Công dụng làm thuốc của sương sâm lông

Sương sâm lông là loài cây quen thuộc ở miền Tây, theo kinh nghiệm dân gian, đem lá sương sâm lông nhồi với nước cho ra chất sâm, lọc lấy rồi đợi cho nó đông thành thạch để ăn cùng nước đá thì sẽ có tác dụng nhuận tràng, giảm táo bón, thanh nhiệt, giải khát, giảm nóng trong người, giảm cân, lợi tiểu,...
06/03/2024 17:06

Mỗi loại sương sâm có một hương vị riêng trên nền tảng hương sâm, ví dụ như sâm lá trơn thì có hương đậm và sâu còn sâm lông thì hương nhẹ nhưng mùi mẫn. Ngay cả khi chưa vò, các lá sâm vẫn nằm trong rổ nhưng khi đưa mũi vào ngửi thì đã thấy thơm ngào ngạt.

Ở Tây Nam Bộ có hai dòng sương sâm phổ biến, đó là sâm lá trơn và sâm lông. Với sâm lá trơn thì dù có nhiều loại như sâm rừng, sâm nhà… nhưng lại dễ nhận biết vì hình dáng, độ thuôn dài và mùi vị của các lá đều có nét riêng. Còn sương sâm lông thì lại hay bị nhầm với nhiều loại khác.

Thứ nhất, dây sâm lông hay bị nhầm với dây mối, dây tiết dê (ở An Giang, Kon Tum, dây mối cũng được gọi là dây sâm lông). Hiển nhiên, lá mối và lá sương sâm ở miền Tây đều có thể vò thành thạch và có vị lạt, ăn vào rất mát (ngoài ra thì lá sâm trơn, lá dành dành, lá tiết dê… cũng vò thành thạch ăn được).

Thứ hai, dây sâm lông hay bị nhầm với dây lõi tiền (có nơi còn gọi dây lõi tiền là dây mối) vì hình dáng bên ngoài của chúng khá giống nhau. Trên thực tế, nhiều người đã hái nhầm lá lõi tiền, đem về vò thì phần thạch đông lại rất đắng lại có nhiều bọt (lá lõi tiền rất đắng, không có lông như lá sâm lông và có hơn 3 loại khác nhau nhưng không dùng để ăn). Vì vậy, khi vào rừng hái lá sâm lông hoặc mua lá khô qua mạng, bạn cần chú ý lựa chọn nơi uy tín để tránh mua nhầm.

suongsamlong

Sương sâm lông (Ảnh: Caythuoc.org)

Đặc điểm của sâm lông

Để nhận dạng dây sương sâm lông hay được trồng và rao bán tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang… thì bạn cần chú ý các đặc điểm sau:

Thứ nhất, dây, nhành, lá, cuống hoa và quả sương sâm lông, tất cả đều có lông toàn diện. Với lá thì lá non nhiều lông hơn, về già các lông này rụng bớt. Trên phiến lá, mặt trên có lông và có màu xanh hoặc xanh ngả vàng (do điều kiện đất đai, độ già của lá), mặt dưới có rất nhiều lông (lông mọc dày hơn nhiều so với mặt trên nên nếu bạn sờ vào thì sẽ thấy hơi rích nhám và khó vuốt), mặt dưới này có màu trắng đục. Hiển nhiên, nếu mua lá khô thì rất khó để nhận dạng.

Thứ hai, trái sương sâm lông có đầy lông măng bên ngoài và tròn dẹp, có màu xanh lá cây nhạt và mọc thành chùm trông như chùm nho tí hon. Đặc biệt, khi chín, trái sâm lông sẽ chuyển thành màu trắng đục (chứ không phải màu đỏ, màu hồng như các loại dây khác).

Công dụng của sương sâm lông

Sương sâm lông là loài cây quen thuộc ở miền Tây. Chén thạch sương sâm ăn mát giữa trưa hè, thêm chút nước cốt dừa và đường nữa thì tạo thành một hương vị khó quên. Theo kinh nghiệm của người dân miền Tây, đem lá sương sâm lông “nhồi” với nước cho ra chất sâm, lọc lấy rồi đợi cho nó đông thành thạch để ăn cùng nước đá thì sẽ có tác dụng:

Nhuận tràng, giảm táo bón: Công dụng này có thể thấy rõ khi bạn ăn từ 1 – 2 ly sương sâm (ly đầy). Nếu bạn lỡ ăn quá nhiều, bạn còn có thể bị xổ (tiêu chảy) vì sương sâm có tính mát (hàn).

Thanh nhiệt, giải khát, giảm nóng trong người: Các tác dụng này bạn sẽ cảm nhận rõ rệt ngay sau khi ăn. Với những thanh thiếu niên bị nổi mụn do nóng nhiệt thì ăn sâm vài ba lần mỗi tuần cũng sẽ giúp mát máu, bớt nóng trong người và mụn cũng giảm dần.

Lợi tiểu: Nếu để ý, bạn sẽ thấy sau khi ăn sương sâm lông, bạn sẽ đi tiểu nhiều hơn và những người bị tiểu rắt, tiểu són cũng dễ tiểu hơn.

Giảm cân: Với công dụng này thì tôi là người đã từng thử nghiệm và thấy hiệu quả. Đó là vì thạch sương sâm là phần chất nhầy gặp nước nên trương phình ra, đông thành thạch. Vì thế, mức năng lượng trong thạch sương sâm thấp và khi bạn ăn vào, bạn sẽ có cảm giác no, không muốn ăn thêm đồ ăn khác nữa. Tuy nhiên, bạn cũng cần cẩn trọng một điều: sương sâm có tính mát nên khiến trong người mát mẻ, dễ chịu và vì thế, nó sẽ dễ gây mập nếu bạn không kiểm soát chế độ ăn tốt (ăn sương sâm nhưng vẫn ăn nhiều loại thức ăn khác và không giảm khẩu phần ăn).

Những lưu ý khi dùng sương sâm lông

Thời điểm vò sâm: Trên thực tế, có nhiều người vò sâm thường bị hỏng ngay lần vò đầu tiên (không đặc, đầy bọt xốp, đặc nhưng bở, màu thạch và độ sánh của thạch không đều). Vì vậy, để hạn chế điều này, sau khi hái lá sâm và rửa, bạn không nên vò ngay mà nên để nửa ngày rồi hãy vò (lúc này lá sâm hơi héo héo, bạn vò thì sẽ ít bị bọt hơn và thạch cũng sánh đẹp hơn).

Cách vò: Gọi là vò nhưng thật ra là bạn cần “nhồi” như nhồi bột, ấn từ trên xuống và cuộn nhồi, như vậy thì thạch sẽ ít bọt hơn.

Chọn lá: Bạn chọn lá vừa hoặc lá già nhưng chưa chuyển vàng (nếu có hái lá non thì tỉ lệ lá non phải thấp hơn lá vừa).

Rửa lá: Khi rửa lá, bạn nên chú ý bỏ đi những lá bị rầy mò, rệp sáp, côn trùng… đẻ trứng ở mặt dưới (tình trạng này khá phổ biến).

Đối với lá sâm lông khô: Lá sương sâm khô cũng có thể vò thành thạch nhưng nhiều người thường thất bại khi vò (nước sâm không đặc lại). Hơn nữa, màu thạch sương sâm cũng hơi nâu tái nên nhìn không tự nhiên và hấp dẫn như thạch được làm từ lá tươi (hoặc lá dốt dốt sau 3, 4 ngày). Vì vậy, trong trường hợp muốn mua lá sương sâm lông, bạn cũng có thể cân nhắc mua lá tươi (nếu thời gian chuyển hàng dưới 3 ngày và người gói hàng có chọc lỗ thoáng khí khi gửi).

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer