Đề nghị hỗ trợ miễn giảm viện phí cho người mắc bệnh hiểm nghèo, Bộ Y tế nói gì?
Các kiến nghị nhằm "không để ai bị bỏ lại phía sau"
Theo thông tin từ Bộ Y tế, trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoa XV, cử tri nhiều địa phương đã có ý kiến gửi Bộ, liên quan đến các chính sách hỗ trợ người dân tham gia khám chữa bệnh BHYT cũng như mức chi trả vẫn còn cao so với đời sống của nhiều người dân.
Trong đó, cử tri tỉnh Đồng Tháp (cũ) vừa có kiến nghị gửi Bộ Y tế đề nghị quan tâm cân đối nguồn thu từ quỹ BHYT để có chính sách hỗ trợ, miễn hoặc giảm viện phí cho các trường hợp người dân mắc bệnh hiểm nghèo, nhằm chia sẻ khó khăn, giảm gánh nặng tài chính cho bệnh nhân và gia đình, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.
Cử tri tỉnh Ninh Bình (bao gồm cả kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Nam trước đây) cũng cho rằng, chi phí khám cho bệnh mà người dân phải chi trả vẫn còn ở mức cao và gánh nặng chi phí y tế vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng nghèo đói hoặc tái nghèo ở nhiều hộ gia đình; là rào cản lớn khiến không ít người dân, đặc biệt là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn pahri trì hoãn hoặc từ chối tiếp cận dịch vụ y tế. Hệ thống bảo hiểm y tế thực tế vẫn chưa thực sự bao phủ đầy đủ và hiệu quả.
Chính vì vậy, các cử tri kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm thực hiện chính sách miễn tiền viện phí cho toàn dân để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Trước các vấn đề kể trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan mới đây đã có trả lời cử tri, cho biết, mục tiêu nhất quán của ngành y tế là phát triển hệ thống y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng và bền vững, trong đó chính sách BHYT giữ vai trò trụ cột.
Mức hưởng hiện nay của người bệnh có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh đúng quy định là 80-95-100% tuỳ đối tượng. Điều này có nghĩa là người bệnh cần đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh thêm tối đa 20% trong danh mục được BHYT chi trả. Nguyên tắc đồng chi trả là cần thiết để nâng cao trách nhiệm của người tham gia trong việc sử dụng dịch vụ y tế hợp lý, đồng thời đảm bảo sự bền vững của quỹ BHYT để phục vụ lợi ích lâu dài cho toàn dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Việc giảm chi tiền túi, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân, đặc biệt là đối tượng yếu thế, người bệnh hiểm nghèo là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế
Hiện nay, ngân sách nhà nước đang đảm bảo đóng BHYT cho người thuộc các nhóm đối tượng ưu tiên (người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân tộc thiểu số vùng khó khăn...), và hỗ trợ một phần mức đóng cho nhiều nhóm như người thuộc hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên...
Mới đây, trong Nghị định 188/2025, Chính phủ quyết định hỗ trợ 50% mức đóng BHYT cho học sinh, sinh viên từ 1/7, thay vì mức 30% như trước đây.
Bộ trưởng cho biết, việc giảm chi tiền túi và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cho mọi người dân, đặc biệt là đối tượng yếu thế, người bệnh hiểm nghèo, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành đang hướng tới.
Các nhiệm vụ bao gồm:
Thứ nhất: Tập trung vào việc hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến BHYT, điều chỉnh mức đóng, mức hưởng phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý, chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT để bảo toàn và phát triển nguồn quỹ.
Thứ hai: Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành liên quan để huy động thêm các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh, nguồn tài trợ, viện trợ và các nguồn xã hội hóa khác nhằm hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh cho người dân.
Thứ ba: Nghiên cứu để từng bước mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT và xây dựng cơ chế hỗ trợ chi phí đồng chi trả đối với các nhóm đối tượng yếu thế (người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn) khi mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh cần điều trị dài ngày, có chi phí lớn. Việc này được thực hiện trên cơ sở đánh giá tác động và cân đối khả năng của quỹ BHYT và các nguồn lực xã hội.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh, BHYT là chính sách an sinh xã hội do Nhà nước tổ chức, nhằm chia sẻ rủi ro tài chính giữa những người tham gia, hỗ trợ chi trả chi phí khám chữa bệnh khi người dân gặp vấn đề sức khỏe. Khi tham gia BHYT, chi phí khám chữa bệnh được Quỹ BHYT chi trả một phần hoặc toàn bộ, tùy thuộc vào đối tượng tham gia, với tỷ lệ đồng chi trả khác nhau.
Hiện nay, phạm vi quyền lợi BHYT bao gồm danh mục thuốc, thiết bị y tế và dịch vụ kỹ thuật đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro tài chính khi ốm đau, bệnh tật và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng, người dân cần tham gia BHYT đầy đủ.
Đối với các đối tượng được UBND tỉnh xác định là người nghèo, cận nghèo hoặc một số đối tượng chính sách xã hội, ngân sách nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT hoặc chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh cho một số trường hợp.
Về kiến nghị miễn viện phí, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, ngành Y tế đang nghiên cứu các giải pháp khả thi, hiệu quả để trình Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ. Để đảm bảo nguồn lực, chính sách sẽ được triển khai theo lộ trình thông qua bảo hiểm y tế, với phạm vi quyền lợi BHYT mở rộng dần theo lộ trình cho các đối tượng phù hợp. Bộ Y tế mong nhận được sự đồng thuận và tham gia tích cực của người dân vào BHYT để thực hiện hiệu quả chính sách này.
Nguyên An (tổng hợp)

- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Phát hiện thêm công dụng mới trong thuốc điều trị ung thư của Singapore
Các nhà nghiên cứu Singapore phát hiện ra rằng một loại thuốc điều trị ung thư do nước này phát triển có thể trở thành thuốc điều trị mới cho 2 nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu thế giới.July 16 at 8:04 am -
Thái Lan sản xuất thuốc điều trị ung thư nhắm đích đầu tiên được phát triển trong nước
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Thái Lan đã sản xuất thuốc viên điều trị ung thư nhắm đích đầu tiên – có tên Imcranib 100 - hoàn toàn được phát triển trong nước. Đây là kết quả của tầm nhìn khoa học và sự lãnh đạo của Công chúa hoàng gia Thái Lan - Giáo sư Tiến sĩ Chulabhorn Krom Phra Srisavangavadhana.July 15 at 9:13 am -
Xác thực truy xuất nguồn gốc - 'thuốc đặc trị' chống hàng giả
Khi nền kinh tế số đang trở thành một trong những trụ cột phát triển của đất nước, thì yêu cầu về tính xác thực, minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc của hàng hóa không chỉ phục vụ công tác quản lý nhà nước mà còn là điều kiện tiên quyết để nâng cao niềm tin thị trường trong nước và hội nhập quốc tế.July 9 at 8:25 am -
Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được chia thành 02 cấp
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 6/7/2025 sửa đổi, bổ sung một số nội dung Quyết định số 148/QĐ-TTg về việc phê duyệt Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).July 7 at 7:32 am