Cô đơn ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe?

Người ta thường cảm thấy cô đơn khi ở một mình, nhưng "cô đơn mãn tính" khác với việc tạm thời không gặp bạn bè hoặc ít giao tiếp xã hội, mà đó là cảm giác đơn độc dù đang trong mối quan hệ tình cảm hoặc sống trong một gia đình hay cộng đồng đông đúc.
09/10/2022 09:32

Theo các chuyên gia sức khỏe, những ai đang đối mặt tình trạng này cần tìm cách khắc phục, bởi chìm đắm trong sự cô đơn kéo dài có thể tổn hại đáng kể đến cả sức khỏe tâm thần lẫn thể chất, chẳng hạn như:

Khiến cơ thể lão hóa nhanh hơn cả do hút thuốc

Ðược biết, mỗi người đều có tuổi đời (chronological age, số năm đã sống) và tuổi sinh học (biological age, mức độ già/trẻ so với tuổi đời). Trong nghiên cứu chung mới đây, các chuyên gia đến từ Ðại học Stanford (Mỹ) và Ðại học Hong Kong (Trung Quốc) đã phân tích dữ liệu từ 12.000 người trưởng thành và phát hiện rằng, tâm trạng tiêu cực do ảnh hưởng của cách ly xã hội đã khiến đồng hồ sinh học của đối tượng nghiên cứu chạy nhanh hơn so với tác động của hành vi hút thuốc. Theo đó, cảm giác cô đơn, không vui và tuyệt vọng có thể khiến một người già thêm 1 năm 8 tháng, tức nhiều hơn 5 tháng so với do hút thuốc. Các nhà nghiên cứu cho rằng tình trạng viêm mãn tính - do sự cô đơn gây ra - đã làm tổn thương các tế bào và nội tạng quan trọng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tăng 40% nguy cơ khởi phát chứng sa sút trí tuệ

Ðây là kết luận được các chuyên gia tại Ðại học bang Florida (Mỹ) đưa ra sau khi theo dõi 12.000 người trong 10 năm. Họ cho rằng mối liên hệ này là do cô đơn khiến nguy cơ trầm cảm tăng cao, suy giảm sức khỏe tim mạch và không hoạt động thể chất - 3 yếu tố làm tăng nguy cơ mất trí nhớ. Ngoài ra, cô đơn cũng làm tăng mức độ căng thẳng tinh thần (stress), bởi nồng độ cao hoóc-môn gây stress cortisol làm hao mòn phần não liên quan đến khả năng ghi nhớ và góp phần gây sa sút trí tuệ.

Tăng gấp đôi nguy cơ tiểu đường tuýp 2

Thông qua các cuộc điều tra dân số trong giai đoạn 1995-2019, các nhà khoa học Na Uy đã phân tích thông tin sức khỏe của hơn 24.000 người, bao gồm 1.179 người phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2. Dựa trên mức độ cô đơn mà người tham gia tự đánh giá, họ nhận thấy mức độ cô đơn cao hơn lúc bắt đầu nghiên cứu có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn vào thời điểm 20 năm sau. Sau khi so sánh các yếu tố nguy cơ khác như tuổi tác và giới tính, nhóm nghiên cứu nhận thấy những người tự nhận "cô đơn rất nhiều” có nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2 cao gấp đôi so với người "không cảm thấy cô đơn".

Tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ

Các nhà nghiên cứu ở Ðại học York (Anh) phát hiện việc ít kết nối xã hội làm tăng 29% nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành và tăng 32% nguy cơ đột quỵ. Kết quả này được các chuyên gia đưa ra sau khi điều nghiên 23 nghiên cứu, bao gồm 11 nghiên cứu về bệnh tim và 8 nghiên cứu về đột quỵ. Nghiên cứu trước đó cũng chỉ ra mối liên hệ giữa bệnh tim với stress và chứng viêm - một tác động phụ của sự cô đơn.

Dễ béo phì

Nhiều nghiên cứu cho thấy cô đơn dễ dẫn tới tăng cân quá nhiều. Ðơn cử, các chuyên gia tại Trung tâm y tế Ðại học Hamburg-Eppendorf (Ðức) đã phân tích 6 nghiên cứu về béo phì, cô đơn hoặc tự tách biệt, qua đó phát hiện có 2 nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa cô đơn và béo phì. Một lý giải dễ hiểu là mỗi khi thấy cô đơn, người ta có xu hướng ăn uống thỏa thích và bỏ tập thể dục.

Tăng nguy cơ trầm cảm

Cảm giác cô đơn kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng liền có thể là dấu hiệu của trầm cảm, tình trạng dễ đi kèm với tâm trạng tuyệt vọng, kém tập trung và có ý định tự tử. Khi một người trầm cảm, họ thường trốn trong nhà và tránh gặp bạn bè, nên càng làm tăng cảm giác cô đơn. Vòng luẩn quẩn “cô đơn - trầm cảm - cô đơn” có thể không bao giờ kết thúc, nếu không chữa trị kịp thời.

Theo Daily Mail

comment Bình luận

largeer