Công thức rượu xoa bóp giúp giảm đau nhức xương khớp ở người lớn tuổi

Đau nhức xương khớp là chứng bệnh mà bất kỳ ai cũng có thể mắc phải, nhất là những người lớn tuổi. Ngoài việc dùng cao dán, thuốc xịt và thuốc uống giảm đau (theo Tây y) thì ta cũng có thể dùng các bài thuốc Đông y, trong đó có thuốc xoa bóp để giảm đau nhức.
19/08/2023 16:50

Công thức thuốc rượu xoa bóp giúp giảm đau nhức

Củ gừng tươi (80g), đại hồi hương (20g), đinh hương (20g), vỏ quế (20g), rượu trắng nguyên chất (mua rượu khoảng 30 đến 40 độ, dùng 1 lít).

Lưu ý: Vỏ quế là vỏ của cây quế thân gỗ, được bán trong tiệm thuốc Bắc, không phải vỏ cây rau quế (trong Nam Bộ) mà nhiều người hay lầm tưởng.

Ảnh: Caythuoc.org

Ảnh: Caythuoc.org

Cách thực hiện:

Bước 1: Với củ gừng tươi, ta rửa sạch và thái sợi mỏng. Với đại hồi hương, ta ngắt nhỏ từng cánh rồi sao vàng lên. Với đinh hương, ta cũng sao lên và với vỏ quế thì ta giã nát.

Bước 2: Cho tất cả các nguyên liệu trên vào một cái bình thủy tinh rồi đổ 1 lít rượu trắng vào, đậy nắp kín. Rượu thuốc này để từ 7 - 10 ngày là có thể thoa (mỗi ngày, bạn nên lắc nhẹ nhàng vài cái để các dược liệu thấm thuốc tốt hơn). Sau khi thấy nước rượu thuốc chuyển sang màu nâu đen là bạn có thể bôi lên các vị trí đau nhức xương khớp (kết hợp với động tác vỗ nhẹ và xoa bóp để rượu thuốc thẩm thấu sâu và thuốc có hiệu quả hơn).

Số lần dùng: Dùng hằng ngày, mỗi ngày 3 lần.

Lưu ý:

- Rượu thuốc xoa bóp này có thời hạn sử dụng từ 40 đến 50 ngày.

- Không nên thoa thuốc vào các vùng da có vết thương hở để tránh rát da và làm tình trạng nặng thêm.

- Nên bảo quản rượu thuốc ở những nơi khô ráo, thoáng mát để dùng được lâu hơn.

- Cơ địa cũng như bệnh lý của mỗi người khác nhau. Do đó, thời gian thấy hiệu quả cũng sẽ khác và nên tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng.

Vì sao công thức trên lại hỗ trợ giảm đau xương khớp?

Củ gừng tươi: Theo Đông y cũng như theo kinh nghiệm dân gian thì củ gừng là một trong những vị thuốc giúp giảm đau và điều trị chứng đau nhức xương khớp rất tốt. Cụ thể, củ gừng có chứa các hoạt chất giúp ngăn chặn sự hình thành của leukotrienes (gây ra đau nhức), chứa gingerol và nhiều chất khác có tác dụng chống viêm. Theo một số nghiên cứu thì người bị đau cơ do vận động, khi sử dụng gừng cũng sẽ ít đau hơn vào ngày hôm sau.

Đại hồi hương: Hồi hương là vị thuốc có tác dụng làm dịu, giảm đau nhức rất hiệu quả. Theo nhà nghiên cứu Đỗ Tất Lợi thì đại hồi tính ôn, vị cay, có tác dụng điều trị đau nhức và thường được dùng trong các bài thuốc rượu xoa bóp giúp giảm đau.

Đinh hương: Đinh hương là vị thuốc nổi tiếng với tác dụng gây tê, được dùng trong nhiều công thức dầu gió và dầu xoa bóp, rượu xoa bóp (để điều trị nhức mỏi tay chân, nhức mỏi toàn thân và lạnh tay chân). Ngoài ra, đinh hương còn nổi tiếng với công dụng điều trị đau răng.

Vỏ quế: Vỏ quế vị cay, tính ấm nên được dùng làm thuốc xoa bóp khi bị đau nhức xương khớp, đau lưng. Ngoài ra, vỏ quế còn có tác dụng kháng khuẩn, giảm đau nên dùng ngoài da cho các trường hợp bầm tím sưng đau cũng rất tốt.

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer