Chuyên gia khuyến cáo cách chăm sóc trẻ vị viêm đường hô hấp cấp tính

Viêm đường hô hấp cấp tính là bệnh thường gặp ở trẻ em, là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh tật và tử vong hàng đầu ở trẻ em < 5 tuổi trên toàn thế giới. Nguyên nhân gây bệnh là vi sinh vật, trong đó virus chiếm 50 – 90% các trường hợp và virus hợp bào hô hấp (RSV) là một trong những căn nguyên virus quan trọng nhất gây nhiễm khuẩn hô hấp dưới cấp.
30/03/2023 16:01

Thời điểm nào RSV bùng phát mạnh?

Khi thời tiết chuyển mùa từ xuân sang hè, thu sang đông là khi đó không khí có sự thay đổi, sự kết hợp giữa lạnh và ẩm, mưa lũ liên miên, tạo điều kiện cho virus sinh sôi nảy nở mạnh đặc biệt là RSV.

Virus hợp bào hô hấp (virus RSV) là gì?

Virus hợp bào hô hấp (còn gọi là virus RSV) là virus gây ra các bệnh viêm đường hô hấp cấp tính như viêm mũi họng, viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi….

Triệu chứng của bệnh nhẹ giống như cảm lạnh, nặng có thể gây biến chứng viêm phổi, viêm tiểu phế quản, đặc biệt ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và những trẻ đang mắc các bệnh mạn tính như hen phế quản.

20190712_160318_992360_viem-duong-ho-hap-t.max-1800x1800

(Ảnh: Vinmec)

RSV có 2 tuýp A và B: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của viêm tiểu phế quản và viêm phổi ở trẻ em dưới 1 tuổi.

Bệnh nhân nhiễm RSV biến chứng nặng có nguy cơ tử vong, với tỷ lệ 2,8 –  22% trên toàn thế giới.

RSV lây nhiễm như thế nào trên trẻ nhỏ?

Virus RSV xâm nhập vào cơ thể qua mắt, mũi hoặc miệng. Nó dễ dàng lây lan trong không khí thông qua các giọt bắn mang mầm bệnh do người bệnh phát tán ra. Con bạn có khả năng bị nhiễm RSV nếu ai đó mang virus này ho hoặc hắt hơi gần bạn. RSV cũng truyền sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp, chẳng hạn như bắt tay với người bệnh hay chạm vào bề mặt có virus RSV.

Virus RSV xâm nhập vào mũi sẽ gây viêm niêm mạc mũi, tiết dịch mũi đặc dính làm bít tắc đường thở, virus đến các tiểu phế quản và phế nang làm tổ thương phế nang, ứ khí, thậm chí dẫn đến hoại tử tế bào đường hô hấp.

Người bị nhiễm virus hợp bào có khả năng lây lan cao nhất trong vòng vài ngày đầu sau khi nhiễm bệnh. Tuy nhiên, virus vẫn có thể tiếp tục lây lan trong vài tuần sau đó.

Đối tượng nào dễ bị virus hợp bào hô hấp tấn công?

Những trẻ có nguy cơ cao bị nhiễm virus RSV là:

- Trẻ sinh non

- Trẻ dưới 6 tháng tuổi

- Trẻ em bị suy giảm hệ miễn dịch hoặc mắc các bệnh mạn tính

- Trẻ có cân nặng thấp khi đẻ (< 2000 grams)

- Trẻ có dị tật bẩm sinh kèm theo như tim bẩm sinh, bệnh phổi bẩm sinh...

- Trẻ không được bú sữa mẹ

- Trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu máu, thiếu vitamin A

- Trẻ sống trong gia đình có đời sống kinh tế xã hội thấp, đông đúc, gia đình đông con, sinh đôi làm tăng nguy có nhiễm RSV. Trẻ sống cùng anh hay chị đi nhà trẻ cũng có nguy cơ nhiễm RSV, đặc biệt trong mùa dịch.

- Tiếp xúc với người hút thuốc lá hay ô nhiễm môi trường khác: khói thuốc lá hay ô nhiễm môi trường có thể làm tăng mẫn cảm đường thở dẫn tới khó khăn trong việc chống lại RSV.

- Trẻ thường xuyên sống trong môi trường tập chung như nhà trẻ mẫu giáo

- Yếu tố gia đình: hen phế quản, lao

- Khí hậu lạnh…

Trẻ viêm đường hô hấp dưới cấp tính do RSV biểu hiện triệu chứng ra sao?

Trẻ khi bị nhiễm virus hợp bào hô hấp thường ủ bệnh trong 4-6 ngày sau đó sẽ biểu hiện triệu chứng:

- Biểu hiện lâm sàng dễ nhận biết nhất là viêm tiểu phế quản và viêm phổi

- Những ngày đầu biểu hiện triệu chứng viêm đường hô hấp trên và sốt

+ Sốt nhẹ, sốt cao hoặc không sốt

+ Ngạt mũi, chảy nước mũi trong, keo dính

+ Hắt hơi, đau họng

+ Ho khan dữ dội sau ho đờm trắng chuyển sang vàng

+ Nôn khi ho

- Tiến triển nhanh có thể khó thở, thở nhanh, tím tái, bỏ bú, co giật.. hay phổi có rales

- Ngừng thở là dấu hiệu có thể xảy ra với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng

- Trẻ khỏe mạnh có thể biểu hiện triệu chứng thường nhẹ, không rõ ràng

Những biến chứng nguy hiểm do RSV gây ra là gì?

- Viêm phổi: RSV là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm phổi hay viêm tiểu phế quản ở trẻ. Những biến chứng này xảy ra khi virus tấn công vào đường hô hấp dưới đặc biệt với những đối tượng có nguy cơ như trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, trẻ bị suy giảm miễn dịch hay mắc các bệnh mạn tính thì tình trạng viêm phổi ngày càng trầm trọng.

- Viêm tai giữa: Là biến chứng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

- Hen phế quản: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh trẻ nhỏ nếu bị nhiễm virus hợp bào hô hấp nghiêm trọng sẽ có nguy cơ gây khò khè kéo dài ở trẻ và phát triển bệnh hen suyễn khi trưởng thành.

- Một vài biến chứng nghiêm trọng, nguy hiểm khác như suy hô hấp, xẹp phổi, tràn khí màng phổi, ứ khí phổi…

Chẩn đoán như thế nào?

- Kết hợp giữa biểu hiện lâm sàng và khai thác bệnh sử để chẩn đoán xác định bệnh cho những trẻ có dấu hiệu viêm đường hô hâp cấp tính.

- Xét nghiệm dịch hầu họng: để chẩn đoán chính xác có virus RSV bằng test nhanh.

- Xét nghiệm máu, chụp X-quang phổi, khám nội soi tai mũi họng: để kiểm tra các biến chứng (nếu có) ở trẻ.

Phương pháp điều trị?

Phương pháp điều trị chính là hỗ trợ: bổ sung oxy và bù dịch khi cần thiết.

- Hầu hết các trường hợp nhiễm RSV sẽ tự khỏi sau 1 – 2 tuần. Kiểm soát cơn sốt bằng thuốc hạ sốt, giảm đau như acetaminophen, paracetamol hoặc ibuprofen theo chỉ định bác sĩ.

- Đặc trưng của RSV là làm keo dính đường hô hấp của trẻ. Vì thế, phương pháp điều trị hiệu quả nhất là rửa mũi, long đờm để làm loãng dịch ngăn ngừa tình trạng bít tắc đường hô hấp.

- Trẻ nhiễm RSV cần uống đủ nước (nhằm đảm bảo đủ dịch để làm loãng đờm). Nếu trẻ uống kém không đủ lượng nước sẽ được chỉ định truyền dịch qua đường tĩnh mạch.

- Cùng với biện pháp rửa mũi, nếu có biểu hiện nhiễm khuẩn, bác sĩ có thể kê kháng sinh để kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng bệnh khi trẻ có sốt, có bằng chứng viêm phổi trên XQ và nghi ngờ lâm sàng có đồng nhiễm.

- Trong những trường hợp nghiêm trọng, trẻ có thể phải hỗ trợ thở oxy hay đặt nội khí quản thở máy.

- Nghiên cứu chỉ ra rằng Palivizumab và Ribavirin ít có hiệu quả trong điều trị

Cha mẹ cần làm gì để phát hiện con bị nhiễm RSV sớm và giúp trẻ tránh bị biến chứng nặng nề?

Khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu nhiễm RSV cần cho trẻ đi khám và chẩn đoán xem có nhiễm RSV không? Nếu có các triệu chứng sau cần nhập viện ngay phòng nguy cơ biến chứng do nhiễm virus hợp bào hô hấp:

+ Trẻ dưới 3 tháng bị nhiễm virus hợp bào hô hấp

+ Tình trạng sốt cao không hạ

+ Khó thở tăng dần

+ Da có màu xanh tím đặc biệt ở môi và các móng tay

+ Trẻ bỏ ăn, ăn không đủ 80% lượng ăn bình thường

+ Nồng độ oxy trong máu dưới 95%.

Phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do RSV như thế nào?

Đến nay, vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa virus hợp bào hô hấp. Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ nhiễm hoặc lây nhiễm RSV bằng cách:

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây.

- Tránh sờ tay lên mặt, mũi hoặc miệng bằng tay chưa rửa sạch.

- Tránh tiếp xúc gần gũi, chẳng hạn như hôn, bắt tay, dùng chung cốc và dụng cụ ăn uống… với người khác nếu bạn hoặc họ bị bệnh.

- Làm sạch và khử trùng các bề mặt mà bạn thường xuyên chạm vào.

- Dùng khăn giấy để che miệng khi ho hoặc hắt hơi, sau đó vứt khăn giấy đi và rửa tay sạch sẽ.

- Hạn chế tiếp xúc với người khác nếu bạn được chẩn đoán nhiễm virus hợp bào.

- Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người.

- Đối với trẻ nhỏ – đối tượng có nguy cơ cao nhiễm RSV, tránh đưa trẻ đến nơi công cộng như siêu thị, trung tâm thương mại… nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng và lây lan virus trong mùa RSV.

- Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, giữ ấm cơ thể vào mùa lạnh, vệ sinh sạch sẽ các vật dụng xung quanh, vận động khoa học để tăng cường sức đề kháng.

- Tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm khói bụi và thuốc lá.

- Tiêm phòng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm phòng cúm, phế cầu là các bệnh hay mắc phòng ngừa nhiễm trùng hô hấp cấp tính ở trẻ.

- Trẻ sơ sinh nên bú sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu.

- Khi xuất hiện các triệu chứng cần đến khám tại cơ sở y tế để có biện pháp điều trị phù hợp, không để bệnh diễn biến nặng sẽ điều trị khó khăn và khó phục hồi.

BS. Tăng Thị Minh Thu - Khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

comment Bình luận

largeer