Thứ Ba, 3/12/2019 02:20
RSS
Hotline: 0913019054

Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước

Trước những biến động địa chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng và gia tăng hàng rào thuế quan toàn cầu, thị trường nội địa ngày càng trở thành trụ cột chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng nhằm kích thích chi tiêu hộ gia đình, thúc đẩy sản xuất và dịch vụ trong nước.
29/04/2025 09:46

Sáng 25/4 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Toạ đàm "Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước". Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tổng biên tập tạp chí Nhà đầu tư ông Phạm Đức Sơn, cho biết: Nền kinh tế toàn cầu đang trải qua những biến động lớn, tiêu điểm là cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới: Mỹ - Trung Quốc, cùng với đó là nguy cơ bảo hộ thương mại trở thành xu hướng lan nhanh.

Empty

Tổng biên tập tạp chí Nhà đầu tư Phạm Đức Sơn phát biểu tại sự kiện

Trong buổi Tọa đàm cũng nêu rõ: Việt Nam đối mặt với mức thuế nhập khẩu cao tới 46% từ Mỹ. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải củng cố mạnh mẽ thị trường nội địa, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu. Chính sách thuế đối ứng sau đó đã được tạm hoãn 90 ngày nhưng những diễn biến này vẫn có nguy cơ đe doạ đến sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải củng cố mạnh mẽ thị trường nội địa, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu.

Vì vậy, để ứng phó, Đảng và Nhà nước đã ban hành các chính sách chủ động và hiệu quả. Nghị quyết 77 (ngày 10/4/2025) của Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, với trọng tâm kích cầu tiêu dùng, tăng giải ngân đầu tư công, hạ lãi suất vay vốn cho người dân và doanh nghiệp. Cụ thể, ngày 21/4, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã chỉ đạo nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản và công nghiệp vật liệu xây dựng. Đồng thời, ngày 23/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí giảm 2% thuế GTGT từ 1/7/2025 đến 31/12/2026 nhằm kích thích tiêu dùng nội địa.

Empty

Quang cảnh Toạ đàm "Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước"

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Trần Thị Phương Lan, các doanh nghiệp ngành bán lẻ phải tích cực ứng dụng chuyển đổi số để bắt kịp xu thế về các chuỗi cung ứng liên kết chặt chẽ với nhau; triển khai bán hàng đa kênh, phục vụ du lịch, mua sắm, trải nghiệm của người dân. Từ đó, tăng niềm tin và kích cầu tiêu dùng của người dân.

Bên cạnh đó, giữa nhà sản xuất, hệ thống phân phối và người tiêu dùng cần kết hợp chặt chẽ với nhau nhằm hướng đến sản xuất xanh, tiêu dùng xanh. Tất cả hướng đến phục vụ quyền lợi của người tiêu dùng, khi đó người tiêu dùng sẽ có niềm tin vào sản phẩm. Tại tọa đàm, các đại biểu cũng đã thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực sản xuất, phân phối trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng, củng cố sức mạnh thị trường nội địa trong bối cảnh mới.

Tọa đàm “Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước” đã chỉ ra rõ những thách thức lớn mà nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt, đồng thời cũng khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong việc chủ động ứng phó, thúc đẩy thị trường nội địa phát triển bền vững. Với sự đồng bộ về chính sách, sự linh hoạt của doanh nghiệp cùng sự chung tay của toàn xã hội, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để tăng trưởng ổn định và phát triển kinh tế mạnh mẽ trong giai đoạn tới.

Thanh Tùng

comment Bình luận