Dịch COVID-19 đang giảm mạnh ở các điểm nóng nhất của thế giới
Số ca mắc mới, số ca nhập viện và số người chết vì COVID-19 đã giảm đáng kể trên toàn thế giới, đặc biệt tại những điểm nóng nhất của dịch bệnh.

Người dân đi bộ qua khu vực gần cầu Waterloo trong đại dịch COVID-19 tại thủ đô London, Anh ngày 5-2 - Ảnh: REUTERS
Theo báo New York Times, một tháng trước tình hình dịch bệnh thế giới còn rất ảm đạm với hơn 750.000 ca mắc COVID-19 trên toàn cầu được ghi nhận chỉ trong một ngày; số ca mắc tăng trên toàn nước Mỹ; các biến thể mới được tìm thấy tại Anh, Brazil và Nam Phi đe dọa lây lan ra những nước khác.
Tuy nhiên tháng qua đã chứng kiến những chuyển biến nhanh đáng ngạc nhiên về dịch bệnh. Số ca mắc mới đã giảm một nửa so với thời điểm đỉnh dịch toàn cầu.
Đồ họa của New York Times cho thấy trong 28 ngày qua, số ca mắc mới đã giảm 40-86% tại 28 nước, trong đó có nhiều quốc gia đã hoặc đang là điểm nóng của đại dịch như Mỹ (giảm 62%), Anh (giảm 70%), Tây Ban Nha (giảm 69%)...
Mặc dù số ca nhiễm chưa phải là con số thực sự phản ánh chính xác về tình hình đại dịch do công tác xét nghiệm và ghi nhận tình hình ca mắc không phải được làm tốt đồng đều ở mọi nơi, song việc có ít người bệnh phải tới viện điều trị tại nhiều nước có tỉ lệ mắc cao khiến giới chuyên gia tin rằng xu thế giảm của dịch bệnh hiện nay là thực.

Từ trái qua: Các bảng đồ thị của báo New York Times biểu thị tình hình dịch bệnh trong 28 ngày qua: Số ca giảm mạnh tại 28 nước; Số ca giảm ở 17 nước; Số ca không thay đổi tại 10 nước; Số ca tăng ở 23 nước - Ảnh chụp màn hình
Giới chuyên gia cho rằng những tín hiệu tích cực trong diễn biến đại dịch COVID-19 có được lúc này là nhờ vào một số nguyên nhân chính: tuân thủ nghiêm túc giãn cách xã hội và đeo khẩu trang, tính chất hoạt động theo mùa của virus và mức độ tăng dần của khả năng miễn dịch tự nhiên trong những nhóm người có tỉ lệ lây nhiễm cao hiện nay.
Lúc này, dư luận đang rất hi vọng quá trình triển khai tiêm phòng vắc xin rộng rãi sẽ giúp ngăn chặn thêm số ca mắc mới cũng như số người chết. Dù vậy, cũng có không ít lo lắng về nguy cơ tiềm ẩn từ các biến thể mới cũng như nhiều nguy cơ khác liên quan dịch bệnh.
Bà Wafaa El-Sadr, nhà miễn dịch học tại ĐH Columbia, Mỹ bình luận về tình hình dịch bệnh hiện nay: "Chúng ta đã thấy ánh sáng cuối đường hầm nhưng nó vẫn là một đường hầm dài".
Nhiều quốc gia vẫn đang loay hoay trong dịch. Brazil chật vật ứng phó với sự trỗi dậy nghiêm trọng của chủng biến thể virus mới xuất hiện tại nước này. Các bệnh viện tại Tây Ban Nha đang tiếp nhận số ca bệnh cao hơn trước ngay cả khi thống kê ca bệnh mới giảm.
Một số nước châu Âu như CH Czech, Estonia và Slovakia vẫn có tỉ lệ mắc bệnh cao.
Theo Tuổi trẻ

- bài viết liên quan
-
Nguyên nhân số người chết vì Covid-19 ở Mỹ cao nhất thế giới?
Mỹ hôm 22/2 ghi nhận hơn 500.000 người chết vì Covid-19, gần tròn một năm sau khi báo cáo trường hợp tử vong đầu tiên là một người tại thành phố Seattle ngày 29/2/2020. Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi cột mốc này là con số "đau lòng", kêu gọi đất nước đoàn kết chống đại dịch.February 23 at 2:57 pm -
Thế giới đã tiêm hơn 200 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19
đĐến chiều 20-2 đã có 201.042.149 liều vắc xin (vaccine) được tiêm chủng tại ít nhất 107 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó nhóm nước giàu G7 chỉ chiếm 10% dân số thế giới, nhưng lại chiếm tới 45% tổng số mũi tiêm.February 21 at 10:32 am -
Nga là nước đầu tiên trên thế giới có 3 loại vắc xin COVID-19
Hiện Nga đã phê duyệt loại vắc xin ngừa COVID-19 thứ 3 trong nước, trở thành nước đầu tiên trên thế giới có 3 loại vắc xin COVID-19.February 21 at 7:22 am -
COVID-19 làm thế giới đánh mất hơn 20 triệu năm tuổi thọ
Các nhà nghiên cứu đã so sánh tuổi của những người chết vì COVID-19 với tuổi thọ trung bình. Khi một người chết sớm, sự chênh lệch giữa hai cột mốc được coi là số năm tuổi thọ bị mất vì đại dịch.February 20 at 5:37 pm