Đặc thù tâm lý lứa tuổi và cách giải quyết

Rất nhiều nhà tâm lý học cho rằng, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, tấm gương của cha mẹ… có hình hài như thế nào thì đứa trẻ phản ánh đúng như thế vào các mối quan hệ tại trường và ngoài xã hội. Dưới đây là chia sẻ của TS. Nguyễn Thị Thanh Nga - Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam về đặc thù tâm lý lứa tuổi học sinh, sinh viên (HSSV).
14/09/2021 18:20

Theo TS Nguyễn Thị Thanh Nga, sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người đều chịu ảnh hưởng từ 3 lực lượng giáo dục gồm: gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên quyết định đến việc hình thành đạo đức, lối sống cho học sinh.

Gia đình thiếu sự yêu thương, quan tâm hoặc giáo dục không đúng cách chính là yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống đạo đức của học sinh. Yếu tố thứ hai dẫn tới những hành vi lệch chuẩn hiện nay của học sinh chính là việc tiếp xúc với Internet, điện thoại thông minh, mạng xã hội, phim ảnh, âm nhạc,… mà chưa được giáo dục các kỹ năng cần thiết như sử dụng như thế nào? Lựa chọn các thông tin thu nạp? Kỹ năng ứng phó với việc sử dụng internet quá đà…

chamegiaoducdaoduc

Yếu tố thứ ba đó chính là trường học. Chúng ta cũng cần nhìn nhận rằng: Giáo dục là con đường cơ bản nhất trong việc phát triển nhân cách của con người thông qua việc định hướng và tổ chức dẫn dắt quá trình hình thành, phát triển nhân cách của cá nhân (xác định mục đích giáo dục cho cả hệ thống, cho từng bậc học, cấp học, trường học và từng hoạt động giáo dục cụ thể; Xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch dạy học và giáo dục, lựa chọn phương pháp, phương tiện và hình thức giáo dục đáp ứng mục đích giáo dục, phù hợp với nội dung và đối tượng, điều kiện giáo dục cụ thể; Tổ chức các hoạt động giáo dục; Đánh giá, điều chỉnh nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục…).

Giáo dục con người nhất thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - xã hội. Tuy nhiên, trong câu chuyện về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, chúng ta cũng cần nghiêm túc nhìn nhận lại xem công tác giáo dục đạo đức đã được quan tâm đúng mức chưa? Có thiên về kiến thức: Văn, Toán, tiếng Anh, Lý, Hóa… hơn so với các môn như: đạo đức, giáo dục công dân không? Công tác giáo dục đạo đức cho học sinh đã đạt hiệu quả chưa…?

Căn cứ trên những vấn đề về sức khỏe tâm thần cũng như những hiện tượng tiêu cực nảy sinh trong đời sống học đường, tham vấn tâm lý cần hướng tới những nội dung cơ bản sau: Cần cung cấp và tham vấn cho các em về những vấn đề tâm lý lứa tuổi, giới tính, sức khỏe sinh sản... ; Cần tham vấn và giáo dục kỹ năng, biện pháp ứng xử văn hóa trong học đường. Đặc biệt, là tham vấn và giáo dục các kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại; Tham vấn học đường cần hướng vào việc trợ giúp tâm lý học sinh nhận thức được thế mạnh/tiềm năng của mình để tự giải quyết/ứng phó với những khó khan tâm lý gặp phải. Bên cạnh đó, tham vấn học đường cần phát hiện sớm những nguy cơ gặp khó khăn tâm lý ở học sinh trong học tập, quan hệ xã hội để phòng ngừa thông qua việc xây dựng những chương trình nhằm cải thiện môi trường học tập, quan hệ xã hội trong nhà trường; Tham vấn học đường cần có các chiến lược nhằm giúp học sinh phát triển khả năng học tập như: giúp học sinh đánh giá khả năng, hứng thú, tài năng và đặc điểm nhân cách của mình; tham vấn về kỹ năng, phương pháp học tập hiệu quả và đặc biệt là định hướng nghề nghiệp.

Tất nhiên, để làm những nội dung này cần đảm bảo người làm công tác tham vấn học đường được đào tạo và có chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp. Trên thực tế, hiện nay ở các trường đã có phòng tham vấn học đường. Tuy nhiên, các trường thường sử dụng giáo viên chủ nhiệm, cán bộ làm công tác đoàn đội… kiêm nhiệm. Điều này gia tăng áp lực công việc của giáo viên, mặt khác do không được đào tạo bài bản nên trong công tác tham vấn tâm lý còn nhiều lúng túng.

Thêm vào đó, giáo dục nói chung và giáo dục đạo đức nói riêng đó là việc diễn ra trong suốt cuộc đời và không phụ thuộc vào việc học online hay offline. Hiện nay, chúng ta nói nhiều đến “dạy học phát triển năng lực”. Như vậy, kiến thức chỉ là một phần, điều quan trọng là từ kiến thức đó, bạn hình thành ở học sinh những năng lực thực tiễn gì. Chính vì vậy, dù là môn Toán, Hóa, Lý, hay môn Sinh… là giáo viên bạn nên tư duy để cài cắm vào đó các bài học đạo đức một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu.

Hiểu tâm tư của HSSV để giải quyết vấn đề tâm lý

Theo TS Nguyễn Thị Thanh Nga, để phòng và trị tận gốc thì giáo dục không chỉ hướng đến kỹ năng sống mà giáo dục thật tốt các giá trị sống.

Từ xưa đến nay, chúng ta vẫn hay nói rằng “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Đặc biệt, giai đoạn lứa tuổi THCS là giai đoạn khủng hoảng với nhiều biến động trong sự phát triển tâm sinh lý.

Tò mò, ham mê khám phá, mong muốn thể hiện mình, bốc đồng, thiếu kiểm soát, thường hành động trước khi suy nghĩ chín chắn… là những biểu hiện thường thấy của học sinh ở giai đoạn này.

Trước tiên, chúng ta cần nhìn nhận những hành vi này là đặc điểm lứa tuổi, tránh dán nhãn cho học sinh là “láo, vô đạo đức, mất dạy…”. Việc báo cáo với nhà trường và gia đình là cần thiết trong việc phối hợp giáo dục nhưng cần tránh phối hợp trong việc “phạt, hoặc bêu gương”.

taosanchoi

Giáo viên nhất thiết phải nắm vững đặc điểm tâm lý lứa tuổi của các em. Giáo dục học sinh “cá biệt” cần xuất phát từ mong muốn phát triển nhân cách của học sinh chứ không phải vì thành tích của lớp. Vì khi chúng ta nhìn vào thành tích, chúng ta thường nôn nóng, sốt ruột và thiếu đi tình cảm.

Đối với một học sinh cá biêt, giáo viên đừng đóng vai là “người phán xử” hay “cảnh sát, công an”, hãy tìm cách trở thành bạn của các em. Khi đó, chúng ta mới có thể nói chuyện, tìm hiểu nguyên nhân, tâm tư và đưa ra những lời khuyên hợp lý.

Thay đổi hành vi của một con người, uốn nắn một nhân cách, ngoài việc áp dụng các phương pháp còn cần gửi vào đó cả tình cảm và sự mến yêu.

Giáo dục đạo đức mà diễn ra bằng các hình thức khô cứng, hình thức hoặc chỉ là hô hào khẩu hiệu sẽ không thu lại kết quả như mong muốn. Giáo dục đạo đức cần hướng vào các hành động thực tiễn chứ không nặng tính học thuật.

Nhà trường có thể xây dựng các nội dung giáo dục lối sống cho học sinh dựa trên các hiện tượng nổi cộm trong xã hội, các hành vi lệch chuẩn xuất hiện trong đời sống học đường.

Một nguyên lý mà nhà giáo dục nào cũng cần hiểu đó là: “Chúng ta chỉ có thể cho người khác cái mà chúng ta có”. Trong giáo dục đạo đức, lối sống cũng vậy; Chỉ khi nào các thầy cô là những cây nhân cách, là những bậc thầy hiền trí chúng ta mới có thể trao truyền cho thế hệ học trò những phẩm chất đạo đức tốt đẹp được. Vì vậy, tôi đề cao vấn đề xây dựng hình mẫu từ chính đội ngũ giáo viên và nhân viên trong nhà trường.

“Tam bảo” để giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh gồm: Người thầy hiền trí, bạn tốt và tủ sách hay. Thầy cần là người thầy đủ năng lực và phẩm chất nhân cách.

Trong nhà trường bắt buộc phải xây dựng bằng được thư viện, và không thể thiếu những cuốn sách hay về các vĩ nhân. Nên xây dựng văn hóa đọc, hướng dẫn cách chọn sách và cách đọc sách cho học sinh.

Vì tự học vẫn là một kỹ năng quan trọng nhất trong quá trình phát triển nhân cách của mỗi người. Giáo dục đạo đức, lối sống cũng có thể thông qua các nhóm bạn. Vì với học sinh, quan hệ bạn bè yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến nhân cách của các em.

Ngoài ra, cần có sự gắn kết các lực lượng giáo dục trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Cần thay đổi hình thức họp phụ huynh theo hướng thiết thực nhất như: tổ chức nhiều buổi “Parenting” trong đó tập trung trao đổi, chia sẻ về phương pháp giáo dục để nhà trường, gia đình hiểu nhau hơn, phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác giáo dục con trẻ.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer