện pháp chống nắng cẩn trọng, đặc biệt là vào mùa hè, để hạn chế tối đa nguy cơ bị ung thư da do tác động từ ánh nắng mặt trời.

Những ngành nghề có nhiều khả năng bị ung thư da

Các nhà khoa học Mỹ từ Viện Hàn lâm Khoa học Y tế Sydney (Úc) đã công bố kết quả của nghiên cứu thông qua một nghiên cứu dài hạn. Qua kiểm tra và thẩm định các tiêu chuẩn định lượng, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, số lượng tế bào khối u trong bốn ngành nghề tài xế, nông dân, công nhân nhà máy sản xuất và nhân viên bán hàng ở chợ cao hơn nhiều so với những người làm các ngành nghề khác do tiếp xúc lâu dài với ngoài trời hoặc một lượng bức xạ nhất định.

1910046067

Bôi kem chống nắng có thể giảm tác động của ánh nắng lên da (Ảnh minh họa)

Cũng trong nghiên cứu này, các nhà khoa học chỉ ra rằng, chỉ riêng ung thư da có nhiều khả năng được kích hoạt do tiếp xúc lâu dài với bức xạ mặt trời. Thống kê chi tiết cho thấy, 30% nam giới và 8% phụ nữ ở Úc tiếp xúc với bức xạ mặt trời trong thời gian dài.

Không chỉ gây ung thư, môi trường làm việc dưới ánh nắng gay gắt kéo dài còn có thể dẫn đến nhiều hệ quả khác đối với sức khỏe như rối loạn thần kinh, mất ngủ, tăng nguy cơ nghiện rượu và hút thuốc, thậm chí có thể ảnh hưởng đến cấu trúc di truyền của cơ thể trong dài hạn.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo rằng, để phòng ngừa nguy cơ ung thư da, mỗi người cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, đặc biệt trong khung giờ từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, đây là thời điểm tia UV hoạt động mạnh nhất. Ngoài ra, cần sử dụng kem chống nắng phổ rộng, mặc quần áo dài tay, đội mũ rộng vành và đeo kính râm khi ra ngoài trời. Việc nâng cao nhận thức và áp dụng các biện pháp bảo vệ da đúng cách sẽ là yếu tố then chốt giúp hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh ung thư da do ánh nắng mặt trời gây ra.

Thảo Nguyên (tổng hợp)

comment Bình luận