Giải mã hiện tượng nấc cụt
Nấc cụt xảy ra đối với con người ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Vậy tại sao lại xuất hiện hiện tượng này, đây có phải là một chứng bệnh hay không?
Nấc cụt hay nấc cục gọi tắt là nấc xuất hiện là do sự co thắt đột ngột, không tự chủ và ngắt quãng của cơ hoành lặp đi lặp lại khiến cho dây thanh âm đóng lại nhanh tạo ra tiếng đặc trưng của nấc “hic”.
Đây là một trong số các phản ứng tự nhiên của cơ thể khi cơ hoành bị kích thích. Một cơn nấc bình thường kéo dài từ vài phút, vài giờ, không quá 24 giờ, tần số cơn nấc thay đổi phụ thuộc vào từng người khoảng từ 2 đến 60 lần 1 phút.
Một cơn nấc bình thường không ảnh hưởng tới sức khỏe và không cần điều trị, cơn nấc cụt sẽ tự hết.

Hình minh họa.
Trên thực tế, hiện tượng nấc cụt xuất hiện từ khi chúng ta còn là một bào thai. Khi mang thai em bé, thai lớn dần, mẹ sẽ cảm nhận được những chuyển động của bé trong bụng và phát hiện ra những điều thú vị. Nếu bạn cảm nhận được cú giật đều (giống như đồng hồ tích tắc) hoặc giống những tiếng gõ đều phát ra từ bên trong bụng dưới thì đây chính là dấu hiệu cho thấy thai nhi nấc cụt. Theo các chuyên gia, thai nhi nấc cụt là một hiện tượng hết sức bình thường và cho thấy hệ hô hấp của bé đang phát triển khỏe mạnh.
Những cơn nấc chỉ diễn ra khi hệ thần kinh trung ương của bé đã phát triển hoàn toàn để sẵn sàng cho việc thở. Nhiều chuyên gia cho rằng, thai nhi có thể nấc từ rất sớm.
Tiến sĩ Kimberley Whitehead, nhà khoa học đến từ Đại học College London (Anh) cho biết trên báo chí: "Những lý do tại sao chúng ta nấc không hoàn toàn rõ ràng, nhưng có thể có một lý do phát triển dẫn đến thai nhi và trẻ sơ sinh nấc thường xuyên."
Trẻ sinh non tháng - những em bé được sinh ra sớm hơn ba tuần trước ngày dự sinh - đặc biệt dễ bị nấc, chúng dành khoảng 1% thời gian - khoảng 15 phút mỗi ngày để nấc. Nấc cụt cũng có thể được quan sát trong bụng mẹ - đôi khi sớm nhất là 9 tuần sau khi mang thai.
Nghiên cứu được công bố trên báo Sinh lý học thần kinh lâm sàng, dựa trên kết quả quét não của 13 trẻ sinh non và đủ tháng, từ 30 đến 42 tuần tuổi thai.

Hình minh họa.
Nấc chỉ là một chứng đơn độc, nhưng cũng có khi là một dấu hiệu lâm sàng của một số bệnh nguy hiểm do nhiều nguyên nhân.
Trả lời trên Sức khỏe đời sống, Bác sĩ Nguyễn Văn Hà cho rằng: Thông thường, nấc do ăn không nhai kỹ và nuốt nhanh, vì vậy chỉ cần ăn chậm, nhai kỹ, triệu chứng nấc cụt sẽ chấm dứt. Nếu là trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ thì do bú quá nhanh và nhiều, cần giảm số lượng bú, thời gian bú thưa hơn. Nên bế bé ở tư thế đầu hơi cao hơn thân mình.
Nấc cũng có thể xuất hiện do tâm lý thường gặp ở những người cười nhiều, người bị stress, thần kinh căng thẳng hoặc cảm xúc quá mạnh. Nhưng đôi khi nấc có thể là trọng bệnh như: các bệnh trong lồng ngực (tim, phổi, trung thất); các bệnh ở ổ bụng như bộ máy tiêu hóa, gan, thận; viêm màng phổi thể khu trú ở cơ hoành, viêm mủ hoặc tràn dịch màng phổi hoặc bệnh ở các cơ quan trong ổ bụng như: viêm dạ dày, thực quản có khi gây nấc, thường đau vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua, nhất là lúc ăn chua, uống bia rượu; viêm màng bụng do tạp khuẩn, do lao cũng gây nấc.
Do vậy, chúng ta cần phải theo dõi hiện tượng nấc cụt, nếu xuất hiện nhiều và thường xuyên không dứt, hãy đến cơ sở y tế để thăm khám và phát hiện kịp thời các bệnh lý liên quan.
Minh Hạnh (tổng hợp)

- bài viết liên quan
-
Có mẹo này hết ngay nấc cụt mà ít ai ngờ tới
Mẹo chữa nấc cụt hiệu quả nhất - điều ai cũng phải khó chịu, các bạn nhớ tìm hiểu và lưu lại ngay.December 26 at 8:44 am -
Đừng chủ quan khi bị nấc cụt kéo dài
Nếu bạn thường xuyên bị nấc cụt kéo dài và khác thường thì đừng nên chủ quan vì rất có thể đó là dấu hiệu cảnh báo bệnh tật.October 9 at 8:08 pm -
Làm thế nào có thể chữa khỏi chứng nấc cụt ở trẻ sơ sinh?
Bé bị nấc là do cơ hoành co lại và dây thanh đóng lại nhanh chóng. Việc dây thanh âm đóng lại nhanh chóng là nguyên nhân tạo ra âm thanh của nấc cụt.October 23 at 2:44 pm -
Mẹo chữa nấc cho trẻ sơ sinh hiệu quả
Nấc ở trẻ sơ sinh là hiện tượng sinh lý bình thường. Tuy nhiên, nó có thể gây khó chịu cho bé và gây sặc sữa khi bé đang bú mẹ.May 18 at 9:48 pm