Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân
Vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sức khỏe theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Suốt cuộc đời hoạt động và lãnh đạo cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hàng trăm bài viết, bài nói chuyện, ký các sắc lệnh gửi các ngành y tế, thể thao, thương binh,… đề cập đến vai trò của sức khỏe, công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Bản thân Bác là tấm gương sáng về tinh thần tự rèn luyện chăm sóc sức khỏe.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sức khỏe đối với mỗi người dân Việt Nam nói riêng, cũng như sự nghiệp "Kháng chiến kiến quốc" nói chung. Ở mọi lúc, mọi nơi, mọi công việc đều cần đến sức khỏe, có sức khỏe là có tất cả, sức khỏe không chỉ cần cho mỗi cá nhân mà cho cả quốc gia, dân tộc. Trong lời kêu gọi Toàn dân tập thể dục ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây dựng đời sống mới, việc gì cũng cần sức khỏe mới thành công"1.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức khỏe của mỗi cá nhân có mối quan hệ mật thiết đến “sức khỏe của cả nước”, đến vận mệnh quốc gia, dân tộc và thực tiễn đã chứng minh điều đó, Người khẳng định: "Mỗi một người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe. Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe”2. Tập thể dục, bồi bổ sức khỏe chính là trách nhiệm của mỗi người dân yêu nước, góp phần làm cho đất nước phát triển hùng cường, hưng thịnh: “Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước... dân cường thì nước thịnh".
Sức khỏe của Nhân dân chính là động lực quan trọng hàng đầu thúc đẩy sự nghiệp "Kháng chiến kiến quốc" đi đến thắng lợi: "Sức khỏe của cán bộ và Nhân dân được bảo đảm thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công"3.
Bác Hồ chơi bi-a với bác sỹ Nhữ Thế Bảo
Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Nhận thức được tầm quan trọng của sức khỏe đối với mỗi con người cũng như sự nghiệp "Kháng chiến kiến quốc", dù bận “trăm công nghìn việc”, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, ngay cả khi vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc" những ngày đầu lập nước. Nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân để “dân cường, nước thịnh” luôn là điều trăn trở của người đứng đầu Đảng, Chính phủ.
Theo Hồ Chí Minh, công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trước hết là trách nhiệm của mỗi cá nhân, bởi vì sức khỏe của mỗi người dân có quan hệ mật thiết đến sức khỏe của cộng đồng, đến vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Trên cơ sở đó, Người đã khuyên tất cả mọi người hãy tập thể dục để rèn luyện thân thể coi đó là trách nhiệm của mỗi người dân yêu nước. Đồng thời chỉ ra lợi ích của việc luyện tập thể dục đối với mỗi người: "Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì. Gái, trai, già, trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được... Ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe … Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập"4.
Bác Hồ tập võ dân tộc, hướng dẫn các cán bộ, chiến sỹ cách đánh cận chiến của võ tay không chống trả đối phương có kiếm, thương và súng
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm có nhận thức và định hướng đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Theo Người, việc chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân không đơn thuần chỉ là việc kêu gọi người dân tập thể dục, tự rèn luyện sức khỏe cho bản thân, mà cần phải gắn liền với công cuộc xây dựng đời sống mới, trong sinh hoạt, ăn, ở, công tác phải biết giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, điều đó đồng nghĩa với việc bảo vệ sức khỏe chính bản thân, gia đình và cộng đồng. “Sạch sẽ tức là một phần của đời sống mới. Sạch sẽ thì ít đau ốm. Sức khỏe thì làm được việc, làm được việc thì có ăn. Xem đó thì biết rằng ai cũng nên làm đời sống mới”5.
Trong công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân thì vai trò, trách nhiệm của ngành y tế và các thầy thuốc giữ một phần hết sức quan trọng. Trong “Thư gửi Hội Quân y” tháng 3/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở trách nhiệm của thầy thuốc ngoài việc khám, chữa bệnh, còn phải quan tâm động viên về mặt tinh thần cho người bệnh: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu… người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền”6.
Theo Người, vai trò của người thầy thuốc là rất quan trọng trong việc giữ gìn, chăm lo sức khỏe cho Nhân dân. Người thầy thuốc phải là người sống, làm việc có trách nhiệm, tận tâm tận lực phục vụ Nhân dân, phải có tình yêu thương con người, luôn coi người bệnh, Nhân dân như anh chị em ruột của mình, phải chỉ rõ cho Nhân dân biết cách tự chăm sóc sức khỏe của mình: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”7.
Trong các lá thư gửi ngành y tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vấn đề y đức của người thầy thuốc. Người chỉ rõ, người thầy thuốc giỏi về chuyên môn thôi là chưa đủ mà còn cần phải có đạo đức nghề nghiệp, phải hết lòng hết sức cứu chữa, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân một cách vô điều kiện. Đó là một nhiệm vụ cao cả của người thầy thuốc và ngành y tế, cần được gìn giữ, phát huy: “Luôn luôn ghi nhớ rằng người thầy thuốc giỏi, đồng thời phải là người mẹ hiền, hết lòng hết sức cứu chữa và phục vụ thương binh, bệnh binh, tích cực nâng cao sức khỏe của bộ đội, góp phần cùng toàn quân, toàn dân đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”8.
Theo Hồ Chí Minh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân không chỉ là trách nhiệm riêng của mỗi người, của ngành y tế, mà nó còn là trách nhiệm của Đảng, Chính phủ và toàn xã hội. Chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân cũng chính là góp phần nâng cao đời sống Nhân dân. Trong suốt cuộc đời hoạt động và lãnh đạo cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hướng tình thương yêu và sự quan tâm đặc biệt đến công tác chăm sóc sức khỏe, không ngừng nâng cao đời sống Nhân dân. Người mong muốn và căn dặn: “Chính sách của Đảng và Chính phủ phải hết sức chăm nom đến đời sống của Nhân dân. Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”9.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân, thấu hiểu nỗi thống khổ của Nhân dân ta dưới ách thống trị của phong kiến, thực dân, đế quốc, trong bản Di Chúc lịch sử mà Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, Người viết: “NHÂN DÂN LAO ĐỘNG ta ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, Nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng,…”10. Từ việc đánh giá vai trò to lớn của Nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, nỗi thống khổ mà họ phải chịu đựng dưới chế độ cũ, do vậy Bác đã căn dặn trách nhiệm của Đảng, Chính phủ phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống cho các tầng lớp Nhân dân: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”11, bởi “Đầu tiên là công việc đối với con người”, Đảng, Chính phủ và toàn xã hội cần phải có trách nhiệm chăm lo đời sống cho “cán bộ, binh sĩ, dân quân du kích, thanh niên xung phong” có nơi ăn, chốn ở yên ổn đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”; đối với “cha, mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu”, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét; đối với “những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu... trở nên những người lao động lương thiện”, Nhà nước và các cấp chính quyền phải vừa dùng biện pháp giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo và giúp đỡ họ; miễn thuế nông nghiệp một năm cho nông dân để đồng bào thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất… Chăm sóc sức khỏe, góp phần không ngừng nâng cao đời sống cho Nhân dân, không chỉ là tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh, mà cũng chính là mục tiêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.
Bác Hồ tập luyện bơi lội để rèn luyện sức khỏe
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân hiện nay
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm sóc sức khỏe, không ngừng nâng cao đời sống cho Nhân dân đã được Đảng và Nhà nước ta vận dụng, cụ thể hóa trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), trong Hiến pháp, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, xã hội của đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Trải qua 37 năm đổi mới đất nước (1986 – 2023), nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, trong đó có công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân luôn là mục tiêu hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta, tất cả các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước đề ra đều nhằm mục đích đó. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định quan trọng về công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân: Ngày 14/1/1993, Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HNTW “Về những vấn đề cấp bách của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân”, trong đó khẳng định vai trò của ngành y tế mà trước hết là đội ngũ y tế cơ sở trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị “Về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới”; ngày 25/10/2017, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW “Về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới”, Nghị quyết khẳng định: “Thiết lập hệ thống sổ sức khỏe điện tử đến từng người dân. Thực hiện cập nhật các thông tin, chỉ số sức khỏe khi đi khám sức khỏe, chữa bệnh”. Chủ trương xây dựng sổ sức khỏe điện tử thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng trong việc ứng dụng công nghệ số hóa trong quản lý y tế, phù hợp với xu thế của thời đại và y tế thế giới, mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam đạt mục tiêu có “95% dân số được quản lý, theo dõi và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe” như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước hiện nay bên cạnh những yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực, thì vấn đề làm thế nào để nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần của Nhân dân là yếu tố vô cùng quan trọng. Do vậy, cần phải quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về lấy con người là trung tâm và động lực của đổi mới và phát triển, lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe Nhân dân là mục tiêu hàng đầu trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện gắn với từng bước bảo đảm nhu cầu thiết yếu của Nhân dân về chăm sóc y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, năng lực phòng, chống dịch bệnh, từng bước xây dựng và thực hiện chính sách về dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, quan tâm hơn nữa bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân.
Thực tiễn cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 vừa qua của Việt Nam đã cho thấy tính đúng đắn, ưu việt của chế độ chủ nghĩa xã hội. Trong khi cả thế giới choáng váng, khủng hoảng trước đại dịch COVID-19, thì mô hình, phương pháp chống dịch của Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các quốc gia trên thế giới đánh giá rất cao dù hệ thống y tế của chúng ta còn hạn chế, vacxin thiếu và ngân sách dành cho công tác chống dịch còn hạn hẹp, nhưng Việt Nam đã sớm có chiến lược phòng, chống sự lây lan của virus trong cộng đồng, nền kinh tế sớm phục hồi và mở cửa trở lại. Đạt được kết quả đó là nhờ Đảng, Chính phủ đã có những dự báo sớm các nguy cơ diễn biến của dịch bệnh để từ đó kịp thời đề ra chủ trương, chính sách đúng, xây dựng các phương án phòng chống dịch phù hợp; sự thống nhất ý chí và hành động của cả hệ thống chính trị với Nhân dân, ý Đảng lòng dân là một.
Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 vừa qua đã cho thấy tính đúng đắn, tính thực tiễn, tính thời sự của tư tưởng Hồ Chí Minh về sức khỏe và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân đã được Bác đưa ra cách đây hơn nửa thế kỷ về phòng bệnh hơn trị bệnh, đảm bảo sức khỏe bằng phương pháp giữ gìn vệ sinh cá nhân, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc đảm bảo sức khỏe của cộng đồng, mối quan hệ giữa cá nhân với tập thể trong việc bảo vệ sức khỏe Nhân dân,…
Những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân kể từ khi ra đời đến nay vẫn còn nguyên giá trị, mang tầm vóc thời đại. Trong bối cảnh đất nước ta ngày càng tham gia hội nhập quốc tế sâu, rộng, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, thì cần thiết phải có sự đầu tư phát triển nguồn nhân lực phát triển toàn diện, trong đó sức khỏe là yếu tố quan trọng hàng đầu. Do vậy, việc đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại mới càng trở nên cần thiết. Qua đó, góp phần đào tạo đội ngũ "thế hệ cách mạng cho đời sau" khỏe về thể chất, mạnh về tinh thần phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa sớm đưa nước ta “sánh ngang với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ hằng mong muốn.
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 540.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 540.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 88.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 540.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 96.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 393.
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 476.
8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 288.
9.Hồ ChíMinh, Toàn tập,tập 9,Nxb CTQG- Sự Thật,HàNội, 2011,tr. 518.
10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tr.612.
11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tr.612.
Thạc sỹ Vũ Văn Chương
Giảng viên Trường Đại học Hải Phòng
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Hội nghị Quốc tế “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu – cổ”
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20% dân số phải sống chung với viêm mũi xoang mạn tính, trong khi ung thư đầu cổ chiếm tới 10% tổng số ca ung thư - những con số vô cùng đáng báo động. Trước sự gia tăng nhanh chóng của các ca bệnh, việc nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu - cổ đã trở nên vô cùng cấp thiết.November 22 at 3:53 pm -
Đau hơn sau khi tiêm tế bào gốc trong điều trị thoái hóa khớp: Điều bình thường và cách xử lý
Liệu pháp tế bào gốc mang lại hy vọng cho người bệnh trên hành trình tìm kiếm giải pháp cải thiện và giảm bớt đau đớn từ chấn thương hoặc các bệnh lý mãn tính.November 20 at 5:33 pm -
Mở khóa thanh xuân, trẻ khỏe toàn diện với liệu pháp tế bào gốc
Lão hóa là một quá trình phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến làn da, mái tóc mà còn tác động đến cấu trúc và chức năng của các cơ quan bên trong cơ thể. Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của y học tái tạo, liệu pháp tế bào gốc được ứng dụng toàn diện giúp cơ thể khỏe mạnh từ bên trong, đồng thời duy trì nét tươi trẻ, rạng rỡ bên ngoài, làm chậm quá trình lão hóa.November 20 at 5:33 pm -
Tầm nhìn “Borderless Future” - Định hình tương lai không biên giới tại nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 19/11/2024, tại Hội nghị Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024, khi cái tên Unilever Việt Nam được xướng lên ở vị trí số 1 trong danh sách 100 doanh nghiệp lớn có môi trường làm việc tốt nhất, đó không chỉ là khoảnh khắc đáng tự hào mà còn là sự khẳng định cho tầm nhìn, những nỗ lực bền bỉ của một doanh nghiệp Top 1 ngành FMCG trong hành trình xây dựng môi trường làm việc hiện đại, bền vững.November 20 at 5:20 pm