Công dụng làm thuốc của cây sòi tía

Cây sòi tía (hay còn gọi là sòi bạc), có tên khoa học là Sapium discolor, thuộc họ thầu dầu. Trong y học cổ truyền, loài cây này được dùng điều trị nhiều bệnh thường gặp như mụn nhọt, lở loét, xơ gan cổ trướng,…
03/11/2023 05:52

Cây sòi tía giống cây sòi xanh ở chỗ đều là cây thân gỗ lâu năm, quả tròn nhưng khác nhau rõ rệt về đặc điểm lá. Lá cây lúc còn non có màu đỏ tía, lúc trưởng thành có màu xanh, đến khi già, vào mùa thu (tháng 7) cũng chuyển sang màu đỏ tía.

Phiến lá sòi tía có hình bầu dục, nhọn về đuôi và mặt dưới có màu phấn lục, có lá kèm (còn lá cây sòi xanh thì tròn nhọn về đuôi, có màu xanh). Hoa của cây sòi tía mọc thành cụm và đặc biệt là không có cánh.

Công dụng làm thuốc của rễ cây sòi tía

Rễ sòi tía có thể thu hái quanh năm, sau đó rửa sạch, cắt ngắn, phơi khô.

Theo y học cổ truyền, rễ sòi tía có vị đắng, tính hàn (lạnh) và có một ít độc. Thông thường, rễ cây được dùng làm thuốc tăng nhu động ruột và điều trị các chứng như: Lở ngứa ngoài da, bạch trọc, đi tiểu ít và đòn ngã tổn thương.

Với trường hợp bị rắn cắn, bạn có thể dùng rễ cây sòi tía để sơ cứu bằng cách lấy 10 – 15g rễ cây, cắt nhỏ ra rồi nấu lấy nước, sau đó hòa với một ít rượu và uống. Ngoài ra, bạn cũng cần lấy thêm một ít lá tươi giã nát rồi đắp lên vết rắn cắn (nếu có lá bồ cu vẽ thì cùng giã nát, đắp lên). Sau khi sơ cứu, người bị rắn cắn nên đến trạm y tế để chẩn đoán thêm.

Riêng vỏ rễ: Vỏ rễ cây sòi tía được dùng điều trị táo bón, xơ gan cổ trướng và phù thũng do viêm thận. 

Liều lượng: Mỗi ngày sắc lấy nước uống từ 3 – 10g (trong một vài trường hợp, thầy thuốc có thể tăng lên 10 – 15g vỏ rễ cây mỗi ngày).

Cây sòi tía. Ảnh: Caythuoc.org

Cây sòi tía. Ảnh: Caythuoc.org

Lưu ý:

- Không được uống quá liều.

- Phụ nữ mang thai không được uống.

- Vì thuốc hơi độc nên những người cơ thể suy nhược cũng không nên uống.

Công dụng làm thuốc của lá cây sòi tía

Bên cạnh rễ cây thì lá cây sòi tía cũng được dùng làm thuốc với các công dụng như:

- Sơ cứu rắn cắn.

- Chàm (eczema).

- Đòn ngã làm sưng đau ngoài da.

- Bệnh zona.

- Áp xe vú, mụn nhọt, đinh nhọt.

- Dị ứng ngoài da.

- Lở loét da.

Cách dùng: Lấy một lượng lá tươi (vừa đủ), rửa sạch, giã nát rồi đắp lên. Riêng với trường hợp áp xe vú, khi giã nát lá sòi tía, bạn nên thêm vào một ít đường rồi mới đắp lên.

Thông tin thêm

Ở Trung Quốc, cây sòi tía được gọi là hồng tâm ô cữu và vừa được trồng làm cảnh (nhờ lá đẹp đổi màu), vừa được dùng làm thuốc với nhiều công dụng tương tự như đã đề cập ở trên.

Các loài lân cận

Ngoài cây sòi tía được đề cập trong bài viết này thì ở nước ta còn có một số loại khác cũng được dùng làm thuốc như:

Cây sòi (hay còn gọi là cây sòi xanh, có tên khoa học là Sapium sebiferum): Lá sòi xanh được dùng điều trị bệnh sán máng (nấu uống từ 8 – 30g mỗi ngày, uống liên tục 1 tháng); vỏ rễ cây điều trị cổ trướng, phù thũng, táo bón và viêm gan siêu vi trùng (sắc uống từ 3 – 6g). Tuy nhiên, cây này cũng hơi độc nên cần hỏi thêm ý kiến thầy thuốc trước khi dùng.

Cây sòi lá tròn (hay còn gọi là cây sòi bòng, có tên khoa học là Sapium rotundifolium): Lá và quả cây sòi lá tròn được dùng ngoài da để điều trị mẩn ngứa, ghẻ nấm và mụn lở.

Cây sòi quả mọng (có tên khoa học là Sapium baccatum): Vỏ rễ cây sòi quả mọng có tác dụng sát trùng, thông tiện và giải độc.

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer