Gặp gỡ cụ ông từng lái máy bay Mi6 chở cờ vào miền Nam ngày Giải phóng 30/4/1975

Chiều hôm ấy chúng tôi cùng nhau đến thăm nhà cụ ông Nghiêm Phú Cừ (SN 1940) và cụ bà Nguyễn Thị Thuý Ngọ (SN 1942) ở Tổ dân phố Dưới, phường Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Khi thấy chúng tôi gọi, cụ bà đon đả ra cổng đón khách đến chơi nhà…
18/10/2023 08:59

Bước vào sân là mảnh vườn thân quen, là giếng nước xưa, 1 căn nhà ngói 5 gian hiện ra rất đỗi đơn sơ và giản dị. Cụ bà tay nhanh thoăn thoắt pha nước mời trà chúng tôi. Cụ ông nở nụ cười hiền hậu cùng tiếp chuyện. Hai cụ vui lắm khi có khách đến chơi, trò chuyện, hàn huyên.

Empty

Cụ ông Nghiêm Phú Cừ và cụ bà Nguyễn Thị Thuý Ngọ

Vừa rót nước, cụ bà liền kể chuyện: Hai cụ ngày xưa học cùng một lớp và tình yêu nảy nở, hai cụ đến với nhau nên duyên vợ chồng vào năm 1967. Cụ Cừ gia nhập quân đội và được cử cùng đoàn đi học lái máy bay Quân sự ở Liên xô vào năm 1961, khi tốt nghiệp trở về nước sau 5 năm học tập, cụ ông trở thành phi công Quân sự lái máy bay vận tải hạng nặng Mi6. Cụ bà làm công tác phát thanh viên ở Đài phát thanh Giải phóng cũng vào năm 1961.

Empty

Tổ bay 4 người của đoàn cụ ông (cụ Cừ đứng thứ hai từ trái sang)

Nhiệm vụ chính của trực thăng Mi6 là vận tải quân sự, chuyển quân và khí tài (máy bay có thể chở 90 lính với trang bị đầy đủ hoặc 40 cáng cứu thương cùng y bác sĩ, xe thiết giáp hạng nhẹ và xe tải quân sự. Cẩu máy bay tiêm kích cất dấu khi không quân Mỹ oanh tạc sân bay để bảo toàn lực lượng. Ngoài ra còn phục vụ một số nhiệm vụ đột xuất như chống thiên tai lũ lụt ví dụ như năm 1971 hỗ trợ xử lý sự cố vỡ đê sông Hồng... Đặc biệt, ngày 30/4/1975, tổ bay 4 người của cụ ông đã chở cờ vào miền Nam để Giải phóng hoàn toàn, thống nhất đất nước.

Empty

Máy bay trực thăng vận tải hạng nặng Mi6 tại bảo tàng Phòng Không – Không Quân do phi công Nghiêm Phú Cừ đã từng lái đang được trưng bày tại Bảo tàng Phòng Không – Không Quân số 173C đường Trường Chinh, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội (Ảnh: Bảo tàng Phòng Không – Không Quân)

Mỗi một công việc có một đặc thù riêng, đối với phi công Quân sự thì thời gian trực chiến và ở đơn vị là chủ yếu, khi có lệnh là sẵn sàng cất cánh vì nhiệm vụ, với phát thanh viên của Đài phát thanh Giải phóng thì công việc hết sức vất vả phải di chuyển vào sát chiến tuyến như tận Quảng Bình, Quảng trị nơi bom rơi đạn lạc kẻ thù luôn rình rập, giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Nhiệm vụ của Đài phát thanh Giải phóng là truyền đi những tin tức nóng hổi có tính thời sự động viên quân và dân miền Nam quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, tuyên truyền giác ngộ đối phương...

Empty
z4793531976949_49abebc19f60a9bc3abaadfe3b875cb9

Hình ảnh cụ Cừ thời trẻ

Sau này khi chiến tranh chống Mỹ kết thúc thì cụ Ngọ được chuyển về công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam số 58 phố Quán Sứ, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (VOV ngày nay) vì nhiệm vụ và sứ mệnh của Đài phát thanh Giải phóng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Lúc này cụ bà mới có điều kiện gần gia đình chăm sóc mẹ chồng già yếu và con nhỏ. Một nách 4 con nhỏ và mẹ già, cụ bà đã nỗ lực không ngừng ngoài công tác chuyên môn còn tăng gia sản xuất để phát triển kinh tế gia đình để cụ ông yên tâm công tác, phục vụ quân đội. Giai đoạn sau Giải phóng miền Nam nhiệm vụ của cụ ông lại chuyển hướng phục vụ phía Nam, chiến trường K…

Empty

Hình ảnh cụ Ngọ thời trẻ

Empty

Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Phát thanh Việt Nam” của cụ bà do Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam tặng

Chị Nghiêm Thị Bích Diệp – Con gái thứ ba của hai cụ cho biết: “Từ khi còn bé 4 chị em gái chúng tôi được nghe bố tôi kể về thời gian học Đại học quân sự chuyên ngành lái máy bay chiến đấu hạng nặng ở Liên Xô cũ và thời kỳ trở về Việt Nam chiến đấu chống Mỹ với vô vàn khó khăn, gian khổ. Thật may mắn bố tôi và chú Xuân Đại (ở Đại Mỗ) đã sống sót trở về với gia đình và quê hương. Một trong vô vàn phen tưởng chừng hy sinh cận kề là khi thả vũ khí tiếp viện cho quân ta rồi bay thốc lên thì pháo của địch bắn tầm cao, máy bay hạ tầm thấp thì núi sừng sững trước mặt đã tưởng khó có lối thoát, vậy mà đội bay đã thoát thân và bảo toàn máy bay không đâm vào núi... Máy bay Mi6 bố tôi lái cũng là máy bay đầu tiên hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất chở cờ vào đó ngày Thống nhất, chứng kiến cảnh quân địch tháo chạy, có một tên lính nguỵ đã tháo đồng hồ đeo tay giúi tặng bố tôi. Chiếc đồng hồ ấy bây giờ cũ rất hay hỏng nhưng bố tôi vẫn cứ muốn đeo làm kỷ niệm, bắt tội tôi mang đi sửa suốt. Cả chuyện mẹ tôi bắt đội người nhái của địch bò vào chống phá Đài phát thanh. Hồi ấy mẹ tôi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen tặng khi về thăm Đài tiếng nói Việt Nam…”. Còn rất rất nhiều chuyện về hai cụ, về những chiến công mà hai cụ đã đóng góp cho nền hoà bình, độc lập, tự do của Tổ quốc mà có lẽ một buổi chiều không thể kể hết được.

Empty

 Cụ bà "khoe" chiếc áo nhiều Huân, Huy chương "đầy chiến công" của cụ ông

Năm 1989, cụ Nghiêm Phú Cừ nghỉ hưu với quân hàm Trung Tá. Từ thời gian này, cụ Cừ tham gia sinh hoạt và trở thành Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tây Mỗ, rồi trở thành Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm ngày nay), thường vụ Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội.

Empty

Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng của cụ Nghiêm Phú Cừ

Những năm tháng chiến tranh vô cùng ác liệt và gian khó, hai cụ công tác xa nhau nhưng luôn vững vàng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Những điều đó đã được đất nước, con người Việt Nam ghi nhớ mãi muôn đời. Cụ ông được nhận Huân chương Chiến thắng hạng Hai, Huân chương Quân đội Giải phóng Việt Nam, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng,…

Empty

Hai cụ và con gái cả

Với những nỗ lực không ngừng, gia đình hai cụ đã nuôi dạy 4 con trưởng thành. Con gái cả là Nghiêm Thị Hằng Nga, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thịnh Hào, quận Đống Đa, Hà Nội. Con gái thứ hai là Nghiêm Thị Minh Hiền, Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội. Con gái thứ ba là Nghiêm Thị Bích Diệp, Tiến sỹ ngành Ngôn ngữ học, giảng viên Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Con gái út là Nghiêm Thị Thanh Hương, Công ty nước sạch quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Empty

Cụ ông và con gái thứ ba

Theo như lời của cụ bà kể vì bác trai hiện nay bị tai biến chưa thể khỏe, nên cụ bà mới là người tiếp chuyện chúng tôi. Dù vậy nhưng khi kể đến những kỷ niệm xưa thời gian khó thì cụ ông rất vui và xúc động dù câu nghe được, câu không nghe được nhưng thấy sắc mặt cụ ông rất vui và rạng rỡ. Hiện nay hai cụ đã được Nhà nước cho nghỉ hưu theo chế độ và sống bình dị tại quê nhà.

Empty

Cụ Nghiêm Phú Cừ và cụ Nguyễn Thị Thuý Ngọ

Cụ bà cứ chăm cụ ông từ ngày này qua ngày khác, cụ bà đi đâu, cụ ông theo chân từng bước – có lẽ là thời chiến tranh cụ vắng nhà nhiều nên giờ về tuổi xế chiều, cụ ông dành nhiều tình cảm, thời gian cho cụ bà để một phần nào đó bù đắp. Sáng sáng, cụ bà nấu phở, hay xôi, hai ông bà ăn, nửa buổi là cốc sữa nóng. Bữa trưa, bữa tối hai cụ ăn ít cá, chút thịt. Đúng với câu: “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”, cụ bà chăm cụ ông rất khéo. Nào thuốc huyết áp, nào thực phẩm chức năng bổ phổi, tăng cường sức đề kháng để bồi bổ sức khoẻ cho cả hai cụ, đều một tay cụ bà quán xuyến.

Empty

Hai cụ rất tình cảm

Được biết, hằng năm cụ ông và cụ bà vẫn đi gặp mặt các đồng đội ngày xưa vào mỗi dịp Kỉ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7). Ở nơi ấy, họ - những đồng đội từng chiến đấu anh dũng đã tay bắt mặt mừng, cùng nhau ôn lại một thời hoa lửa. Cụ bà cho biết, tổ bay 4 người của cụ ông ngày ấy vẫn còn sống, họ đã có thời gian gặp gỡ và nhận ra nhau.

Empty

Cụ ông vẫn đội chiếc mũ vải bộ đội ngày xưa

Cụ ông trên đầu vẫn đội chiếc mũ vải bộ đội ngày xưa, dù đã bạc màu nhưng vẫn in dấu của một thời oanh liệt và hào hùng, tay cụ vẫn đeo chiếc đồng hồ kỷ niệm ngày ấy. Đôi mắt hoài niệm nhìn xa xăm, có thể thấy hai cụ đang sống với những hoài niệm nhưng là những kỷ niệm đẹp đẽ nhất. Nét mặt cụ ông điềm tĩnh, thỉnh thoảng nở nụ cười hiền, ánh nhìn ra hướng cửa cứ vời vợi với những ký ức ấy…

Empty

Cuộc sống giản dị của hai cụ

Kết thúc buổi trò chuyện vui vẻ, chúng tôi chào tạm biệt hai cụ mà trong lòng vẫn vang vang tiếng kể chuyện đều đều của cụ bà – một cựu phát thanh viên Giải phóng… Chúng tôi – thế hệ trẻ của hôm nay sẽ mãi khắc ghi những điều mà cha ông ta đã cống hiến để Tổ quốc được như ngày nay sống xứng đáng với thế hệ đi trước, kế thừa truyền thống lịch sử của dân tộc.

Dương Hương – Nguyễn Trang - Ảnh: Con gái cụ Cừ cung cấp

comment Bình luận

largeer