Đồng Nai chủ động thích ứng với già hóa dân số

Đồng Nai là tỉnh có số lượng người cao tuổi chỉ sau Hà Nội và TPHCM. Mặc dù tỷ lệ già hóa dân số chỉ chiếm dưới 10%, nhưng với con số 280.000 người cao tuổi ở Đồng Nai thì việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trên địa bàn tỉnh phải được quan tâm và đảm bảo. Bên cạnh đó, việc này cũng đã tạo ra thách thức không nhỏ đối với địa phương.
12/07/2023 11:10

Tổ chức các hoạt động khám sức khỏe định kỳ

Từ năm 2016, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt đề án chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trên địa bàn tỉnh với hai hoạt động chính đó là tập huấn cho cán bộ y tế về kiến thức, kĩ năng quản lý người cao tuổi tại cộng đồng và tổ chức chiến dịch khám sức khỏe hàng năm.

BS.CKII Lê Phương Lan - Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết: “Là cơ quan tham mưu cho Sở Y tế triển khai nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trên địa bàn tỉnh, hàng năm chúng tôi đã phối hợp với Bệnh viện ĐK Đồng Nai, Bệnh viện ĐK Thống Nhất, Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh để tổ chức các lớp tập huấn cho nhân viên y tế tại trạm y tế (TYT) xã, phường giúp họ có kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe ban đầu, những kỹ năng sơ cứu ban đầu đối với người cao tuổi.

Thông qua đội ngũ này, hàng năm chúng tôi tổ chức khám sức khỏe thường quy cho người cao tuổi tại TYT, trong các đợt khám này ngoài kinh phí do tỉnh cấp các đơn vị cũng vận động thêm kinh phí để mua quà tặng cho người cao cao tuổi, đây được xem là sự quan tâm của tỉnh, của ngành y tế, sự động viên đối với người cao tuổi. Từ nay đến 2030 Đồng Nai phấn đấu trên 95% người cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 1 lần/1 năm và được lập hồ sơ quản lý sức khỏe tại địa phương”.

Khám sức khỏe thường quy cho người cao tuổi tại trạm y tế

Khám sức khỏe thường quy cho người cao tuổi tại trạm y tế

Vừa qua, tại xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom, Trung tâm Y tế huyện và trạm y tế xã đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho hơn 80 người dân trên địa bàn xã và sàng lọc một số bệnh mà người lớn tuổi thường mắc phải như tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh thận và một số rối loạn chuyển hóa…

Ông Hoàng Thanh Tạo (75 tuổi người dân tại xã Quảng Tiến) cho biết, mỗi năm ông đều đến TYT thăm khám 1 – 2 lần. Ông được bác sĩ khám đầy đủ, tận tình, trong đợt khám sức khỏe năm nay bác sĩ cho biết ông bị cao huyết áp và cho thuốc uống cũng như tư vấn cách chăm sóc sức khỏe cho ông.

Hoạt động khám sức khỏe hàng năm cho người lớn tuổi nhận được rất nhiều sự quan tâm vì có thể được kiểm tra sức khỏe miễn phí mà không cần phải đi xa. Người dân ở địa phương cũng rất hài lòng vì sự quan tâm của Đảng và Nhà nước dành cho người cao tuổi.

Bà Phan Thị Mão, một người dân khác trên địa bàn xã chia sẻ thêm, trước đây bà được bên hội người cao tuổi đến nhà phát giấy mời để ra khám tại TYT. Tại đây, bà được bác sĩ cho đo huyết áp, đo đường huyết, siêu âm… kết quả cho thấy bà bị gan nhiễm mỡ, sỏi thận, được bác sĩ dặn dò uống nhiều nước và đến TYT tái khám, nếu vẫn chưa hết bệnh thì xin giấy chuyển tuyến lên bệnh viện để được điều trị dứt điểm.

Theo thông tin từ bác sĩ Nguyễn Thanh Minh - Trưởng trạm Y tế xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom. Thông thường mỗi năm TYT sẽ tổ chức khám bệnh 2 lần cho người cao tuổi. Cùng với đó, các bác sĩ vẫn khám, tư vấn, đánh giá để các cụ có thể chuyển tuyến. Bên cạnh việc được tiếp cận các dịch vụ y tế tốt hơn, qua các hoạt động khám bệnh này, người lớn tuổi cũng sẽ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe, tạo thói quen sống lành mạnh và đặc biệt là thay đổi quan niệm về sử dụng thuốc ở người cao tuổi.

BS.CKII Lê Phương Lan cũng chia sẻ thêm, ngoài huyện Trảng Bom, chiến dịch lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi năm nay cũng được triển khai rộng khắp các huyện, thành phố trong toàn tỉnh và phấn đấu tăng tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ mỗi năm lên 15%.

Đề ra phương án đối phó với việc già hóa dân số

BS.CKII Lê Phương Lan nhận định, trong thời điểm tốc độ già hóa dân số tăng nhanh để có thể chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người cao tuổi, ngành Y tế nên tăng cường hệ thống lão khoa. Tại các bệnh viện cần có Khoa lão khoa, nhân sự, cơ sở vật chất và bổ sung trang thiết bị y tế để có thể đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và khám sức khỏe cho người cao tuổi. Thậm chí nên thành lập một bệnh viện lão khoa trong tương lai, mặc dù hiện tại Đồng Nai vẫn chưa bước vào quá trình già hóa dân số nhưng số lượng người lớn tuổi khá nhiều và nhu cầu chăm sóc điều trị cũng đang ở mức cao.

Được biết, tại Đài Loan người ta đã cho xây dựng các trung tâm chăm sóc sức khỏe người già, nhất là chăm sóc sức khỏe người già ban ngày, đây được cho là một mô hình rất hay và đáng học hỏi. Các cụ sẽ được người thân đưa đến trung tâm để chăm sóc và sẽ đón về vào buổi chiều cùng ngày.

Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước nên quan tâm các chính sách về BHXH, BHYT cũng như cơ hội việc làm và thu nhập cho người lớn tuổi nhất là với những đối tượng không có nguồn vốn tích lũy.

Để đối mặt với nguy cơ già hóa dân số tỉnh Đồng Nai nên có các giải pháp giúp cân bằng tỷ lệ giữa sinh và tử, duy trì mức sinh thay thế hợp lý và nâng cao chất lượng chăm sóc điều trị để người lớn tuổi được sống lâu, sống khỏe hơn.

Ngoài ra, Đồng Nai hiện là tỉnh công nghiệp với nguồn lao động dồi dào từ khắp các tỉnh thành khác đổ về vì thế nên phát huy thế mạnh này để phát triển kinh tế của tỉnh. Song song đó là nâng cao chất lượng hệ thống khám chữa bệnh, bồi dưỡng chuyên môn và có chế độ đãi ngộ tốt cho nhân sự trong lĩnh vực y tế sức khỏe.

Tăng cường công tác truyền thông trong giới trẻ để hình thành thói quen sinh hoạt lành mạnh. Có chính sách động viên các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con và duy trì mức sinh thay thế này, như vậy mới có thể làm chậm quá trình già hóa dân số, đây được xem là chiến lược lâu dài mà Đồng Nai cần phải thực hiện ngay từ bây giờ.

Ngọc Nguyễn 

comment Bình luận

largeer