Chuyên gia khuyến cáo những lưu ý khi khám thai 3 tháng giữa thai kỳ

Dưới đây là khuyến cáo của chuyên gia về những lưu ý khi khám thai 3 tháng giữa thai kỳ:
31/03/2023 10:23

Những thay đổi của thai kì 3 tháng giữa

Đây là khoảng thời gian tuyệt vời nhất đối với mẹ bầu khi cảm nhận được sự di chuyển đầu tiên của bé trong bụng. Đó là hiện tượng thai máy, thường xảy ra ở tuần thai 16 - 20. Ngoài ra ở giai đoạn này, hầu hết các triệu chứng khó chịu như nghén, mệt mỏi,… đa phần đều đã hết.

1(28)

Tuy nhiên ở 3 tháng giữa thai kì (14 đến 28 tuần 6 ngày) nhiều sản phụ có thể gặp tinh trạng táo bón, chóng mặt và khó thở do thai lớn lên gây sức ép lên lồng ngực và phổi, ép lên tĩnh mạch.

Khám thai 3 tháng giữa là làm những gì?

Thông thường, khám thai giai đoạn này sẽ có 3 lần khám:

- Tuần 16 - 20

- Tuần 20 - 24

- Tuần 24 - 28

Tuần 16 - 20:

- Khám thai: đo huyết áp, đo chiều cao tử cung, vòng bụng, nghe tim thai

- Siêu âm thai đường bụng: phát hiện những bất thường của thai kỳ như đa ối, đa thai, rau tiền đạo,…

- Siêu âm tử cung buồng trứng qua đường âm đạo: đo chiều dài cổ tử cung đánh giá nguy cơ sinh non.

- Xét nghiệm:

+ Triple test: đây là xét nghiệm dị tật thai, mẹ bầu sẽ được làm xét nghiệm này trong trường hợp chưa thực hiện sàng lọc lệch bội ở quý I.

+ Nước tiểu: phát hiện và điều trị những bệnh lý như tăng huyết áp thai kỳ, đái tháo đường thai kỳ, nhiễm trùng tiết niệu - sinh dục

-  Tiêm vaccine ngừa uốn ván (VAT): tiêm vắc xin ngừa uốn ván cho mẹ để phòng ngừa bệnh uốn ván rốn cho thai nhi. Tiêm hai mũi cách nhau một tháng, mũi thứ 2 cách ngày sinh dự kiến ít nhất là 1 tháng.

Tuần 20 - 24:

- Khám thai: đo huyết áp, đo chiều cao tử cung, đo vòng bụng, nghe tim thai

- Siêu âm hình thái học (3D hoặc 4D): khảo sát hình thái thai nhi, xác định rau thai, lượng nước ối. Tìm các bất thường ở tim, xương, cột sống, não, thận, tay chân,… Trong giai đoạn này bác sĩ có thể nhìn thấy khá rõ các bộ phận của thai nhi. Do đó có thể phát hiện sớm dị dạng các cơ quan nội tạng cũng như dị tật hình thái như sứt môi, hở hàm ếch

-  Siêu âm tử cung buồng trứng qua đường âm đạo (đo chiều dài cổ tử cung): thực hiện siêu âm này nếu lần khám thai trước thai phụ chưa được thực hiện

- Xét nghiệm: nước tiểu (phát hiện và điều trị những bệnh lý như tăng huyết áp thai kỳ, đái tháo đường thai kỳ, nhiễm trùng tiết niệu - sinh dục).       

Tuần 24 - 28:

- Khám thai: đo chiều cao tử cung, vòng bụng, nghe tim thai

- Siêu âm thai ( khảo sát sự phát triển của thai, rau thai, lượng nước ối) qua đường bụng

- Xét nghiệm:

+ Nghiệm pháp dung nạp đường huyết để tầm soát đái tháo đường thai kỳ

+ Nước tiểu.

Những biến chứng thai kỳ có thể gặp vào 3 tháng giữa

- Sẩy thai

- Sinh cực non

- Hở eo cổ tử cung

- Đái tháo đường thai kỳ

Để tránh những biến chứng thia kỳ có thể gây nguy hiểm cho mẹ và bé, mẹ bầu cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu thấy các dấu hiệu bất thường sau: nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, nhìn mờ, đau bụng vùng thượng vị, tiểu buốt, bụng gò cứng kèm đau, ra nước hoặc máu âm đạo…

Chế độ sinh hoạt cho mẹ bầu trong 3 tháng giữa

- Uống nhiều nước, xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều chất xơ, rau xanh. Bổ sung viên sắt và 1000 mg canxi mỗi ngày. Tránh ăn nhiều tinh bột, đồ ngọt, tránh ăn mặn

-  Mang giày thấp, tránh làm những việc nặng, tập thể dục nhẹ nhàng

- Khi ngủ nên kê cao chân, tư thế ngủ tốt nhất là nằm nghiêng bên trái.

Theo Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An

comment Bình luận

largeer