Điều gì xảy ra khi dùng quá nhiều vitamin C?

Khi đại dịch COVID-19 ập đến, việc tăng cường miễn dịch cho cơ thể chống lại bệnh tật lại càng được nhiều người quan tâm hơn.
04/09/2020 19:33

Có nhiều cách, nhưng một số người đã tìm mua vitamin C về bổ sung cho mình và những người thân trong gia đình với hy vọng giúp tăng sức đề kháng. Thế nhưng, nếu bổ sung không đúng, quá liều sẽ gây nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe... Vậy điều gì xảy ra khi dùng quá nhiều loại vitamin này?

Tác dụng của thuốc

Vitamin C là chất rất quan trọng với cơ thể, giúp bảo vệ cơ thể bằng nhiều cách, chủ yếu thông qua chức năng chống oxy hóa, tổng hợp collagen, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể...

Về tăng cường hệ miễn dịch, vitamin C hỗ trợ sản xuất interferon, là loại protein do tế bào cơ thể tạo ra để chống lại tác nhân gây bệnh, là thành phần đạm quan trọng của hệ miễn dịch. Thiếu vitamin C, sự nhạy cảm với các bệnh nhiễm khuẩn tăng lên.

Người bị nhiễm khuẩn, vitamin C trong máu thường giảm, thiếu vitamin C, tính thấm mao mạch tăng, mạch dễ vỡ, da khô ráp. Nếu ăn đủ vitamin C, các glubulin miễn dịch IgA và IgM tăng, hoạt tính của bạch cầu tăng, kích thích chuyển dạng các lympho bào và giúp tạo thành các bổ thể. Vitamin C giúp tăng hấp thu các chất khoáng vi lượng (sắt, kẽm...) là những vi chất dinh dưỡng cần thiết cho hoạt động trí não.

Thiếu hụt vitamin C dẫn đến bệnh scorbut, trong đó có sự sai sót tổng hợp collagen với biểu hiện là không lành vết thương, khiếm khuyết về cấu tạo răng, vỡ mao mạch gây nhiều đốm xuất huyết, đám bầm máu, chảy máu dưới da và niêm mạc (thường là chảy máu lợi)...

Điều gì xảy ra khi dùng quá nhiều vitamin C? - Ảnh 1.

 

Ăn thực phẩm giàu vitamin C để đáp ứng nhu cầu hàng ngày.

Cảnh báo nguy cơ khi dùng quá nhiều

Thường xuyên ăn thực phẩm giàu vitamin C sẽ không dẫn đến bất kỳ vấn đề sức khỏe nào. Tuy nhiên, dùng quá nhiều vitamin C theo đường uống có thể gây ra một số bất lợi.

Tác dụng phụ nhẹ phổ biến khi dùng quá nhiều vitamin C bao gồm: Buồn nôn, nôn, mệt mỏi, mất ngủ, co thắt dạ dày, khó chịu ở bụng, đầy hơi, nhức đầu... Sau khi uống liều 1g hàng ngày hoặc lớn hơn, có thể gây tiêu chảy.

Tác dụng phụ nghiêm trọng ít phổ biến hơn nhưng một số rủi ro có thể xảy ra bao gồm:

Sỏi thận: Tăng oxalat niệu có thể xảy ra sau khi dùng liều cao vitamin C. Vitamin C có thể gây acid - hóa nước tiểu, đôi khi dẫn đến kết tủa urat hoặc cystin, hoặc sỏi oxalat, hoặc thuốc trong đường tiết niệu... Những hợp chất này có thể dẫn đến sự hình thành sỏi thận.

Làm mất cân bằng dinh dưỡng: Lượng vitamin C quá mức có thể làm giảm khả năng xử lý các chất dinh dưỡng khác của cơ thể. Ví dụ, vitamin C có thể làm giảm nồng độ vitamin B12 và đồng trong cơ thể (gây thiếu các chất này), hoặc tăng hấp thu sắt, dẫn đến nồng độ sắt cao (gây thừa sắt)...

Tương tác bất lợi với các thuốc khác: Vitamin C làm giảm hiệu quả của thuốc trị rối loạn mỡ máu niacin-simvastatin; dùng đồng thời vitamin C với aspirin làm tăng bài tiết vitamin C và giảm bài tiết aspirin trong nước tiểu. Vitamin C liều cao có thể phá hủy vitamin B12 (người bệnh tránh uống vitamin C liều cao trong vòng 1 giờ trước hoặc sau khi uống vitamin B12).

Dùng đồng thời vitamin C và fluphenazin dẫn đến giảm nồng độ fluphenazin huyết tương. Sự acid - hóa nước tiểu sau khi dùng vitamin C có thể làm thay đổi sự bài tiết của các thuốc khác.

Vitamin C là một chất khử mạnh, nên ảnh hưởng đến nhiều xét nghiệm dựa trên phản ứng oxy hóa - khử. Sự có mặt vitamin C trong nước tiểu làm tăng giả tạo lượng glucose nếu định lượng bằng thuốc thử đồng (II) sulfat và giảm giả tạo lượng glucose nếu định lượng bằng phương pháp glucose oxidase. Với các xét nghiệm khác, cần phải tham khảo tài liệu chuyên biệt về ảnh hưởng của vitamin C.

Dùng vitamin C liều cao kéo dài có thể dẫn đến hiện tượng nhờn thuốc, do đó khi giảm liều sẽ dẫn đến thiếu hụt vitamin C. Người bệnh thiếu hụt glucose - 6 - phosphat dehydrogenase dùng liều cao vitamin C tiêm tĩnh mạch hoặc uống có thể bị chứng tan máu. Huyết khối tĩnh mạch sâu cũng đã xảy ra sau khi dùng liều cao vitamin C.

Đối với phụ nữ mang thai: Vitamin C đi qua nhau thai. Nếu uống những lượng lớn vitamin C trong khi mang thai có thể làm tăng nhu cầu về vitamin C và dẫn đến bệnh scorbut ở trẻ sơ sinh.

Vì vậy, để bổ sung vitamin C an toàn, cần ăn các thực phẩm có chứa vitamin C để đáp ứng nhu cầu hàng ngày. Một số thực phẩm giàu vitamin C bao gồm: Bông cải xanh, rau ngót, mồng tơi, cam, quýt, chanh, đu đủ, dâu tây, cà chua... Chỉ bổ sung bằng thuốc khi cần thiết theo chỉ định của bác sĩ.

Chuyên gia Canada: Đeo khẩu trang khi quan hệ tình dục để ngăn ngừa lây nhiễm SARS-C0V-2

comment Bình luận

largeer